ClockThứ Tư, 07/08/2019 14:19

Son môi handmade của cô giáo Thúy

TTH - Chị Nguyễn Thị Thúy, giáo viên mầm non Trường mầm non số 2 xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) đã thực hiện thành công ý tưởng sản xuất son môi bằng nguyên liệu thiên nhiên. Mô hình của chị đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” lần thứ nhất năm 2019, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức.

Người trẻ “mê” đồ da HandmadeQuảng bá làng nghề bằng sản phẩm “handmade”Thực phẩm handmade “lên ngôi”

Chị Nguyễn Thị Thúy (giữa) tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Phụ nữ và Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Thúy tìm mặt bằng quy mô hơn để khách hàng có thể vừa mua hàng vừa tham quan quá trình sản xuất son môi của mình. Chị cho biết, sau thành công từ cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” vừa qua, sản phẩm của chị đã được nhiều người biết đến hơn, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà các đơn hàng ngoại tỉnh cũng tăng lên. Mỗi ngày chị bán được hàng chục cây son môi các loại, doanh thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng.

Cũng nhờ được các chuyên gia khởi nghiệp tư vấn tại cuộc thi, chị Thúy đã thay đổi nhãn hiệu “Thúy Nguyễn Lipstick” thành “TN Lipstick”. Chị giải thích  “Khi được các giám khảo phân tích, nếu mang nhãn hiệu son môi Thúy Nguyễn, nếu có cơ hội cạnh tranh ra thị trường các nước, nhãn hiệu này sẽ khiến người nước ngoài khó đọc. Tôi thấy có lý nên đã đổi thành nhãn hiệu “TN Lipstick”.

Nói về cái duyên đến với sản xuất son môi thiên nhiên, chị Thúy cho biết: “Trước đây, đôi môi tôi lúc nào cũng thâm khô, vào mùa hanh lạnh còn nứt nẻ, chảy máu dù đã dùng nhiều loại son khác nhau để khắc phục. Khi nghe người thân mách nước, tôi đã mày mò tự làm son môi từ các nguyên liệu thiên nhiên để dùng”.

Các nguyên liệu là quả gấc, quả dừa tươi, sáp ong, dầu oliu … được cô giáo Thúy mua về tự nấu thành dầu rồi chia tỷ lệ làm son. Thời gian đầu chẳng dễ dàng, dù nghiên cứu nhiều tài liệu và dành rất nhiều thời gian tìm tòi trên internet song chị vẫn thất bại. Sản phẩm làm ra lúc không có độ bám, lúc màu sắc không đẹp, lúc lại không đông thành thỏi được. “Có lẽ vì đam mê nên những thất bại đó không làm tôi nản mà càng thách thức tôi phải chiến thắng”, chị Thúy bộc bạch.

Chị kiên trì tìm hiểu tác dụng của từng nguyên liệu, ghi ra trên giấy tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong từng lượt sản xuất, cẩn thận, tỉ mẩn hơn trong từng khâu sơ chế, căn đúng thời lượng từng lượt hấp để so sánh. Mỗi lần thất bại chị lại rút ra một ít kinh nghiệm. Qua nhiều tháng mày mò, chị cũng tìm ra cho mình một công thức chuẩn để sản xuất ra một thỏi son đáp ứng đủ các tiêu chỉ màu sắc, độ lì, độ bám, độ kháng nước… “Vui mừng quá tôi sản xuất luôn 100 cây. Qua 3 tháng sử dụng liên tục, tôi hoàn toàn cải thiện được tình trạng đôi môi khô thâm của bản thân”, chị phấn khởi nhớ lại. Chị bắt đầu tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng dùng và phần lớn đều phản hồi tốt, nhiều người còn đặt thêm son để tặng người thân, bạn bè.

 Để tạo sự tin tưởng hơn cho người dùng, chị Thúy đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm chất lượng tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh và đã đạt chuẩn mọi yêu cầu.

Phản hồi của người dùng cộng với niềm đam mê, chị Thúy nảy ra ý tưởng táo bạo là sản xuất, kinh doanh son môi. Ý tưởng đó được chị hiện thực hóa khi có sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình và người thân. Các thủ tục thiết kế mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu, đăng ký kinh doanh được chị hoàn thiện và chính thức cạnh canh thị trường gần một năm nay. Chị cũng đầu tư thêm các thiết bị chuyên dụng như máy cán son, máy hấp, khuôn son, bao bì… Ngoài truyền miệng từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, chị Thúy đã tranh thủ các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và gần đây chị tham gia các hội chợ.

“Sau 3 tháng đầu tiên đi vào hoạt động, tôi đạt doanh thu từ sản phẩm son 45 triệu đồng/tháng và hiện nay tăng lên gần 70 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều lao động”, chị Thúy cho biết.

Từ những tông màu đơn giản ban đầu, chị Thúy nghiên cứu và sản xuất thêm nhiều tông màu mới để phục vụ sở thích phong phú của khách hàng. Hiện nay, chị đã sản xuất thành công 3 tông son môi đỏ, hồng và cam với 14 màu son khác nhau. “Tôi sẽ không ngừng sáng tạo để sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều thị trường hơn nữa”, chị Thúy thể hiện quyết tâm.

Cô Trần Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non số 2 xã Phú Mậu cho hay: “Khi sản phẩm của chị Thúy đoạt giải Nhì cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp", chúng tôi không mấy bất ngờ, vì đồng nghiệp trong trường vẫn thường xuyên dùng sản phẩm son môi do cô Thúy sản xuất, rất chất lượng. Không chỉ khởi nghiệp thành công, cô Thúy còn làm tốt công việc chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi của trường nhiều năm liền. Năm học vừa qua, cô đoạt giải 3 cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và giải khuyến khích giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”.

Bài, ảnh: Thuận Linh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui đến trường với bao vở handmade

Vào đầu năm học mới, thay vì sử dụng bao tập nilon hay giấy bao mua sẵn, nhiều bạn học sinh đã tự tay thiết kế bao vở theo phong cách cá nhân một cách độc đáo.

Vui đến trường với bao vở handmade
Hoa len tặng mẹ

Nhiều bạn trẻ dành tình cảm đến những người thương yêu dịp 20/10 bằng món quà hoa đan len độc đáo:

Hoa len tặng mẹ
Sống “xanh” cùng chất tẩy rửa handmade

Khi mọi người chú trọng hơn đến các sản phẩm an toàn, lành tính, nhiều người đã tìm hiểu về ứng dụng lên men tự nhiên từ quả bồ hòn để tạo ra các loại nước rửa bát, nước lau nhà… an toàn cho sức khỏe, thay vì dùng những chất tẩy rửa hóa học như trước đây.

Sống “xanh” cùng chất tẩy rửa handmade
Return to top