ClockThứ Bảy, 26/10/2019 13:15

Tái cơ cấu ngành công nghiệp: ưu tiên phát triển làng nghề & năng lượng sạch

TTH - Với tổng nhu cầu vốn gần 1.900 tỷ đồng, đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh đến năm 2025” sẽ ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm CNNT có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao động và thân thiện với môi trường...

Sản phẩm làng nghề: Tiêu thụ gắn với phát triển du lịchSản phẩm làng nghề: Cạnh tranh bằng mẫu mã khác biệtLàng nghề cải tiến quy trình sản xuất

Đệm bàng Phò Trạch được hỗ trợ 700 triệu đồng xây dựng khu trưng bày và thao diễn nghề

Tiền tỷ về nông thôn

Trong câu chuyện với chúng tôi, Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La Võ Văn Dinh phấn khởi, chưa bao giờ người dân làng nghề và các nghệ nhân vui mừng như hiện nay, khi 500 mẫu sản phẩm mây tre đan do các nghệ nhân thiết kế và chính bàn tay người dân làng nghề tạo ra được trưng bày ở nhà trưng bày sản phẩm có mức đầu tư trên 7 tỷ đồng. Có nhà trưng bày, sản phẩm làng nghề sẽ đến gần hơn với khách du lịch, đồng nghĩa với việc sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Đình Đức, từ đề án phát triển CNNT của UBND tỉnh, năm 2019 huyện đã tập trung hỗ trợ phát triển nghề truyền thống mây tre đan Bao La, trong đó đầu tư 2,5 tỷ đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh và HTX để xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm mây tre đan cho HTX Mây tre đan Bao La.

Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ các cơ sở trên địa bàn đầu tư vốn trang bị các thiết bị máy móc hiện đại, thiết kế mẫu để đưa cơ giới hóa vào sản xuất sản phẩm làng nghề. Đây là bước đột phá nhằm từng bước đưa nghề truyền thống và các cơ sở CNNT trên địa bàn tiếp cận với công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành CN, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề.

Ông Đức cho biết, năm 2020 huyện sẽ tập trung hỗ trợ để phát triển nghề sản xuất bún, trước mắt sẽ vận động các hộ sản xuất chuyển ra sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp Bắc An Gia để tranh thủ nguồn vốn khuyến công tỉnh trong việc đầu tư máy móc thiết bị, đồng thời giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường để phát triển nghề theo hướng bền vững.

Lộ trình thực hiện đề án phát triển CNNT, năm 2019 huyện Phong Điền đã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các cơ sở CNNT trang bị máy móc thiết bị. Trong đó, đầu tư 700 triệu đồng xây dựng khu trưng bày và thao diễn nghề sản xuất sản phẩm đệm bàng Phò Trạch; hỗ trợ 2 cơ sở 150 triệu đồng đầu tư máy điêu khắc gỗ vi tính và máy sấy nông sản, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT trang bị máy móc, thiết kế mẫu và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, trong chiến lược phát triển ngành nghề truyền thống, việc khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Qua đó, không chỉ giúp cho huyện giải quyết tốt công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo, phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của huyện. Năm 2020, huyện tranh thủ các nguồn vốn tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT, chú trọng các làng nghề có tiềm năng như đệm bàng Phò Trạch, điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích…

Năm 2020, đề án phát triển công nghiệp nông thôn sẽ ưu tiên hỗ trợ các làng nghề truyền thống, trong đó có điêu khắc gỗ

Phát triển năng lượng sạch

Một trong những điểm nhấn để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành CN, đó là tăng cường thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, giảm thiểu biến đổi khí hậu và làm động lực phát triển cho các ngành CN khác.

Theo đó, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các địa điểm dành cho đầu tư phát triển dự án điện mặt trời với diện tích gần 600ha, bao gồm xã Điền Môn, Điền Hương, Phong Chương, Phong Hiền và Phong Hòa (Phong Điền) với tổng diện tích 427 ha; tại huyện Phú Lộc có một điểm ở vị trí Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thuộc hai xã Lộc Thủy và Lộc Tiến với diện tích 170 ha.

Ngoài Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền đã đi vào vận hành cuối năm 2018, do Công ty CP Điện Gia Lai đầu tư, công suất 35 MW, hiện Công ty CP Xây dựng và Thiết bị Thái Đạt, liên doanh nhà đầu tư Công ty Europe Clean Energies Japan K.K và Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đang nghiên cứu, xin phép Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch để xây dựng nhà máy điện mặt trời tại xã Phong Hòa và xã Điền Môn với diện tích gần 150ha.

Cùng với việc thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án điện mặt trời, thời gian qua UBND tỉnh đã kiểm soát nghiêm ngặt các quy trình xử lý nguồn thải, công nghệ sản xuất đối với các dự án sản xuất kinh doanh tại các khu kinh tế, CN trước khi cấp phép đầu tư. Đây chính là tiền đề và khâu quan trọng trong việc giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, hạn chế các tác động đến môi trường trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Dễ làm trước, khó làm sau

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành CN, ngành công thương đang đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm CN, trong đó ưu tiên hỗ trợ máy móc và xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm CNNT đã đạt giải cao tại các hội thi, bình chọn cấp tỉnh, cấp quốc gia và các thương hiệu uy tín. Ngoài ra, sẽ tập trung nguồn lực triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hằng năm vào các ngành CN có thế mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày…

Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh nhận định, so với mấy năm trước, hiện trên địa bàn có khá nhiều sản phẩm CNNT và đặc sản có chỗ đứng thị trường. Đây là kết quả của các hoạt động kết nối thị trường, hỗ trợ trang thiết bị máy móc cho các cơ sở CNNT trong thời gian qua. Năm 2019, nguồn vốn khuyến công tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng cho các cơ sở CNNT. Trong đó, tập trung hỗ trợ 3 làng nghề, đó là mây tre đan, đệm bàng và bún tươi; năm 2020 trên cơ sở các ngành nghề còn lại, sẽ lựa chọn các ngành nghề có thương hiệu và dễ làm. Quan điểm của ngành công thương là dễ làm trước khó làm sau, ngành nghề nào đầu tư ít thì làm trước, cần nguồn vốn lớn sẽ làm sau trên cơ sở tham khảo ý kiến của các địa phương, các cơ sở sản xuất.

Ông Thanh cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện đề án phát triển CNNT đó là đa số các cơ sở sản xuất đều có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún và một số cơ sở không có vốn đối ứng nên không thể thụ hướng vốn khuyến công. Mặt khác, đa số các cơ sở đều sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên thiếu tính liên kết, khó đầu tư trang thiết bị như xử lý nước thải, hạ tầng giao thông…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển CNNT đến năm 2025 là 1.897 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là 289 tỷ đồng (15%), vốn xã hội hóa là 1.608 tỷ đồng (85%). Đến năm 2025, tỉnh ưu tiên thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng các cụm CN, làng nghề; phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cơ sở CNNT, phát triển thị trường và vùng nguyên liệu phục vụ phát triển CNNT.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Động lực phát triển từ các “đại dự án”

Năm 2024, nhiều dự án (DA) trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho tỉnh. Các DA này không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Động lực phát triển từ các “đại dự án”

TIN MỚI

Return to top