ClockChủ Nhật, 29/09/2019 06:43

Tâm huyết qua từng nét cọ

TTH - Bây giờ ông vẫn vẽ, đặt cả đam mê vào từng nét cọ, dẫu tay đã run và mắt bớt tinh anh.

Khai hội tôn vinh tinh hoa nghề ViệtTinh hoa nghề Việt tụ hội về Huế

Ông Nguyễn Phước Diễn luôn tạo ra những sản phẩm mới

Theo pháp lam, bỏ nghề bác sĩ

“Tôi chuyển nhà rồi, về tận Thủy Phương (TX. Hương Thủy) chứ không còn ở Huế” – cái gợi ý hẹn hò trong điện thoại của ông khiến tôi nhớ đến căn nhà nhỏ có diện tích chừng 60m2 nằm trong con hẻm đường Nguyễn Khuyến (TP. Huế). Phía đầu hẻm là một tấm bảng hình chữ nhật “Vẽ tranh pháp lam”. Đó là nơi sinh sống và khởi nguồn cho niềm đam mê tranh pháp lam của ông Nguyễn Phước Diễn (65 tuổi, tổ dân phố 1, phường Thủy Phương) khoảng chục năm trước. Thời điểm ấy, du khách, người dân dường như mù mờ về nghệ thuật pháp lam và ông Diễn cũng hành nghề bác sĩ để mưu sinh. Trời xui đất khiến thế nào ông quyết định đứt đoạn nghề y đến với nghề cầm cọ.

“Nhiều lần lân la ở bảo tàng dòng tranh pháp lam cứ cuốn hút tôi và buộc tôi phải lựa chọn theo trái tim”, xuất phát điểm của ông đến với nghề chỉ có thế. Ông đi khắp nơi học hỏi, tự mày mò tài liệu để cóp nhặt kiến thức lẫn định hình phong cách. Những nét cọ đầu tiên không thành công, ông vứt bỏ hàng trăm bức tranh lỗi. Nhiều người bảo ông điên, đi làm cái việc nhẽ ra không thuộc về mình. “Tôi nhiều đêm mất ngủ chỉ để lý giải một chi tiết bị lỗi”, ông Diễn bày tỏ.

Khoảng một năm sau thời điểm những nét cọ đầu tiên trên mảnh đồng, ông Diễn cũng thành công với dòng tranh khó tính này. “Muốn vẽ tranh, ngoài tư duy mỹ thuật cần kết hợp những yếu tố về khoa học tự nhiên, như toán, lý, hóa lẫn tư duy logic. Trước đây, do sự kết hợp ấy chưa chuẩn xác nên tôi đã không thành công”, ông Diễn lý giải.

Vẽ tranh pháp lam cần sự tỉ mỉ, cẩn thận

Vẽ được tranh, ông liền mang đi trưng bày tại các kỳ festival Huế. Trong mắt ông Diễn, công sức, tâm huyết ấy không có gì đong đếm được. Ấy thế mà, du khách ngoảnh mặt với bức vẽ của dòng tranh gánh trên vai cả một giai đoạn lịch sử, văn hóa. Sự thờ ơ của khách hàng khiến hàng trăm bức tranh pháp lam được ông cho là tinh tế phủ bụi trong hộp đựng các tông. Tâm huyết cứu lấy một dòng tranh của ông không được thị trường đón nhận. Đó lại là một thất bại!

“Trong muôn vàn các sản phẩm mỹ thuật trưng bày ở thời điểm đó, tranh của tôi chẳng ai ngó ngàng. Không chỉ tôi mà vợ cũng cảm thấy buồn, nỗi buồn không chỉ nằm ở vấn đề tiền bạc…”, ông Diễn chia sẻ.

Giá trị không chỉ ở vật chất

Tranh kén khách hàng ngay lần đầu ra mắt, thế nhưng để không uổng phí sự đầu tư về nghệ thuật của mình, ông quyết định “tung đòn then chốt”, đó làm đầu tư ở khâu quảng bá. Ngoài trưng bày, ông còn tận tâm giới thiệu đến khách hàng về lịch sử, ý nghĩa và cả những công đoạn tạo nên hình hài tranh pháp lam. Nghe ông Diễn kể từng công đoạn tạo nên mỗi bức vẽ, có lẽ những họa sĩ cừ khôi chưa chắc học lỏm được.

