ClockThứ Bảy, 17/09/2016 14:09

Tác động của thị trường lao động lên giáo dục

TTH - Có vẻ như, những đòi hỏi về thị trường lao động trong thời gian gần đây đã có tác động ngày càng rõ hơn về phân luồng giáo dục. Những số liệu trên bình diện cả nước cũng như ở Thừa Thiên Huế, có hơn 30% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không dự tuyển đại học. Đây là một điều “khá lạ” trong tình hình giáo dục đại học từ trước đến nay.

Niềm vui của sinh viên ngày tốt nghiệp. Ảnh: Võ Nhân

Câu chuyện phân luồng giáo dục không phải đợi đến bây giờ mới đặt ra mà đã được nhiều chuyên gia ở lĩnh vực giáo dục đề cập hàng chục năm trước. Nhưng tự bản thân ngành giáo dục không thể phân luồng được. Nó đã trở thành một ý thức xã hội, cứ tốt nghiệp phổ thông trung học là bằng mọi giá phải thi đại học, bất chấp năng lực của từng học sinh như thế nào. Hỗ trợ cho việc này là các loại hình đạo tạo đại học ra đời: công lập, dân lập, chính quy, tại chức, từ xa.

Người viết bài này thi đại học từ năm 1986. Khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp lúc ấy chỉ có vỏn vẹn 20 người, tập hợp học sinh từ các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, trong đó có nhiều tỉnh chỉ có một sinh viên. Nhưng nhiều năm sau đó lượng sinh viên bùng nổ. Có khi một khóa tuyển sinh đến hàng trăm sinh viên. Sự bùng nổ giáo dục đại học như thế này làm cho các trường trung cấp cao đẳng, các trường dạy nghề khó cạnh tranh được. Thi đại học “cứ lọt sàng là xuống nia”, không đậu nguyện vọng một thì có nguyện vọng hai. Không trường A thì có trường B. Điểm tuyển sinh nhiều trường đại học hạ thấp đến khó ngờ. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã làm cung vượt cầu. Lượng sinh viên ra trường quá đông (ở đây chưa đề cập đến vấn đề chất lượng), thị trường lao động dung nạp không hết. Thế là thất nghiệp. Thất nghiệp không phải là ít mà số lượng lớn.

Niềm vui của sinh viên ngày tốt nghiệp. Ảnh: Võ Nhân

Trong bối cảnh như vậy, thị trường lao động sử dụng các nghề phổ thông có vẻ lên ngôi. Nhiều doanh nghiệp cần người có nghề chứ không cần bằng cấp, thế là nhiều cử nhân vì nhu cầu lao động buộc phải “giấu bằng đại học” để đi xin việc. Rõ ràng, đây là một sự trớ trêu của giáo dục đại học Việt Nam.

Hơn 30% học sinh phổ thông tốt nghiệp không chọn con đường đại học; tình trạng giáo dục thạc sĩ cũng giảm hẳn so với trước… không có nghĩa là xã hội đã không còn trọng bằng cấp. Nhưng rõ ràng nó phản ánh một cách nghĩ khác hơn của ý thức xã hội về giáo dục, rằng vào đời không chỉ có một con đường là đại học.

Ở đây, có mấy sự tác động vào ý thức này.

Các ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ phát triển thị trường lao động được mở rộng. Bên cạnh đó, có nhiều tấm gương không học đại học nhưng vẫn thành công trong công việc. Một người thợ tiện có nghề giỏi nuôi được 5 -7 công nhân và trở thành ông chủ khá giả. Một thanh niên bình thường ở nông thôn từ công việc làm hàng ngày đã mày mò sản xuất thành công máy ấp trứng và bây giờ tạo việc làm cho hàng chục công nhân… Những tấm gương như thế này rất nhiều đã có một tác động không nhỏ vào ý thức của thanh niên trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Sự hội nhập sâu rộng và việc mở rộng thông tin cũng có những tác động ít nhiều vào ý thức chọn nghề nghiệp. Không có bất cứ nền kinh tế phát triển nào chứa đựng nổi tình trạng “thừa thấy thiếu thợ”. Lựa chọn con đường làm “thợ” đôi khi là một sự lựa chọn khôn ngoan, bởi nó rộng đường hơn. Cũng có thể là khu vực nhà nước bây giờ trở nên “chật chỗ” hơn trước. Mà khu vực nhà nước thường là “chuộng bằng cấp” hơn khu vực ngoài nhà nước.

Nhưng có lẽ, như trên đã nói, sự tác động đầu tiên và sâu sắc nhất đó là thị trường lao động. Đã gọi là thị trường thì bao giờ cũng chứa đựng sự khắc nghiệt của cạnh tranh. Điều này đã tác động đến cách nghĩ của nhiều người không phải lấy tấm bằng đại học bằng mọi giá. Nó buộc nhiều người phải nhìn nhận lại năng lực, điều kiện hoàn cảnh của mình cho phù hợp với nhu cầu và thực tế hơn.

NGUYỄN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
1.000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính

“Hiểu biết về tài chính” là cuộc thi được Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức cho học sinh Trường tiểu học Thủy Biều và sinh viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trong ngày 5/4. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia.

1 000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
Return to top