ClockChủ Nhật, 10/09/2017 07:15

Sống thật & sống ảo

TTH - Đại diện cho tầng lớp “sống trên mây” là vô cùng nhạy cảm, nên mỗi ngày phải đăng liên tục 5, 10 cảm nghĩ và chờ người khác vào like, chia sẻ. Rồi thì chọn những góc mặt đẹp nhất, V-line nhất để chớp vài pô, rồi kỳ công suy nghĩ chú thích dạng “mặt béo quá, mặt xấu quá”...

Ngồi thì chung nhưng quan tâm thì riêng

Thế hệ 9x đời cuối và 2k dạo này hay lắm, chúng cứ nói chuyện với nhau qua điện thoại hoài. Tôi nghe rổn rảng câu này đã một thời gian rồi, nếu nhớ cho kỹ thì cũng phải từ khi ba mẹ cho xài lại cái điện thoại cũ. Hồi đó sách báo còn thịnh hành ghê lắm, cái nghe gọi cũ mèm chỉ dành để chơi game và đem khoe với bạn. Đứa nào có cái nắp trượt thì phải thuộc dạng đại phú gia, nắp gập thì đỡ hơn chút và bấm số bình thường thì coi như cũng tạm. Ngày đó làm gì có khái niệm "sống ảo", bởi nếu muốn chia sẻ một thứ gì, thì hoặc là đến gặp mà kể cho nhau nghe, không thì im ỉm viết một mình cho cuốn nhật ký.

Cái ngày “đen trắng” ấy, con người ta sống thật quá chừng. Mà cũng chẳng trách được, cuộc sống cứ phải hiện đại lên dần, ngoại tôi còn được lên đời từ chiếc điện thoại bàn viettel không dây thành con phone hồng nắp gập thì người trẻ hiện đại lên cũng có lạ gì. Chỉ có khác một nỗi, chẳng ai làm ảnh hưởng đến "đại ca ba" của tôi được, còn tụi trẻ, chúng đổ rầm rầm vì facebook, zalo...

Từ ngày có mấy trang mạng xã hội nổi tiếng, người người, nhà nhà, trong đó có tôi cũng bị cuốn vào những câu chuyện được chia sẻ tràn lan trên mạng. Hẳn là khoảng 6,7 năm về trước, khi facebook mới nổi trong cộng đồng, ba bốn ngày mới thấy đèn nick sáng choang một lần, nhưng giờ thì dường nhưng chẳng bao giờ tắt. Mấy câu chuyện ngắt quãng ở trường, lớp cứ nối dài ra đằng sau các mục chia sẻ. Lâu dần, người ta cũng quên cách nói chuyện trực tiếp với nhau.

Chuyện hàng giờ...

Nhiều hôm đi chơi, tôi còn quặn bụng bảo bực vì mấy con bạn cứ chằm hăm vào chat chit với nhau thông qua một phần mềm trên mạng. Tôi nửa ngỡ ngàng, nửa bực dọc bảo về, vì kỳ thật là sau cả tiếng đồng hồ tụ tập mà chẳng có nổi một cuộc hội thoại nào được hình thành cho nên hồn cả. Nhiều bận toan bỏ về thật, để chúng nó biết đường rồi thảy cái điện thoại ra khỏi lồng ngực, mà ngặt nỗi, tụi nó cứ để bạn mình đi ngút mắt mù khơi. Nói cho đúng là mình có hơi buồn, cái buồn bực theo bước chân tiến nhanh về phía cửa rồi bốc hơi hẳn, vài mối quan hệ thân tình cũng do vậy mà kéo nhau đi. Tôi còn chẳng tiếc kịp tiếc nuối lâu, vì chí ít thì bản thân cũng hơn một cái điện thoại xa chừng mà nhỉ.

Mà kỳ thật, cách sống ảo này cũng khôn, nên thường không vin vào các cá nhân trung bình nhan sắc. Ví như bạn đại học của tôi chẳng hạn, cái thời nó tròn trục trục thì chẳng mấy ai để ý tới nên tính tình ngây ngô, vui vẻ. Chỉ đến lúc mình hạc xương mai, các đường nét bắt đầu sắc sảo là tính tình cũng như vậy mà nhạt nhòa dần theo cấp độ. Người càng đẹp, like càng nhiều, tính càng nhạt.