Tranh của ông là kỹ nghệ tích hợp nhiều ngành nghề thủ công như, kim hoàn, nghề chạm kim loại, nghề gốm sứ, nghề đúc đồng…Vì thế, đã làm cho các sản phẩm pháp lam trở nên độc đáo, mỗi sản phẩm mang những giá trị rất đặc biệt.

Tranh pháp lam bắt đầu từ khâu chọn chất liệu, đó phải là đồng đỏ nguyên chất, độ dày 4-5 m, cắt đồng theo kích thước của bức tranh đã định, làm sạch bề mặt tấm đồng. Sau đó tráng một lớp men màu liên kết lên bề mặt tấm đồng, tráng tiếp một lớp men trắng để làm men nền, sấy khô đem nung ở nhiệt độ thích hợp tạo lớp men nền vững chắc. Cuối cùng là vẽ các họa tiết lên men nền, mang nung để hoàn thành sản phẩm.

“Có hai kỹ năng, kỹ xảo trong chế tác các sản phẩm pháp lam là họa pháp lam và pháp lam ô hộc. Họa pháp lam là kỹ thuật dùng men màu và men trắng phủ lên cốt đồng đỏ rồi đem nung ở nhiệt độ cao để tạo men nền, sau đó vẽ các họa tiết lên men nền và tiếp tục nung lại, sản phẩm có thể nung nhiều lần với những lần vẽ khác nhau, hoặc nung một lần. Pháp lam ô hộc là dùng các chỉ đồng muốn trang trí gắn lên nền đồng, sau đó đổ men màu và men trắng vào các ô trang trí, đem nung ở nhiệt độ cao, mài nhẵn chỉ trang trí để hoàn thành sản phẩm pháp lam”, ông Diễn tiết lộ.

Theo ông Diễn, tạo ra tranh pháp lam hoàn toàn bằng thủ công, màu vẽ cũng không được bày bán trên thị trường mà người chế tác cần phải nghiên cứu, pha trộn. “Sau thời gian miệt mài quảng bá, dòng tranh pháp lam của tôi đã đứng được trong lòng du khách. Có nhiều khách du lịch nước ngoài đặt mua số lượng lớn với giá từ 600 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/bức. Tranh pháp lam có tuổi thọ đến hàng trăm năm nên một số du khách có thể biết được tranh của tôi năm nay nhưng có thể 3 năm sau họ mới mua”, ông Diễn nói.

Bây giờ, ông Diễn là một trong ít người hồi sinh dòng tranh pháp lam. Sản phẩm của ông hướng đến chủ đề là những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở Huế. Hơn 10 mẫu mã, tác phẩm của ông được các cơ quan chuyên môn công nhận tiêu biểu và ông cũng sắp cho ra lò  những tác phẩm mới ấn tượng hơn. Qua từng nét vẽ, ông đã làm sống lại một dòng tranh có giá trị của Huế.

Nghệ thuật chế tác pháp lam du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (năm 1827). Pháp lam được sử dụng rất nhiều trong việc trang trí nội ngoại thất các cung điện ở Huế, đó là những tác phẩm mỹ thuật hay các chi tiết trang trí trong kiến trúc Huế. Khởi nguyên từ triều Minh Mạng, phát triển rực rỡ dưới triều Thiệu Trị nhưng đến triều Tự Đức thì pháp lam phôi pha dần rồi mất hẳn.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
Cuối năm “vẽ” bình an

Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán, ngoài đường phố, không khí nhộn nhịp, rộn ràng. Còn ở lớp vẽ nhỏ nép mình trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, các học viên đang chăm chú hết mức có thể. Đặt tâm trí vào từng đường cọ, nét bút, họ đang trang trí cho những quả dừa trong workshop “Vẽ dừa trang trí tết”.

Cuối năm “vẽ” bình an
Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện
Vẽ tranh từ…rêu

Khéo léo kết hợp để tôn lên sắc màu và hình dạng độc đáo của những cụm rêu, Nguyễn Phước Sơn, chàng trai 9X đã tạo nên các bức tranh rêu nghệ thuật hút mắt, ấn tượng.

Vẽ tranh từ…rêu
Return to top