ClockThứ Sáu, 06/05/2016 05:31

Sụt giảm nước ngầm bất thường ở A Lưới

TTH - Cuộc sống, sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân ở các xã Phú Vinh, Hồng Thượng (huyện A Lưới) rơi vào cảnh khó khăn do giếng nước, hồ cá bị khô cạn, phải bỏ hoang.

Giếng nước của người dân thôn Căn Tôm khô cạn từ khi có kênh dẫn nước vào nhà máy của thủy điện A Lưới

Theo người dân địa phương, hiện tượng này xuất hiện sau khi nhà máy thủy điện A Lưới do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư, bước vào giai đoạn xây dựng kênh dẫn vào hầm nhận nước để phát điện cho đến nay.

Giếng khô, hồ cạn

Mặc dù vùng cao A Lưới chưa bước vào thời điểm khô hạn nhất trong năm, nhưng hiện cuộc sống, sản xuất nông nghiệp của bà con hai thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh) và Căn Tôm (xã Hồng Thượng) đang rất khó khăn do giếng khô, hồ cá cạn nước.

Người dân cho biết, giữa năm 2012, nhà máy thủy điện A Lưới (huyện A Lưới) đi vào hoạt động. Để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư đã cho đào một con kênh lớn, có chiều dài khoảng 2 km từ thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng đến cửa hầm nhận nước ở thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh. Từ khi đào con kênh dẫn nước này, hàng chục giếng nước sinh hoạt, ao cá của nhiều hộ dân bị tụt nước ngầm bất thường, phải bỏ hoang.

Ông Đặng Minh Châu (thôn Phú Xuân) cho biết: “Tui đào giếng từ năm 2008, sâu 11m. Trước những năm 2010-2011, dù trời có hạn đỉnh điểm, giếng nước vẫn còn trên 2m. Tuy nhiên, khi nhà máy thủy điện làm kênh dẫn, khoét hầm nhận nước sâu xuống mấy chục mét thì giếng nước khô cạn dần. Đến nay, giếng toàn phèn, nước còn chừng 0,5m ở đáy, ô nhiễm không dùng được”.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết, vừa qua, đơn vị đã cùng với một số cơ quan chuyên môn của tỉnh tới xã Phú Vinh kiểm tra, ghi nhận tình hình của người dân phản ánh. Việc kiểm tra đã ghi nhận hiện tượng bước đầu nhằm báo cáo với UBND tỉnh, đồng thời để tham vấn các nhà chuyên môn, khoa học tư vấn phương pháp nghiên cứu, đánh giá tìm ra nguyên nhân. “Hiện UBND tỉnh chưa giao trách nhiệm nghiên cứu, kết luận vụ việc này cho cơ quan nào. Người dân nói do kênh dẫn nước của thủy điện nhưng cần phải có kiểm tra, đánh giá bằng khoa học mới kết luận được”, ông Hùng cho biết thêm.

Người dân ở khu vực này cho biết, vị trí con kênh dẫn nước từ lòng hồ vào cửa hầm nhận nước của công trình thủy điện được chủ đầu tư đào sâu. Tại vị trí cửa lấy nước (thuộc thôn Phú Xuân), kênh phải đào sâu hơn 60 m, mực nước trong con kênh này cũng khá sâu. “Mực nước ở dòng kênh thấp hơn đáy giếng vì thế nước bị rút về kênh hết làm cho hồ cá, giếng bị khô cạn”, ông Châu nói.

Không chỉ giếng khô, hàng chục ao cá của các hộ dân- với mô hình nuôi cá nước ngọt cũng bị khô kiệt, sản xuất khó khăn. Ông Phạm Ty (thôn Phú Xuân) bức xúc: “Trước đây khe Ông Mô cấp nước cho 2 hồ cá nước ngọt (khoảng 600m2) của gia đình tui. Mỗi năm, từ hai hồ cá này, gia đình tui thu nhập khoảng vài chục triệu đồng. Từ khi có kênh dẫn nước ở thủy điện, khe Ông Mô cạn dần, không có nước cá chết, gia đình tui bỏ hoang hai hồ từ năm 2010 đến nay”.

Tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm còn diễn ra ở thôn Căn Tôm (xã Phú Vinh). Ông Hồ Văn Liêm, Trưởng thôn Căn Tôm cho biết: “Toàn thôn có 96 hộ, trong đó có 45 hộ có giếng bị cạn kiệt nguồn nước cùng nhiều hồ cá trơ đáy không nuôi trồng được. Trước đây, mỗi hồ cá thu nhập vài chục triệu đồng/vụ nuôi, giờ không nuôi nữa nên cuộc sống bà con khó khăn”.

Kiến nghị tìm nguyên nhân

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: “Khoảng năm 2010, dòng kênh dẫn nước của thủy điện A Lưới được xây dựng. Từ đó đến nay có tình trạng nước ngầm bị sụt giảm gây cạn giếng, khô hồ cá. Theo thống kê, có khoảng 20 hồ cá cùng hàng chục giếng nước trên địa bàn bị ảnh hưởng. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị về vấn đề này rất nhiều, nhưng chưa được giải quyết”.

Theo ông Bê, người dân cũng như chính quyền địa phương rất bức xúc bởi chủ đầu tư thủy điện A Lưới là Công ty CP Thủy điện miền Trung không quan tâm trong việc tìm nguyên nhân hiện tượng sụt giảm mạch nước ngầm. “Năm 2014 và 2015, chúng tôi và lãnh đạo huyện A Lưới mấy lần mời chủ đầu tư làm việc mà họ không tới”, ông Bê khẳng định. Nhiều hộ dân ở Phú Vinh rất bức xúc khi bị chủ đầu tư đào hết đất để làm đường vào khu tái định cư đến nay chẳng được đền bù. Khi làm xong, đơn vị này rời đi luôn.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới xác nhận tình trạng sụt giảm mạch nước ngầm bất thường khiến hồ cá, giếng nước khô cạn ở hai xã Phú Vinh và Hồng Thượng. Ông Ngưm cho hay: “Nguyên nhân hiện tượng trên đến nay vẫn chưa xác định được, vấn đề này cần các cơ quan chuyên môn vào cuộc. Trước phản ánh của người dân, UBND huyện A Lưới đã kiến nghị Sở TN&MT kiểm tra nhằm tìm hiểu nguyên nhân sụt giảm mạch nước ngầm và tìm phương án xử lý”.

NGUYỄN KHÁNH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
Return to top