ClockThứ Năm, 07/06/2018 19:35

Sửa luật để xây dựng Công an Nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

TTH.VN - Phát biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Công an Nhân dân sửa đổi chiều 7/6, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế- thiếu tương Bùi Đức Hạnh, Phó Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng và Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Công an Nhân dân là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, cần phải làm rõ một số vấn đề để luật khả thi hơn khi vận dụng vào thực tế.

Đề xuất thành lập Trung tâm Điều hành an ninh hàng khôngCó cảnh sát, trật tự được vãn hồiTăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Đại biểu Bùi Đức Hạnh tham gia thảo luận tổ.  Ảnh: Hoàng Linh

Đưa công an chính quy về xã là chủ trương đúng

Theo đại biểu Bùi Đức Hạnh, Bộ Công an là bộ tiên phong tổ chức sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bỏ các đơn vị trung gian như tổng cục, cục và sắp xếp lại từ 120 đầu mối trực thuộc bộ còn 58 đầu mối, tăng cường lực lượng công an chính quy xuống cơ sở cho tỉnh, cho huyện. Đây là một chủ trương đúng rất đáng hoan nghênh. Đại biểu xin đóng góp một số nội dung cho dự luật.

Tại điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của công an Nhân dân, khoản 5 quy định phối hợp giữa lực lượng công an với quân đội Nhân dân và các ngành hữu quan, chính quyền địa phương trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, bảo vệ ANTT khu vực biên giới, theo đại biểu Bùi Đức Hạnh, cần bổ sung thêm một nhiệm vụ, đó là sự phối hợp trong kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Vì hiện nay, việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, người nước ngoài quá cảnh do hai Bộ quản lý. Bộ Công an quản lý 11 cửa khẩu đường hàng không với 11 sân bay quốc tế và 3 cảng trong nội địa; Bộ Quốc phòng quản lý 120 cửa khẩu đường bộ, đường sắt và 34 cảng biển quốc tế. Hiện tại giữa hai Bộ đang phối hợp rất chặt chẽ trong quản lý xuất nhập cảnh. Nên cần đưa vào thêm một nội dung này để phù hợp với luật hiện hành.

Tại điều 18 về hệ thống tổ chức của lực lượng công an Nhân dân đề cập đến lực lượng công an xã, đại biểu cho rằng, việc chính quy lực lượng công an đến cấp xã là rất cần thiết, do tình hình an ninh nông thôn hiện nay khá phức tạp nên vai trò của lực lượng công an xã rất quan trọng. “Các vụ việc xảy ra từ cơ sở mà lên, nếu ta giải quyết tốt từ cơ sở sẽ không bị đẩy lên cấp trên. Sự yên bình của thôn xóm có đóng góp rất lớn từ lực lượng công an xã chính quy”- Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nói.

Tuy nhiên, theo thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, toàn quốc có gần 9.000 xã, chỉ cần mỗi xã có 5 công an chính quy sẽ lên đến con số 45.000 người trong cả nước, vậy có ảnh hưởng đến đề án tinh giản biên chế của Bộ Công an hay không. Hay là giảm ở trên, tăng ở dưới. Quỹ lương cho đội ngũ công an xã này cũng cần làm rõ. Rồi trụ sở của công an xã có là gánh nặng cho ngân sách hay không, đại biểu băn khoăn.

Theo đại biểu Bùi Đức Hạnh, cần có lộ trình thực hiện, và tính toán rõ. Đó là chưa kể 9.000 đồng chí trưởng công an xã lâu nay phải sắp xếp vào vị trí nào. Mối quan hệ giữa trưởng công an xã với Chỉ huy trưởng quân sự xã ra sao khi hai người này đều là Thường vụ Đảng ủy xã, đều là thành viên ủy ban nhưng một người là trung tá, một người là công chức xã. Mối quan hệ trong thực thi nhiệm vụ cần được làm rõ. “Quan điểm của tôi công an xã phải là chính quy, nhưng phải tính đến sự tác động của nó như thế nào”- Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh nói.

Về việc phong quân hàm thiếu tướng cho một số giám đốc tỉnh tại và thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh loại 1 đại biểu Bùi Đức Hạnh hoàn toàn ủng hộ. Nhưng việc xác định tỉnh loại 1 về hành chính không trùng với tỉnh phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh loại 1 chưa hẳn nhiều tội phạm, nhiều án như tỉnh loại 2…

Bộ Công an tiên phong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đưa lực lượng công an chính quy về công tác tại xã   Ảnh: TH

Trước đó, báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao việc Bộ Công an đi đầu và nghiêm túc trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đó, việc sửa đổi Luật Công an nhân dân trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân và Công an xã hiện nay.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Luật quy định khác với Luật Công an Nhân dân năm 2014 như: không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm Trung tướng; bổ sung quy định cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là chưa phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về chủ trương phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng.

Do đó, với tinh thần nhất quán trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các nội dung này cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật khi được ban hành.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật để tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời rà soát kỹ thuật lập pháp, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Báo cáo thẩm tra đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung cho ý kiến vào một số nội dung về: Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức Công an Nhân dân (khoản 2 Điều 18);  quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; quy định cục đặc biệt; quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố (khoản 1 Điều 26); thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong Công an nhân dân (khoản 2 Điều 27); công nghiệp an ninh (Điều 35)…

Thái Bình- Việt Linh (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cho các tổ chức hợp tác xã

Theo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX và thành viên, đồng thời bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các tổ chức kinh tế tập thể này với các loại hình doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác.

Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng cho các tổ chức hợp tác xã

TIN MỚI

Return to top