ClockThứ Bảy, 11/08/2018 12:09

“Sống mòn” nghề sửa đồng hồ

TTH - Từng ăn nên làm ra, thậm chí giúp nhiều người khá giả và giàu có, nhưng nghề sửa đồng hồ đang “yếu dần” theo thời gian. Không ít thợ sửa đồng hồ chuyển nghề hoặc cố gắng cầm chừng để duy trì cuộc sống.

Anh thợ sửa đồng hồ cứu cụ bà sụt ống cống trong mưa lũNhiều bạn đọc cảm phục anh thợ sửa đồng hồ xả thân cứu người

Ông Công Danh cặm cụi bên tủ sửa đồng hồ đã cũ

Vang bóng một thời

Chăm chút tháo từng chi tiết nhỏ trên chiếc đồng hồ khi chúng tôi nhờ chỉnh sửa, ông Công Danh, chủ hiệu đồng hồ Công Danh, đường Trần Phú, TP. Huế cười: “Đồng hồ của chú để lâu khô dầu, đợi một lúc để tui lau chùi cho sạch, máy đồng hồ Movado chạy bền lắm”. Hơn 25 năm trong nghề, ông Danh bắt nhanh được bệnh của đồng hồ lên dây.

Ông đến với nghề như một cái duyên: “Tôi theo nghiệp bố, ngày đó tôi trông cửa hiệu cho bố lúc đi học về nhưng do tính tò mò, thích quan sát nên thuộc nghề lúc nào không hay”. Theo ông Danh, nghề sửa chữa đồng hồ đòi hỏi người thợ phải kiên trì, cẩn thận và nhẫn nại. “Dụng cụ sửa đồng hồ như nhau, chổi quét, tua vít, bình xịt, nhíp, búa… tất cả đều rất nhỏ. Quan trọng để “chẩn đoán” chính xác bệnh của đồng hồ thì mắt phải tinh và cần sự tập trung. Có dạo, tôi nhận sửa chiếc đồng hồ cũ đã "chết" máy. Vị khách thiết tha nhờ tôi sửa giúp vì đây là kỷ vật của người thân đã qua đời. Tôi loay hoay mất hai ngày mới giúp chiếc đồng hồ hoạt động trở lại. Khách cảm ơn rối rít, tôi cũng thấy vui lây ”. Ông Danh kể.

Gắn bó nhiều năm, ông Danh trải qua thời kỳ thịnh đạt của cái nghề “sửa thời gian” này. Huế những năm 1990 là thành phố của học sinh, sinh viên. Thói quen sử dụng đồng hồ của tầng lớp trí thức cũng là một phần giúp cho nghề sửa đồng hồ phát triển thịnh đạt. “Hồi đó, một cái đồng hồ Seiko của Nhật có giá rất đắt, Omega, Longines cũng vậy nên người đeo khi hư là phải ráng sửa. Công việc của thợ sửa đồng hồ khá nhiều, thu nhập tốt”, ông Danh nhớ lại.

Có tuổi nghề ít hơn ông Công Danh nhưng ông Quang Vinh, 45 tuổi, thợ sửa đồng hồ ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang, đến với nghề bởi niềm đam mê. “Ngày trước ở quê, nhiều người đi làm ăn xa trở về thường “diện” cho mình chiếc đồng hồ xịn, tôi mê nhưng không có tiền mua. Nhà đông anh em nên khi không tiếp tục học chữ tôi liền xin bố theo học sửa đồng hồ tận TP. Quy Nhơn”, ông Vinh kể lại quá trình đến với nghề. Sau ba năm theo học, ông Vinh trở về quê cặm cụi với bình xịt, nhíp đến nay cũng đã ngót gần hai chục năm. “Nghề này ngoài chịu khó sửa chữa thì việc tìm mua và tân trang từ đồng hồ đeo tay, đồng hồ để bàn đến đồng hồ quả lắc treo tường cũ rồi bán cho khách sẽ mang lại thu nhập rất khá”, ông Vinh kể lại bí quyết kiếm thêm thu nhập trong nghề sửa đồng hồ.

Cố gắng níu nghề

Quãng thời gian từ những năm 1990 cho đến trước lúc các thiết bị công nghệ thông minh ra đời, nghề sửa đồng hồ thực sự thịnh đạt. Các hiệu sửa đồng hồ thường hiện diện ở những khu phố đông người qua lại hay chợ. Nghề sửa đồng hồ ngày ấy giúp nhiều người khấm khá, có hộ giàu lên nếu biết kết hợp sửa chữa và kinh doanh đồng hồ. “Giờ thì làm cầm chừng thôi, tháng khoảng 2-3 triệu đồng là cao, trừ chi phí mặt bằng, tôi chỉ đủ nuôi bản thân”, ông Vinh thở dài .

Cùng với sự phát triển nhanh của điện thoại di động có chức năng hiển thị giờ, ngày tháng nên thói quen sử dụng đồng hồ để xem thời gian của mỗi người cũng dần ít lại. Ngay cả chiếc đồng hồ treo tường trong nhiều gia đình cũng là đồ điện tử. Những người còn mặn mà với chiếc đồng hồ không nhiều và thường sử dụng nó như một loại phụ kiện thời trang. Các hãng điện thoại cũng tung ra những chiếc đồng hồ tích hợp nhiều tiện ích như kiểm soát sức khỏe, sắp xếp lịch công tác và các hỗ trợ khác càng đẩy nhanh quá trình thu hẹp thị phần của đồng hồ lên giây. Đi cùng, nghề sửa đồng hồ bước vào thời kỳ "sống mòn".

“Bây giờ tôi cũng đã có tuổi, mắt không còn sáng như trước và tay cũng run vì vậy khá khó khăn khi vặn ốc hay đặt các bộ phận chi tiết vào mặt đồng hồ. Lượng khách giờ khá ít, họ đến sửa chủ yếu là chùi dầu, thay trục, pin hay thay dây nên thu nhập ít lại. Tôi cũng tính chuyện chuyển nghề nhưng lại tiếc vì đã gắn bó với nó nhiều năm”, ông Danh cho hay.

Nghề sửa đồng hồ được truyền dạy không theo trường lớp mà thường do thầy có kinh nghiệm truyền dạy cho trò. Vì vậy, khi thị phần đồng hồ lên dây thu hẹp, những người trẻ không hứng thú chọn nghề này thì sự vắng dần của người thợ sửa đồng hồ lâu năm là một cái kết đáng buồn cho nghề đã từng là thời thượng. Ngày nay, ghé chợ hay các khu phố đông người qua lại, vị trí của những hiệu đồng hồ ngày xưa giờ là cửa hàng bán điện thoại di động, mỹ phẩm hay nhãn hiệu thời trang. Sự phát triển của xã hội làm mất dần những ngành nghề cũ và tạo ra những ngành nghề kinh doanh mới, nghề sửa đồng hồ đang thu hẹp dần theo chu trình đó.

Bài, ảnh: Thành Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top