Cái vòng luẩn quẩn cứ liên tiếp, liên tiếp làm nhiều người đam mê không thoát ra được. Đại diện cho tầng lớp “sống trên mây” là vô cùng nhạy cảm, nên mỗi ngày phải đăng liên tục 5, 10 cảm nghĩ và chờ người khác vào like, chia sẻ. Mấy hôm thấy nàng bạn chọn những góc mặt đẹp nhất, V-line nhất để chớp vài pô, rồi kỳ công suy nghĩ chú thích dạng “mặt béo quá, mặt xấu quá”. Nó bảo viết như vậy mới có nhiều người like, rồi khen chê tấp nập. Tôi thấy nó chực vui, vì nguồn like tăng lên liên tục nên “làm việc” hăng say dữ lắm. Đến cả mức sáng ngủ dậy thấy nhà bị lục tung hết lên, vốn buôn bán cả năm cũng theo mây về trời, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để chụp một tấm ảnh, gõ một đoạn status dài thật dài, rồi mới chạy tót lên phường báo chính quyền. Hồi nghe kể lại, xen lẫn trong cảm giác sợ hãi của một cô gái xinh đẹp tuổi 22 là cái mừng rơn vì status có tận 1 ngàn like từ bốn phương trời đất. Tôi không chắc mất tiền có buồn được 7 phần không, nhưng nếu bị khóa nốt tài khoản triệu like, chắc nàng buồn ghê lận.

Lâu dần, tính tương tác giữa mọi người không còn xuất phát từ tâm nữa mà còn vào ra từ túi. Nhiều bạn lấy thói quen này để mở ra dịch vụ like dạo, áng chừng cũng kiếm được bộn tiền. Giá cả của mỗi cú click trung bình vào khoảng 100 đến 200 đồng, rẻ như cho nên nhiều bạn tặc lưỡi mua luôn vài triệu đồng dùng dần. Mấy chủ shop bán like chỉ cố thức khuya, tay chân nhanh nhẹn một chút là thành đại gia chứ không giỡn được. Tôi có chị bạn làm nghề này, chừng vài năm là đôi mắt thâm quầng liền vì không chỉ phục vụ cho khách ta, mà còn cả khách tây nữa. Dù hơi cực vì trái múi giờ, nhưng cứ thấy tài khoảng “ting, ting” liên tục nên không tài nào gỡ ra được. Lắm bạn không có thói quen sống ảo này, nhưng vì đang thịnh mốt buôn bán online, thành ra tương tác càng nhiều, người ta càng nhanh biết đến nên nhiều khi, tôi vẫn thấy trang chủ của mình rợp trời các quảng cáo vạn like cho hàng ngàn sản phẩm. Nghĩ cũng đặng, bởi giờ người ta sống trong một thế giới khác, nên mình muốn kinh doanh, cũng phải đổi mới từng ngày.

Tôi cũng còn trẻ, nên sẽ thật ích kỷ khi chỉ mãi hoài chê bai bạn mình và nhiều người ngoài kia, mà quên rằng trong vài khắc cũng để bản thân trôi theo các cuộc chuyện trò trên mạng xuyên ngày đêm, rồi phớt lờ lời rầy la của ba mẹ. Chỉ đến lúc thấy cả một khoảng trời im lìm, cúi mặt, chằm hăm vào điện thoại thì mới thấy mình nên giãn dần ra. Bởi có cố gắng đến đâu thì Mark Zuckerberg cũng chẳng biết tôi là ai, đang ở đâu để cảm ơn vì chuyển khoản thường xuyên cho anh ta được. Vả lại, mấy cái like cũng không làm mình vui lâu được, nhưng bạn bè, người thân thì có thể. Đúng không?!

Bài, ảnh: HANI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chia sẻ với bệnh nhân nghèo

Những bữa cơm, áo quần, thuốc men, thẻ bảo hiểm… miễn phí là hoạt động xã hội được triển khai ở nhiều trung tâm y tế. Sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần giúp bệnh nhân nghèo vơi bớt nỗi lo, yên tâm điều trị.

Chia sẻ với bệnh nhân nghèo
Return to top