ClockThứ Sáu, 22/04/2016 06:04

“Sống dở, chết dở” cây cà phê A Lưới

TTH - Từng là “giấc mơ” đổi đời cho đồng bào dân tộc huyện A Lưới, thế nhưng toàn bộ diện tích hơn 340 ha cây cà phê hiện đang “chết dỡ, sống dở” khiến người dân và chính quyền địa phương đau đầu…

Cà phê bỏ hoang, dân thiếu đất sản xuất

Vườn cà phê gần 1 ha của gia đình chị Hồ Thị Mơn, ở thôn A Bung, xã Nhâm được trồng từ năm 2001, theo hình thức nhận khoán chăm sóc cho Nông trường cà phê A Lưới và hưởng lợi sau khi thu hoạch. Trước đây, trung bình mỗi năm diện tích cà phê mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình chị. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay vườn cà phê này đã bị bỏ hoang, do cà phê rớt giá, Nông trường cà phê A Lưới kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn tới phá sản. Chị Mơn chua xót: Diện tích này trước đây do gia đình khai hoang trồng các loại cây ngắn ngày. Từ khi Nông trường cà phê A Lưới được thành lập, gia đình đã góp quỹ đất này vào để cùng sản xuất. Đến khi nông trường giải thể, toàn bộ tài sản được kê biên thanh lý, coi như mất đất sản xuất. Hiện tại, do quá trình thanh lý kéo dài, đất đai lại bỏ hoang, bà con tranh thủ trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, đậu lạc… để đắp đổi.

Diện tích cà phê trước đây của chị Hồ Thị Mơn nay được tranh thủ trồng sắn để đắp đổi qua ngày 

Đây là thực trạng chung đang diễn ra ở nhiều địa phương của huyện A Lưới. Thống kê ban đầu, toàn huyện hiện chỉ còn hơn 32 ha cây cà phê, nhưng cũng trong tình trạng “thoi thóp”. Số diện tích rất lớn đã bỏ hoang nhiều năm nay, người dân chỉ còn cách tận dụng trồng các loại cây ngắn ngày. Theo các hộ dân ở đây, trong tổng diện tích cây cà phê của Nông trường cà phê A Lưới, số diện tích đất của bà con khai hoang góp vào chiếm gần 40%. Hộ anh Lê Năng Thọ, ở thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc trước đây là công nhân Nông trường cà phê A Lưới, anh nhận khoán diện tích 3ha chăm sóc. Từ khi nông trường giải thể, gia đình anh không biết xoay xở thế nào. Anh Thọ tâm sự: “Giá 1 kg cà phê hiện tại chỉ hơn 3.000 đồng, nhưng công hái đã 2.500 đồng, nên thu không đủ bù chi phí. Tuy nhiên, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn thì lại vướng đến tài sản thanh lý, bà con ở đây đa số là hộ nghèo lấy gì mà mua lại được…?”.

Qua tìm hiểu được biết, do kinh doanh thua lỗ kéo dài và dẫn tới phá sản của Công ty Vina café Quảng Trị, cuối năm 2010, Tổng Công ty cà phê Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Vina café Quảng Trị ngừng đầu tư đối với diện tích cà phê tại Nông trường A Lưới. Việc “bỏ của chạy lấy người” của Công ty TNHH MTV Vina café Quảng Trị để lại hậu quả hơn 340 ha cà phê hoang tàn và một khu nhà xưởng chế biến xuống cấp, hoen rỉ, gây không ít lãng phí tiền của, đất đai của Nhà nước.

Tìm phương án giải quyết tối ưu

Để cứu lấy 340 ha cà phê này, ngay sau khi Nông trường cà phê A Lưới giải thể, UBND huyện A Lưới có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV Vina café Quảng Trị giao cho người dân chăm sóc và hưởng lợi sản phẩm trong thời gian chờ thanh lý. Trên cơ sở đó, đầu năm 2011, UBND huyện thành lập Ban quản lý diện tích cà phê của Nông trường cà phê A Lưới, đồng thời cho các hộ dân tạm ứng hơn 130 tấn phân bón, với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Sản lượng thu hoạch trong niên vụ cà phê năm 2011 gần 1.300 tấn, với doanh thu gần 13 tỷ đồng. Điều này đã góp phần giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc các xã vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, Công ty TNHH MTV Vina café Quảng Trị đã nộp hồ sơ phá sản và Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 07/2011/QĐ-TLTQLTL về thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản vụ phá sản này. Đến ngày 23/3/2012, Công ty cổ phần định giá EXIMA có hai chứng thư thẩm định giá theo hợp đồng với Tổ quản lý, thanh lý tài sản vụ phá sản của Công ty TNHH MTV Vina café Quảng Trị. Mức định giá mà cơ quan chức năng đưa ra với diện tích cà phê hơn 35 tỷ đồng, nhà máy chế biến cà phê hơn 4,7 tỷ đồng. Trong khi đó, đa phần diện tích cà phê này đã hoang tàn, thời hạn sử dụng đất và chu kỳ khai thác cây cà phê chỉ còn vài năm…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm, với số tiền định giá của cơ quan chức năng, thì một huyện nghèo như A Lưới là điều quá sức. Hơn nữa, đa số các hộ dân tham gia chương trình này đều là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn khó khăn. Để đảm bảo quy định về bán đấu giá tài sản, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, UBND huyện A Lưới đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét và có chính sách hỗ trợ kinh phí giá trị diện tích cây cà phê để người dân có điều kiện tái sản xuất.

Phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Việc đánh giá lại đúng giá trị tài sản và tìm phương án tối ưu để giải quyết hài hòa lợi ích, đảm bảo ổn định cuộc sống cho đồng bào là vấn đề cần sớm giải quyết dứt điểm đối với dự án cây cà phê ở A Lưới.

Bài, ảnh: Quốc Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách

Trong không gian Viện Pháp Huế, số 1 Lê Hồng Phong, nhà văn viễn tưởng nổi tiếng người Pháp Bernard Werber đã có buổi giao lưu, trò chuyện cùng khán giả cố đô và giới thiệu hai tác phẩm tâm đắc của ông: “Bộ Ba Kiến" và "Chiếc hộp Pandora".

Bernard chọn quán cà phê trong Đại Nội để ngồi viết sách

TIN MỚI

Return to top