ClockThứ Hai, 08/10/2012 11:07

“Sóng ngầm” lãi suất tiền gửi tiết kiệm

TTH - Theo Thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trần lãi suất (LS) đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm. Tuy nhiên trên thực tế ở địa bàn Thừa Thiên Huế, LS huy động “nhảy múa” vô cùng...

Âm thầm vượt trần LS

 

Không dưới hai lần, cả cô H và anh H ở NH thương mại cổ phần V trên địa bàn TP Huế gọi điện cùng một nội dung: “Anh hoặc bạn thân của anh có tiền nhàn rỗi thì mời đến NH em gửi với LS hấp dẫn”. “Cụ thể là LS bao nhiêu vậy em” - Tôi gặng hỏi. Phía bên kia đầu dây tiếp nối: “Gặp trực tiếp anh hoặc người gửi tiền, em sẽ nói rõ hơn. Anh đang ở đâu? Em xin gặp khoảng 15 phút có được không anh?”. Ừ thì tranh thủ gặp nhau ngay bây giờ cũng được, tại quán cà phê CS nhé!”. Gặp H với tư cách là một “thượng đế”, tôi “tung chiêu” luôn: “Hiện, LS huy động của các NH đang thấp, đa số khách hàng chọn kênh trú ẩn khác”. LS bao nhiêu mà anh cho rằng thấp - H hỏi. Tôi bèn trả lời: “Theo quy định, kỳ hạn 1-12 tháng là 9%/năm; từ 12 tháng trở lên là 12%/năm”. H phân bua: NH em đang có nhiều chương trình khuyến mãi và áp dụng LS cho khách hàng gửi tiết kiệm hết sức linh hoạt, tùy vào món tiền gửi. Dưới 100 triệu đồng, có thể cộng thêm khoảng 0,5-1%; từ 100-200 triệu đồng, có thể cộng thêm khoảng 1,5-2%; từ 300-500 triệu đồng, có thể cộng thêm khoảng 2,5%; nếu 1 tỷ trở lên thì có thể thỏa thuận LS... được không anh?. Tôi đành tìm cách “thoái thác”: “Mình thì không có tiền nhàn rỗi nhưng để mình hỏi lại mấy người bạn, có gì sẽ liên lạc sau”...

 

Lãi suất tiết kiệm tại Techcombank hiện khá cao Lãi suất tiết kiệm tại Techcombank hiện khá cao

 

Thực tế, việc “chạy đua” LS các kỳ hạn ngắn bắt đầu tái diễn ngay sau khi NHNN đưa trần LS huy động từ 11% về mức 9%/năm. Đối với các NH nhỏ và vừa, đang thiếu thanh khoản thì mức trần huy động 9% không đủ hấp dẫn người gửi tiền. Đã thế, sức ép huy động tài chính phục vụ nhu cầu vốn cuối năm khiến các NH phải đưa ra mức LS huy động cao hơn thị trường từ 1-2%. Anh K, khách hàng gửi tiền tại 3 NH lớn và nhỏ trên địa bàn TP Huế “bật mí”: “Tuần trước, cán bộ NH gọi điện thông báo sẽ tăng LS gửi tiền lên 11%/năm. Còn một NH nhỏ thì chào LS tới 12%. Mà đều là LS gửi tiền cho kỳ hạn 1-3 tháng”. Theo anh K, trước đây khi “đi đêm” LS, NH còn có giấy nhận tiền (phần chênh ngoài LS quy định) kèm sổ tiết kiệm. Nhưng nay, để tránh bị “săm soi”, bắt lỗi, thì trên sổ tiết kiệm chỉ ghi đúng mức LS 9%/năm. Còn phần lãi chênh (2-3%) sẽ được chi ngoài bằng tiền mặt, không cần giấy tờ. Trước đây, khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng mới được “chăm sóc”, thì giờ với món gửi 100 triệu đồng, nhân viên NH đã phục vụ tận tình. Vào dịp sinh nhật, nhân viên các NH đến tận nhà tặng hoa và quà; giá trị không dưới 500 ngàn đồng. Anh K cho hay.

 

Để kéo người gửi tiền đến với mình, nhiều chiêu khuyến mãi được tung ra như “Mừng sinh nhật, cào nhanh trúng lớn”, “Gửi tiền nhỏ, trúng tiền to”, “Quay số mỗi tuần, quay số cuối kỳ”, cào (hay bốc thăm) lấy thưởng ngay và còn cơ hội trúng cho lần cào tiếp theo… Trị giá giải thưởng muôn màu, vượt xa LS quy định. Từ nón bảo hiểm, dù, bộ thìa inox cao cấp, hộp nhựa, bếp điện từ, máy điều hòa, tủ lạnh, phiếu mua hàng tại siêu thị, thẻ visa du lịch, căn nhà mơ ước tiền tỷ. Trong nhiều cuộc họp nhằm giải cứu cho các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế, có ba vấn đề nóng hầu như còn để ngỏ, chưa được giải quyết thấu đáo là vốn, LS, hàng tồn kho. Nếu các nhà băng cứ âm thầm nâng cao LS tiền gửi thì liệu có giảm được LS cho vay? Đây là câu hỏi chưa có lời giải.

