ClockThứ Năm, 09/05/2013 12:53

Tái quy hoạch cây xanh theo định hướng bảo tồn bản sắc văn hóa Huế

TTH - Nhìn từ góc độ hành chính, kinh tế và văn hóa, Huế được phân thành hai khu đô thị rõ nét: khu đô thị bờ Bắc sông Hương hội tụ chủ yếu những tiểu khu thương mại, tiểu khu di tích và các tiểu khu đô thị cổ; khu đô thị bờ Nam sông Hương hội tụ các tiểu khu hành chính, tiểu khu dịch vụ du lịch, các cụm trường học lớn, và các tiểu khu đô thị mới. Sự phân khu đó dần dần phơi bày sự dị biệt về quy mô diện tích và kết cấu xây dựng, quy mô về mặt bằng giao thông, về công trình dân dụng... Từ đó đòi hỏi phải có những chủ trương và hoạt động tôn tạo cảnh quan thích hợp.

Cây xanh xưa nay vẫn được xem là vật liệu tôn tạo cảnh quan. Thành phố Huế là một đô thị đặc trưng do có kiểu kiến trúc đa dạng, lại mang trong lòng một quần thể di sản và nhiều tiểu khu kiến trúc cổ bên cạnh nhiều khu kiến trúc hiện đại, nên nó đòi hỏi phải có giải pháp tôn tạo cảnh quan thích hợp.

Cảnh quan đô thị Huế mềm mại nhờ cây xanh

Xét ở góc độ sinh thái nhân văn, Huế là mảnh đất có truyền thống văn hóa đặc thù, chịu ảnh hưởng phong kiến của triều Nguyễn, việc chọn lựa chủng loại cây xanh để trồng tôn tạo cảnh quan cũng cần có những xem xét để tạo nên nét riêng cho nó. Nếu làm tốt công tác quy hoạch có chọn lọc, luôn lấy bảo tồn bản sắc văn hóa Huế làm yếu tố chủ đạo thì dần dần chúng ta sẽ biến hệ thống cây xanh thành một di sản, và nếu đi đúng hướng, thể hiện được tính cách và bản sắc văn hóa Huế thì nó sẽ không dừng lại như một quần thể di sản vật thể mà còn vươn tới đỉnh cao là di sản phi vật thể. Làm được như thế, Huế sẽ trở thành điểm du lịch độc đáo đúng nghĩa “du lịch sinh thái”, không chỉ là sinh thái môi trường mà còn là sinh thái nhân văn.

Cây xanh tạo dáng cho cảnh quan đô thị

Từ lâu, Huế đã nổi tiếng là “Huế xanh”. Mấy ai đến Huế mà không ngưỡng mộ màu xanh bạt ngàn của mảnh đất Cố đô. Đường phố, công viên, nhà hàng, khách sạn nào cũng có cây xanh tỏa bóng. Xanh lắm rồi nhưng đã sạch và đẹp chưa? Nếu đối mặt với thực tại một cách khách quan để nhìn nhận theo phương châm “Xanh – Sạch – Đẹp” sẽ thấy, nhiều cây xanh vỉa hè đường phố ở Huế đang chịu cảnh “một cổ nhiều tròng”, đây đó vẫn có hiện tượng cây ký sinh xâm hại đeo bám đầy cành cây xanh (các loài dương xỉ, tầm gửi) hay phủ trùm cả tán lá (tơ hồng); những cành quả khô xơ xác treo lủng lẳng phản cảm (sầu đông, hoa sữa, bằng lăng), bảng hiệu, am thờ, vật liệu làm dịch vụ sửa xe, mua bán... treo tùy tiện lên thân cây... thì làm sao gọi là sạch được. Và như thế, không chỉ hệ thống cây xanh mất vẻ mỹ thuật mà cảnh quan Huế khó lòng đẹp được. Đó là chưa kể đến hiện trạng chưa đẹp khi nhiều hàng cây xanh vỉa hè “sún” lỗ chỗ, lắm đoạn đường nhiều cá thể cây xanh bị bức tử cho các doanh nghiệp phô trương cửa hàng cửa hiệu (ví dụ đường Bến Nghé), cũng lắm đoạn đường nhiều chủng loại cây xanh đan xen một cách xô bồ, kích cỡ, tuổi tác cây xanh không tương đồng… khiến cho cảnh quan suy giảm giá trị một cách đáng tiếc (ví dụ như đường Lê Lợi).

Như vậy, nếu muốn hệ thống cây xanh phát huy được vai trò tôn tạo cảnh quan cho thành phố Huế vốn nổi tiếng thơ mộng thì không còn cách nào hơn là phải tái quy hoạch để trong một thời gian nhất định, hệ thống cây xanh Huế được định hình theo định hướng bảo tồn bản sắc văn hóa Huế, để góp phần cho Huế xứng tầm một thành phố Festival, một thành phố trực thuộc trung ương nhưng có nét rất riêng cho mọi người gần xa ngưỡng mộ.

NGƯT Đỗ Xuân Cẩm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top