ClockThứ Ba, 22/05/2018 10:00

Sứ mệnh nối cầu cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều của Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có chuyến thăm Mỹ chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên dọa sẽ xem xét lại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6 tới.

Lãnh đạo Mỹ-Hàn tiếp tục nỗ lực vì thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều TiênThượng đỉnh Mỹ-Triều: Thời khắc đặc biệt của thế giớiThượng đỉnh Mỹ - Triều tốn nhiều sức như thế nào?Địa điểm, thời gian họp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp được công bố

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng biên giới Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 27/4 và trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên được lên kế hoạch vào ngày 12/6 tới.

Ông Moon Jae-in được coi là “thuyết khách” hàng đầu khi ông đưa được Triều Tiên vào bàn đối thoại và bắc cầu cho cuộc gặp Thượng đỉnh Kim-Trump. Ảnh: Korea Times
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đặt hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu quan trọng nhất và đã không ngừng nỗ lực để đạt được điều đó. Những nỗ lực của ông đã bắt đầu mang lại kết quả từ đầu năm nay, khi Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang; hai miền Triều Tiên khôi phục đối thoại và tổ chức được cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3; Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tìm cách phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và sẽ chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Một kết quả quan trọng nữa là Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Moon Jae-in đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo, khi ông có lời cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa, được nhắc đến trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm và Mỹ-Triều ấn định thời gian, địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh.

Nhiệm vụ của nhà lãnh đạo Hàn Quốc bây giờ sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước thềm cuộc gặp Mỹ-Triều về chi tiết tiến trình phi hạt nhân hóa, khung thời gian cho tiến trình này và sự nhượng bộ của các bên để đổi lấy phi hạt nhân hóa.

Vai trò của ông Moon Jae-in lại càng quan trọng hơn sau khi Triều Tiên tuần trước dọa hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu Washington kiên quyết buộc Bình Nhưỡng phải đơn phương từ bỏ kho hạt nhân.

“Thuyết khách” Moon Jae-in

Ông Moon đang được coi là “thuyết khách” hàng đầu khi ông đưa được Triều Tiên vào bàn đối thoại, tổ chức Thượng đỉnh liên Triều, và bắc cầu cho cuộc gặp Thượng đỉnh Kim-Trump.

Chuyên gia cấp cao Frank Aum tại viện Hòa bình của Mỹ cho rằng, ông Moon Jae-in đã làm rất tốt vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên. Bản thân Thượng đỉnh liên Triều đã là một thành công lớn và nó còn có thể dẫn tới Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Theo ông Aum, ở thời điểm này, mọi chuyện phụ thuộc vào Mỹ và Triều Tiên sẽ làm gì tiếp theo.

Giáo sư Lee Geun tại Đại học quốc gia Seoul cũng đánh giá cao vai trò của ông Moon khi làm cầu nối cho cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, và ông đã hoàn thành vai trò của mình một cách hoàn hảo.

Mặc dù ông Moon Jae-in từng nhấn mạnh Hàn Quốc có thể “ngồi ghế lái” trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, thì giáo sư Lee Geun lại cho rằng: “Ông Moon không ngồi ghế lái, mà ông chuẩn bị chiếc xe để Triều Tiên và Mỹ có thể lái nó”.

Liên quan đến lời đe dọa của Triều Tiên sẽ xem xét lại thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu Washington buộc Bình Nhưỡng đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân, ông Cho Syng-ryul, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện chiến lược an ninh quốc gia nói rằng: “Tuyên bố của Triều Tiên là đang nhằm vào Mỹ, nhưng cũng là một yêu cầu đối với ông Moon Jae-in rằng ông hãy đóng vai trò (thuyết khách) của mình với phía Mỹ”.

Hàn Quốc sẽ thuyết phục Mỹ những gì?

Nội dung cuộc gặp giữa thượng đỉnh Mỹ-Hàn ngày 22/5 theo giờ địa phương chắc chắn sẽ xoay quanh các vấn đề như tiến trình phi hạt nhân hóa nên diễn ra trong bao lâu, làm thế nào để xác minh và những nhượng bộ nào mà đồng minh có thể đưa ra để đối lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân.

“Tôi tin ông Moon và ông Trump đã có sự thống nhất với nhau về mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách vĩnh viễn, có thể xác minh và không thể đảo ngược. Hai bên cũng cần đi đến một thỏa thuận về những bước đi bổ sung mà Triều Tiên cần thực hiện; những nhượng bộ nào Mỹ và Hàn Quốc có thể đưa ra, thời gian biểu cho toàn bộ những bước đi đó; một lộ trình cho các cuộc gặp bổ sung cùng với các đối tác khác, ví dụ như cuộc gặp 3 bên hay 4 bên với Trung Quốc”, Chuyên gia cấp cao Frank Aum tại viện Hòa bình của Mỹ cho biết.

Dù bày tỏ kỳ vọng Thượng đỉnh Kim-Trump sẽ thành công, nhưng ông Aum cũng cho rằng “Mỹ và Hàn Quốc sẽ cần phải chuẩn bị các giải pháp nếu cuộc gặp thượng đỉnh này thất bại”.

Ông Ken E. Gause, Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế tại Tổ chức phân tích CAN cho rằng điều quan trọng là phải cho Triều Tiên thấy sớm nhất có thể những “khích lệ” mà họ có thể nhận được từ việc phi hạt nhân hóa.

“Đã có một số tuyên bố rằng sẽ không có sự thay đổi chế độ ở Triều Tiên hay sự đảm bảo “mập mờ” về viện trợ kinh tế. Nhưng đối với Triều Tiên, mọi sự đảm bảo cần phải rõ ràng. Như vậy, ông Moon và ông Trump cần phải có chung tiếng nói không chỉ về viện trợ kinh tế mà còn cả về vấn đề an ninh đối với Triều Tiên để quá trình phi hạt nhân hóa được thực thi”, ông Gause nói.

Liên quan tới vấn đề quân sự, giới phân tích cho rằng, khả năng rút hay giảm số binh sỹ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc sẽ khá thấp. Chuyên gia cấp cao Frank Aum tại Viện Hòa bình của Mỹ nói rằng, vấn đề này có thể sẽ không được đưa lên bàn đàm phán ở thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên khả năng các bên sẽ dàn xếp để giảm bớt quy mô lực lượng và các khí tài quân sự mà Mỹ triển khai tới bán đảo Triều Tiên trong các cuộc tập trận chung là khá cao. Đây là sự nhượng bộ mà Mỹ có thể thực hiện ngay lập tức và Hàn Quốc cũng xác nhận Triều Tiên đã đề nghị điều này./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Festival Huế - sứ mệnh & tầm nhìn

“Festival” đã trở thành một từ quá quen thuộc trong tâm thức người dân, bởi rất nhiều festival đủ thể loại đã xuất hiện ở Việt Nam (hoa, biển, pháo hoa, lúa gạo, trà, võ cổ truyền, tơ lụa - thổ cẩm, dừa, cà phê…). Festival nhiều nơi làm, cũng không ít festival xuất hiện một lần rồi biến mất. Do vậy có lẽ đã đến lúc nhìn lại và suy ngẫm.

Festival Huế - sứ mệnh  tầm nhìn
Return to top