Giám đốc phòng giao dịch của một NH ở đường Mai Thúc Loan-TP Huế tiết lộ, từ ngày 20-9, LS huy động của nhà băng này đã được đẩy lên tới 12%/năm. Với món tiền gửi khoảng vài trăm triệu đồng trở lên sẽ được thỏa thuận LS, thay vì mức 500 triệu đồng như trước. Việc huy động tiền đang rất khó khăn, vì khách hàng rất cẩn trọng, họ chia nhỏ món tiền và gửi ở nhiều NH để đề phòng rủi ro. Hoặc họ mua vàng, USD cất giữ ở nhà. Do vậy, NH phải chấp nhận “chi” thêm ngoài LS để kéo dòng tiền về cho mình. Theo tính toán, với món tiền gửi 100 triệu đồng trong 1 tháng, thì phần tiền chi ngoài LS chỉ khoảng 150-300 ngàn đồng (tương ứng LS 11-12%/năm). Số tiền chi thêm không quá lớn, nên các NH có thể “cố” được, miễn sao duy trì lượng tiền, đảm bảo thanh khoản cho cuối năm. 

 

Nhân viên bị khoán huy động vốn

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số NH nhỏ trên địa bàn đã vượt LS huy động ngắn hạn trên 12%/năm. Trong đó, có NH chấp nhận thỏa thuận LS tới 12,5% và trả luôn tiền mặt cho phần chênh LS. Giao dịch viên của một NH cho biết: “Vì huy động vốn rất khó nên nhân viên giao dịch cũng bị khoán chỉ tiêu huy động. Phòng tôi có 5 người, phải huy động tối thiểu 10 tỷ đồng/tháng. Thời điểm nào khó khăn quá, sếp sẽ khoán chỉ tiêu cho từng người”. Theo nhân viên này, do NH chỉ huy động với LS 9%/năm, nên lượng tiền gửi chủ yếu là từ khách hàng quen, ít phát sinh mới. Để giữ chân khách hàng và duy trì lượng tiền gửi, phòng giao dịch phải lập quỹ riêng để chi thêm tiền cho khách. Một nhân viên mới của NH cổ phần cho hay, mỗi tháng chị phải huy động được 1 tỷ đồng. “Mới vào làm, em đành phải nhờ những người thân trong gia đình gửi tiền để đạt chỉ tiêu. Nhưng tháng sau không biết kiếm đâu ra khách hàng”, nhân viên này lo lắng.

 

Lãnh đạo một NH thừa nhận, trong tình cảnh huy động vốn trên thị trường liên NH co hẹp, các NH phải “chạy đua” LS để kéo dòng tiền về phía mình, dự phòng thanh khoản căng thẳng vào cuối năm. Do đó, việc “đi đêm” LS là một trong những giải pháp tình thế để cứu vãn thanh khoản, và năm nay sẽ còn căng hơn. “Gửi dưới 12 tháng, LS chỉ 9%/năm”; đó là câu trả lời của các giám đốc NH với chúng tôi, nhưng rõ ràng đã có “sóng ngầm” bên trong. “Muốn LS cao hơn trần phải là khách hàng quen, khách hàng truyền thống, hay có số tiền gửi nhiều…”-Chị T ở đường Hoàng Diệu-TP Huế cười sau khi được nhân viên giao dịch xin số điện thoại để “liên hệ sau”.

 

Trước đây, “cuộc đua” LS huy động ở vùng đất Cố đô cũng từng diễn ra. Lần này dù không ồn ào nhưng vẫn âm ỉ với nhiều chiêu “lách” trần tinh tế hơn. Tại thời điểm hiện nay, tính thanh khoản của hệ thống NH được xem là tương đối ổn định. Song một số nhà băng nhỏ đang thiếu vốn trầm trọng nên họ mới lách trần, nâng LS cao… nhằm thu hút tiền gửi. Có chuyên gia nhận định, một khi còn “trần LS” thì hiện tượng lách trần sẽ khó chấm dứt. Bởi lẽ, việc hạ trần tiền gửi xuống 9% đã đặt các NH nhỏ, yếu thanh khoản nằm giữa “sự sống” và “cái chết”, buộc họ phải sử dụng các “chiêu”, hoặc chương trình khuyến mãi nhằm tăng LS huy động thu hút khách hàng. Đây cũng là cách để các NH yếu giữ chân khách hàng cũ và tăng số lượng khách hàng mới. Hiện tượng này nếu không được chấn chỉnh sẽ có tác động dây chuyền, lan sang các NH lớn, thừa vốn vì họ sẽ không thể ngồi yên chịu mất khách.

 

Bạch Quang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
'Bến đỗ' tiếp theo của vàng

Giữa lúc giới đầu tư đang hân hoan tận hưởng những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán, vàng - nơi trú ẩn yêu thích của họ - cũng đang đạt những đỉnh cao mới.

Bến đỗ tiếp theo của vàng
Xóa độc quyền để bình ổn thị trường vàng

Giới đầu tư đang “nóng lòng” chờ Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ sớm được sửa đổi để bình ổn thị trường vàng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, trước tiên, cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Xóa độc quyền để bình ổn thị trường vàng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top