ClockThứ Năm, 26/07/2018 14:00

“Sống” cùng các anh

TTH - Không ai trong số những quản trang tôi gặp lý giải được vì sao chọn công việc này, chỉ biết rằng, họ cùng chung tâm nguyện: Chăm sóc từng phần mộ, luống cây để các anh hùng liệt sĩ được yên giấc.

Chuyện ở nghĩa trang liệt sĩLãnh đạo tỉnh dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế

Với anh Hồ Thống, việc chăm sóc mộ chí của các anh hùng liệt sĩ là trách nhiệm của thế hệ tiếp nối

Thân thương

Mới 5 giờ sáng, anh Hồ Thống, nhân viên quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền (huyện Phong Điền) đã thức dậy quét lá, tưới cây trong khuôn viên nghĩa trang. Nắng bắt đầu gắt, người đẫm mồ hôi, anh vẫn cố tưới cho hết vườn cây xung quanh khu vực tượng đài. Gần đến dịp 27/7, mấy hôm nay, sáng nào anh cũng cắt từ vườn hoa nghĩa trang những bông hoa tươi thắm đặt trên đài tưởng niệm.

Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền trở thành nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ với công viên tươi xanh, hoa trái bốn mùa. Trong khuôn viên nghĩa trang, vườn hoa hướng dương, cúc, bươm bướm... đua nhau khoe sắc, không gian như bừng sáng, không còn vẻ u tịch. Điều thú vị, người dân xung quanh khu vực này vẫn quen gọi dưa hấu, rau, hoa... nghĩa trang, gần gũi như một phần đời sống của họ. 

Anh Nguyễn Hữu Minh và ông Ngô Sinh chăm sóc các phần mộ liệt sĩ

Cách đây 6 năm, anh Thống đến với công việc quản trang khi mới 32 tuổi. Chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, làm vệ sinh khuôn viên nghĩa trang, tưới cây, tỉa cành, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ đến thăm, tìm mộ… là công việc hàng ngày của anh. Anh Thống tâm sự: “Vẻ như, công việc này không thích hợp với một người trẻ tuổi nhưng là người dân Việt Nam, tôi thấy mình có phần nào trách nhiệm chăm lo cho các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì đất nước. Chúng tôi cố gắng để nơi an nghỉ của các anh, các chị luôn sạch đẹp, khang trang, không chỉ vì nhiệm vụ mà còn thể hiện lòng tri ân ”.

Hơn 23 năm nay, anh Nguyễn Hữu Minh âm thầm làm công việc canh “giấc ngủ” cho những người đã hy sinh vì đất nước ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế. Khi mới 25 tuổi, người thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Minh tự nguyện gắn bó với công việc này khi nghĩa trang vừa thành lập. Nhớ đến ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, anh Minh vẫn nghĩ đó là cái duyên để anh gắn bó với nơi này. Anh bộc bạch: “Hồi tôi mới vào làm chỉ 25 tuổi, nhiều người hỏi sao thanh niên không chọn công việc khác, tôi chỉ biết giải thích đó là cơ duyên. Lúc đó, khu vực nghĩa trang hoang vu, cây cối um tùm, dân cư thưa thớt, điện chưa có, tôi và các đồng nghiệp đã tốn nhiều công sức phát quang, dọn dẹp, trồng cây, chăm sóc để khu vực nghĩa trang khang trang như bây giờ”.

Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền trở thành hoa viên

Đồng nghiệp của anh Minh là ông Ngô Sinh cũng có thâm niên mười mấy năm gắn bó với nghĩa trang này. Ở lâu, ông thuộc nằm lòng từng ngôi mộ. Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố có 1.986 ngôi mộ, trong đó có 285 ngôi mộ có tên. Mỗi khi thân nhân đến thăm, chỉ cần nói tên, ông nhớ vanh vách vị trí liệt sĩ đang yên nghỉ. Ông Sinh trải lòng: “Công việc này tuy không quá vất vả nhưng chỉ những ai có tâm huyết mới làm được. Dẫu không ai kiểm tra, chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm chăm sóc nơi yên nghỉ của các anh chu đáo. Mười mấy năm gắn bó, tôi cảm thấy mình như sống chung với các liệt sĩ”.

