ClockThứ Sáu, 14/06/2019 15:04

Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quảng Điền: Gắn với sản phẩm chủ lực

TTH - Đó là lộ trình mà huyện Quảng Điền hướng tới nhằm tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Quảng Công tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trồng cỏ nuôi bò, cá trên diện tích lúa năng suất thấp ở Quảng Thọ

Nâng thu nhập

Từ một vùng kinh tế nông nghiệp gặp khó khăn, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa, xã Quảng Thọ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh. Một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được nhân rộng như: rau má 51,5ha, (40ha VietGAP) với giá trị đạt từ 200-250 triệu đồng/ha; hoa cúc 11ha, giá trị bình quân đạt trên 300 triệu đồng/ha; đậu bắp 9,3ha, giá trị đạt trên 300 triệu đồng/ha…

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Quảng Thọ 2 cho biết, không chỉ phát triển hơn 40ha rau má VietGAP, HTX đầu tư xây dựng hệ thống máy móc thiết bị sản xuất trà rau má sấy khô, trà rau má túi lọc, vừa tạo đầu ra cho sản phẩm vừa đa dạng sản phẩm sản xuất từ rau má. Sắp tới, HTX Quảng Thọ 2 đầu tư thêm dây chuyền, công nghệ chế biến, đa dạng sản phẩm như: nước rau má đóng chai, trà rau má hòa tan, cao rau má, thực phẩm chức năng từ rau má... hướng đến mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm sang các nước thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn.

Việc đưa những cây trồng có giá trị cao thay thế cho cây lúa ở những diện tích thường xuyên khô hạn, ngập úng góp phần tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tăng 2,53 lần so với năm 2011 (năm 2011 thu nhập 14,5 triệu đồng/người/năm; năm 2018 thu nhập 31,5 triệu đồng/người/năm). Liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao BT7 20ha, NA6 12,5ha, mở ra hướng đi mới, sản lượng quy đổi bình quân đạt trên 75-80 tạ/ha. Người dân mạnh dạn chuyển đổi 16ha đất trồng lúa và trồng màu kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò và nuôi cá.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thọ Trần Văn Nhuận thông tin, công tác tuyên truyền nêu gương có ý nghĩa quan trọng. Lãnh đạo xã sau khi học tập kinh nghiệm sẽ chuyển giao cho các đảng viên đi đầu thực hiện mô hình rồi nhân rộng ra toàn xã. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh kêu gọi người dân, HTX… đầu tư KHCN vào sản xuất, tăng giá trị các mặt hàng nông sản. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 6,2% năm 2017 xuống còn 5% năm cuối năm 2018, đưa xã Quảng Thọ hoàn thành nông thôn mới năm 2018.

Đầu tư sản phẩm chủ lực

Ngoài Quảng Thọ, các địa phương khác cũng đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ, chất lượng với hơn 1.200ha lúa giống chất lượng; 615 ha cánh đồng mẫu hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các DN…

Từ nguồn vốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đầu tư hạ tầng chuyển đổi các vùng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản ở Quảng Công, Quảng Phước. Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, hệ thống tưới phun, nhà lưới ở vùng rau Quảng Thành, Quảng Thọ, thị trấn Sịa; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nghệ ở Quảng Thái, Quảng Phú; tiêu thụ tinh dầu lạc ở HTX Phú Hòa, HTX Quảng Thọ 1.

Theo ông Phan Cảnh Dư, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quảng Điền, trọng tâm của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện là đầu tư cho các sản phẩm chủ lực gắn với chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Theo đó, huyện ủy chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch chi tiết vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế phát triển gắn với quy hoạch xây dựng vùng huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất, tạo điều kiện nâng cao mức độ thâm canh, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích.

Trước mắt, các địa phương phát triển các sản phẩm hiện có như trà rau má, rau an toàn các loại, khoai lang tím, lúa chất lượng, nuôi lợn gà quy mô trang trại… gắn thực hiện tốt các dự án liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ. Huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh đảm bảo theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Huyện khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX, DN… đầu tư các dây chuyền ứng dụng kỹ thuật sơ chế, bảo quản, kiểm soát thực phẩm vào sản xuất để khẳng định chất lượng sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực. Từ đó sẽ hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm chủ lực địa phương vươn xa.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Quảng Điền: 85,4% trường đạt chuẩn quốc gia

Ngày 11/4, Trường THCS Nguyễn Hữu Dật (huyện Quảng Điền) tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Quảng Điền 
85,4 trường đạt chuẩn quốc gia
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận
Return to top