ClockThứ Ba, 23/08/2016 05:26

Sông tanh…

TTH - Được đầu tư lớn để nạo vét, khơi dòng... sông An Cựu đã trở nên sạch sẽ hơn, tạo điểm nhấn cho đô thị Huế. Thế nhưng, ý thức của người dân lại chưa hề tương xứng…

Sự cố gắng của những người công nhân môi trường đô thị sẽ vô nghĩa nếu thiếu sự chung tay và ý thức của mọi người chung quanh.

Chủ nhật, mấy cha con chở nhau về thăm nội. Ngang qua sông An Cựu, chợt thằng út la làng: Ba ơi, mùi chi mà tanh ri hè, mùi sông à? Tôi giật mình, đúng là tanh thiệt. Quan sát thấy mặt đường sạch sẽ, chẳng có dấu hiệu ai đó làm đổ thức ăn, mắm ruốc… khiến vương mùi. Nhìn xuống sông, con nước hôm ấy cạn xợt, đứng phắc và có màu rất xót, nhờ nhờ, đục đục như bị nước cống hòa vào. Trên mặt nước thì vô vàn rác và rác. Còn mùi thì quả là như thằng út nhà tôi nhận xét.  Ôi chao, con sông hai mùa nắng đục mưa trong, con sông một thời gắn bó với tuổi thơ tôi, con sông mà mới ngày nào cả xóm tôi cứ mỗi chiều hè lại í ới gọi nhau vẫy vùng bơi lội… sao lại ra nông nổi thế này.

Thật ra, chuyện sông An Cựu bị ô nhiễm thì từ lâu nay chỉ bằng mắt thường thôi cũng có thể thấy được, nhất là những người đã từng sinh ra và lớn lên bên dòng sông này cách đây chừng năm, sáu thập kỷ. Từ chỗ là nguồn nước sinh hoạt chính yếu cho các hộ dân cư đôi bờ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà trong đó, sự vô ý thức của con người là chính yếu, dòng An Cựu trở thành một dòng sông ô nhiễm. Cá tôm ngày càng ít đi. Không, hoặc là rất hiếm còn thấy người giặt giũ, bơi lội như ngày xưa. Con sông gần như chỉ còn sử dụng cho một phần giao thông thủy và cho nông nghiệp là chính yếu.

Nhiều năm gần đây, tỉnh, thành phố đã đầu tư nguồn lực rất lớn để nạo vét, khơi dòng; giải tỏa tái định cư các hộ dân sống đeo bám ven sông; cải tạo, chỉnh trang đôi bờ; tổ chức lực lượng thường xuyên thu gom rác thải … Tất cả đã có tác động rất tích cực. Dòng sông đã trở nên sạch sẽ hơn; nguồn thủy sản được tái tạo; các tuyến đường, vườn hoa dọc đôi bờ sông trở nên thơ mộng, tạo thêm điểm nhấn cho đô thị Huế.

Thế nhưng, song song với sự đầu tư trên thì ý thức của người dân là chưa hề tương xứng. Bạn có thể nấn ná ở những ngôi chợ tọa lạc ven con sông này như Bến Ngự, An Cựu… mà quan sát thử xem. Bà con tiểu thương ở các lô rong bạ, trong đó có không ít người là chủ nhân của các gánh hàng chuyên lấn chiếm vỉa hè, lề cầu, hễ thải ra cái gì là lập tức ném thẳng xuống sông không một chút áy náy! Bạn hãy đến cống Thầy Niệm trên đường Phan Chu Trinh mà xem. Đường cống này thu nước thải của hàng trăm, hàng ngàn hộ gia đình, và chắc chắn là chẳng có xử lý gì hết, cứ thế mà xả thẳng vào sông An Cựu. Và hòa trong dòng nước đen ngòm ấy còn cơ man nào là rác rưởi đủ loại. Vỉa hè, công viên dọc con sông sau khi được chỉnh trang chưa lâu, lập tức bị thiên hạ chiếm dụng buôn bán, chủ yếu là mặt hàng ăn nhậu. Chiều chiều, dân nhậu ngồi đen đặc. Có “dzô” tất phải có “ra”. Và khi màn đêm buông xuống, dòng sông lại phải trực tiếp hứng chịu trực tiếp “sản phẩm” của không ít thượng đế vô ý thức. Bạn cũng nên lang thang ở các cây cầu bắc qua sông An Cựu mỗi đêm “rằm to vía lớn” mà xem, dù đã có lệnh cấm của chính quyền, nhưng người ta vẫn tập kết về đây rất nhiều vàng mã để rải xuống sông mà gần như không vấp phải một sự nhắc nhở nào… Bao nhiêu thứ như thế, nếu không có giải pháp chấn chỉnh, hạn chế, ngăn chặn, thì sự đầu tư nào cũng sẽ trở nên vô nghĩa.

“Sông tanh…”, cái buột miệng của một đứa con nít là thằng út đã khiến tôi chột dạ không yên. Xin gửi chút thao thức vào những con chữ này như một sự chia sẻ …

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
“Thương hiệu Huế” nhìn từ Quy hoạch tỉnh

Cần tạo ra “thương hiệu Huế”, đó là một trong những đặt hàng của các bộ, ngành Trung ương đối với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Chính phủ thông qua.

“Thương hiệu Huế” nhìn từ Quy hoạch tỉnh
Những “ký ức tập thể” của đô thị Huế

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm giữ cho bằng được biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi như một cách lưu giữ thêm “hồn vía” và “ký ức tập thể” cho đô thị Huế.

Những “ký ức tập thể” của đô thị Huế
Return to top