Gắn bó suốt đời

Với anh Thống, anh Minh hay ông Sinh, niềm vui của nghề đơn giản là thấy các mộ phần được nhang khói ấm cúng, khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, cây kiểng cắt tỉa gọn gàng. Có bàn tay chăm sóc của các quản trang, những ngôi mộ liệt sĩ không còn cô quạnh. Dẫu chưa hề quen biết, nhưng tự sâu thẳm trong lòng, những người quản trang đều xem các liệt sĩ như người thân của mình.

Nhiều năm làm công tác quản trang là chừng ấy thời gian, họ chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động. Sự xót xa khi âm - dương cách biệt, cảm giác mừng - tủi khi liệt sĩ “sum họp” cùng người thân, có cả những khổ đau của những thân nhân bao năm ròng rã đi tìm hài cốt người thân. Anh Thống kể, chuyện khiến anh xúc động nhất là tình yêu chung thủy của người con gái Hà Nội năm xưa với liệt sĩ tên Hà đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền. Sau bao năm tìm kiếm, cô Xuyến tìm thấy nơi an nghỉ của người yêu cũ. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của liệt sĩ Hà, cô lại đến đây hát, ngâm thơ bên mộ anh suốt 3 ngày đêm. Cảm động trước tấm chân tình ấy, anh Thống cũng thức cùng cô.

Hàng ngày, hàng tháng có rất nhiều thân nhân liệt sĩ từ khắp các tỉnh, thành đến nghĩa trang liệt sĩ với hy vọng tìm được mộ người thân nhưng rồi lại lặng lẽ khóc thầm ra về, lòng người quản trang cũng buồn không kém. Họ tận tình hướng dẫn, chủ khách cùng chia nhau mảnh chăn, tấm chiếu, rồi tình nguyện dùng xe máy chở các thân nhân thăm lại trận địa năm xưa người thân của họ đã ngã xuống. Anh Minh kể: “Có những thân nhân ở ngoài Bắc vừa hay tin người thân của mình đang yên nghỉ tại Huế liền lên tàu đi ngay, dù không biết chính xác nghĩa trang nào. Nửa đêm tàu đến Huế, họ bắt xe ôm đến đây ngay. Thông hiểu tâm trạng của họ, chúng tôi thức suốt đêm để cùng tìm kiếm mộ trong nghĩa trang. Cũng có những lúc không khỏi xúc động khi chứng kiến cuộc “đoàn tụ” của thân nhân và liệt sĩ...”.

Những câu chuyện ấy cứ làm lòng người quản trang day dứt mãi, để rồi tự hứa sẽ cố gắng nhiều hơn, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ tốt hơn. “Chứng kiến cảnh thân nhân liệt sĩ lặn lội đường xa đến đây, cảm nhận được nỗi lòng của họ, chúng tôi luôn tự hứa với lòng sẽ chăm sóc phần mộ của các anh chu đáo hơn nữa, để gia đình các liệt sĩ được yên lòng”, ông Sinh xúc động.

Không chỉ là nghĩa vụ, những người làm công tác quản trang luôn hoàn thành công việc của mình với tất cả trách nhiệm và lòng thành kính. Dù chỉ nhận được đồng lương ít ỏi với khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, cuộc sống khó khăn  nhưng cả ba người đều chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ công việc đã chọn. Anh Minh tâm nguyện: “Không chỉ là làm công ăn lương, đây là công việc đặc biệt, thể hiện nghĩa cử biết ơn của những người được sống trong độc lập hôm nay. Các anh đã làm việc lớn là hy sinh vì đất nước, chúng tôi chỉ góp một việc nhỏ, tận tâm chăm sóc các anh như chăm sóc chính những người thân trong gia đình. Vì thế, tôi nguyện sẽ gắn bó suốt đời với các anh”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo

Quan tâm đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các ban, ngành thị xã Hương Trà phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, phát triển kinh tế hộ, cấp phát các chế độ, chăm lo mọi mặt đời sống, góp phần đem lại niềm vui cho người dân dịp tết đến, xuân về.

Chăm lo tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo
Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại A Lưới

Ngày 20/1, Thượng tướng, PGS.TS.Trần Việt Khoa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng cùng Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đến viếng, dâng hương, hoa, tri ân các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn huyện A Lưới.

Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại A Lưới
Return to top