ClockThứ Tư, 04/05/2016 14:37
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ NƯỚC SẠCH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG (29/4-6/5)

Sử dụng và bảo vệ nguồn nước hiệu quả

TTH - Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến vấn đề cấp nước cũng như chất lượng nước sạch. Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là yếu tố sống còn đối với ngành nước.

Chất lượng nguồn nước suy giảm

Theo bà Trần Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO), ở những khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, mực nước tại các ao hồ, sông xuống thấp và nồng độ các chất dinh dưỡng, cặn lơ lửng và các loại muối rất cao, dẫn đến sự thay đổi mùi, vị của nước.

Lắp đặt tuyến ống D800-1200 tại đường Điện Biên Phủ

Trong khi đó, các hình thức cấp nước nhỏ lẻ của hộ gia đình không còn phù hợp do hiện tượng Elnino. Ví như, bể chứa nước mưa, chỉ dùng nước trong mùa mưa, do nắng hạn kéo dài, bể không có nước. Các giếng khoan và giếng đào tầng nông thường bị ô nhiễm bởi nguồn nước mặt và bị khô hạn về mùa khô. Chất lượng nước thường bị nhiễm chua phèn mà tại hộ gia đình khó lòng để xử lý.

Ông Nguyễn Tài Lâm, Phó Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn, Chi cục Thủy lợi cho hay: Hiện, một số công trình cấp nước sinh hoạt với hình thức tự chảy quy mô nhỏ (cấp nước cho thôn bản) do mùa khô hạn kéo dài và dòng chảy cơ bản của các khe suối suy giảm đã làm giảm khả năng cấp nước. Điển hình như hệ thống nước tự chảy thôn Phú Thạch (xã Lộc Điền, Phú Lộc), hệ thống nước tự chảy xã Thượng Lộ (Nam Đông) phải đầu tư làm lại chuyển đổi đập dâng và hố thu. Hệ thống nước tự chảy xã Phong Sơn và xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) trữ lượng nước đầu nguồn giảm, không có khả năng cấp nước vào mùa khô. Các công trình tự chảy thuộc 5 xã vùng cao của huyện Nam Đông hoạt động cầm chừng do lượng nước đầu nguồn giảm đáng kể vào mùa nắng hạn.

Nâng cao chất lượng nước

HueWACO giải quyết khá hiệu quả chất lượng nước nhờ việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước toàn tỉnh đến 2020 tầm nhìn 2030 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, độ dài tuyến ống giai đoạn 1 tăng từ 480 km lên 700 km, cấp nước sạch cho 6 xã mới và 31 phường, xã mở rộng, nâng tỷ lệ người dùng nước lên trên 91%. Vị trí nhà máy nước Quảng Tế 3 cũng được điều chỉnh lên Vạn Niên, tiết kiệm chi phí 100 tỷ đồng; đồng thời xây dựng các bể chứa, trạm trung chuyển điều áp nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nước.

 Người dân xã Hồng Tiến (Hương Trà) sử dụng nước từ công trình thủy lợi cho sinh hoạt

Theo lý giải của bà Trần Thị Minh Tâm, hiện nay, chất lượng nước tại vùng hạ lưu sông Hương đang có xu hướng suy giảm do nước thải đô thị và công nghiệp. Vì thế, công ty đã điều chỉnh vị trí quy hoạch nhà máy nước Hương Vân, Lộc Bổn lên thượng lưu, chuyển 7 nhà máy cũ là Dã Viên, Tứ Hạ, Điền Môn, Phú Bài, Quảng An, Hương Phong, Hòa Bình Chương thành các trạm trung chuyển điều áp. Đây là giải pháp tối ưu đảm bảo cấp nước an toàn và ngon.

Công ty còn tập trung cải tạo các nhà máy cũ, đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy mới, từng bước đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ khí hoá, tự động hoá và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý nước. Cụ thể, tiến hành cải tạo nhà máy nước Quảng Tế 1 và Dã Viên, xây dựng nhà máy Vạn Niên 2, Quảng Tế 2, Bạch Mã, Tứ Hạ, Hoà Bình Chương với công nghệ tiên tiến và hiện đại. Từng bước ứng dụng khử khuẩn bằng tia cực tím, lọc than hoạt tính tại một số nhà máy như Bạch Mã, Dã Viên, Tứ Hạ và Hoà Bình Chương. Nghiên cứu sử dụng hoá chất PAC keo tụ xử lý nước thay thế phèn nhôm và vôi... 

Công ty cũng tăng cường nhân lực, trang bị máy móc thiết bị và hiện đại hoá Phòng Quản lý chất lượng nước. Đồng thời, xây dựng quy trình và giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất và cung cấp nước từ nguồn qua các công đoạn xử lý và trên mạng cấp theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Việc sử dụng các loại ống chất lượng cao trong thi công lắp đặt mới, như ống gang dẻo của Pháp, Nhật, ống nhựa HDPE chất lượng cao và không sử dụng ống thép tráng kẽm, các loại ống không có lớp bảo vệ bên trong... được xem là một cuộc cách mạng về đường ống. Công ty chú trọng công tác vệ sinh, súc xả ống cũ, các tuyến ống trước khi đưa vào vận hành, nhất là sử dụng mút đặc chủng để súc rửa bên trong các tuyến ống.

Theo ông Nguyễn Tài Lâm, song song với các hoạt động nâng cao chất lượng nước của HueWACO, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Mở rộng, nâng cấp quy mô của các công trình cấp nước tập trung, khai thác nguồn nước sẵn từ các hồ chứa thủy lợi đã được đầu tư để đáp ứng ngày càng tăng nhu cầu sử dụng của Nhân dân. Bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tự chảy tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

TIN MỚI

Return to top