ClockThứ Năm, 20/10/2016 13:56

Tấm lòng bà Huệ “chổi đót”

TTH - Đổ mồ hôi, tâm huyết với cây chổi đót, bà đã cùng chồng xây được nhà tiền tỷ, nuôi các con ăn học đàng hoàng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động là phụ nữ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật. Bà là Nguyễn Thị Huệ, hội viên phụ nữ tổ 8, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

Bà Huệ (bìa phải) hướng dẫn chị em làm chổi đót

Đảm việc nhà, giỏi việc xã hội

Cầm trên tay danh sách 41 đại biểu dự hội nghị biểu dương nữ trí thức và công nhân lao động, tôi thật “ấn tượng” với cái tên Nguyễn Thị Huệ, bởi các thông tin “thường xuyên giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động nữ, trong đó có phụ nữ khuyết tật, với mức lương từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, hỗ trợ hội phụ nữ xã Thủy Thanh mở lớp dạy nghề chổi đót miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tâm thần, tích cực đóng góp ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương...”. tôi tìm đến tổ 8 phường Thủy Phương, hỏi “bà Huệ chổi đót”ai cũng nhiệt tâm hướng dẫn. Trong ngôi nhà “hoành tráng” khá rộng có hai kho xưởng, nữ chủ nhân đang ngồi cạnh một chị, trao đổi về khâu kỹ thuật. Nụ cười mộc mạc khiến gương mặt bà toát lên vẻ đôn hậu.

“Ngày xưa lúc mới lập gia đình, vợ chồng tôi rất khó khăn, trong tay chẳng có gì. “Lăn” vào nuôi heo nái, nấu rượu cũng trang trải được cho cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ, không thể cứ “quanh quẩn” đủ ăn đủ mặc  mà phải cố gắng làm sao khấm khá”- người phụ nữ suýt soát tuổi sáu mươi bắt đầu câu chuyện. Quan sát mẹ chồng làm chổi đót bán, những chiếc chổi rất chắc chắn, cô dâu trẻ suy nghĩ, tại sao đã “nắm” nghề trong tay mà gia đình chị không đồng tâm hiệp lực phát triển một cách bài bản thay vì làm và bán những cây chổi nhỏ lẻ. Vậy là dứt khoát bỏ nuôi heo nấu rượu, bà Huệ ngày này qua ngày khác ngồi học nghề làm chổi đót từ mẹ chồng, mày mò “cách tân, biến tấu” cho sản phẩm đẹp thêm.

Sau khi “có nghề”, bà Huệ cùng chồng bắt đầu vạch phương án vừa sản xuất vừa kinh doanh. Ông Dũng (chồng bà Huệ) đảm nhiệm “lang thang” lên Bình Điền, A Lưới, Lao Bảo, Khe Sanh (Quảng Trị) tìm gom nguyên liệu. Bà Huệ mang đót đã bẻ và chổi đi tìm mối, giới thiệu. Thấy sản phẩm đẹp, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh đồng ý đặt hàng. Tự tin vào chất lượng sản phẩm, bà Huệ “xông pha” ra các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vào thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi lặn lội “rừng rú” tìm gom nguyên liệu còn “quản” việc sản xuất và những chuyến “ngoại giao” mở rộng thị trường tiêu thụ đều do một tay “vợ”, ông Dũng nói về vợ một cách thân thương và trân trọng. Quả thật, người phụ nữ ấy không chỉ đáng được trân trọng vì đã cùng chồng xây dựng một tổ ấm vững chắc, nuôi con ăn học đàng hoàng, mà bằng tấm lòng cảm thông bà còn đem việc làm đến cho hàng chục phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Một tấm lòng           

Trong hai kho xưởng, gần hai chục phụ nữ đang cặm cụi bẻ đót, làm chổi, hầu hết lớn tuổi hoặc bị khuyết tật. “Vì sao?” - tôi thắc mắc. Nụ cười mộc mạc lại nở trên gương mặt đôn hậu, bà Huệ bảo, điều đó chỉ có thể giải đáp bằng trái tim. Cứ trước một hoàn cảnh (nói chung) và phụ nữ khó khăn, đơn thân nuôi con hoặc tàn tật, trái tim bà lại nhói lên thương cảm. Làm được gì cho những phận người kém may mắn ấy, bà làm ngay. “Những phụ nữ cao tuổi, khuyết tật khó có thể đáp ứng công việc nặng nhọc, vậy tại sao mình không dành cho họ cơ hội việc làm phù hợp như bẻ đót làm chổi. Chỉ cần chỉ dạy kỹ thuật để họ làm tốt công việc. Có thể làm chậm hơn người khỏe mạnh, nhưng đảm bảo họ có thu nhập 3 triệu đồng mỗi tháng, nếu cần mẫn” - bà Huệ chia sẻ. Bởi vậy, “nhân viên” của bà Huệ có người nay đã 77 tuổi, con cái đều cực khổ nên vẫn phải mưu sinh. Bà lão cười chất phác: “Tuổi như tui, lại bị khuyết tật ai mà nhận. May có cô Huệ cho tui việc làm, tự kiếm được miếng cơm manh áo. Mình còn lao động được thì cứ ráng, không phải làm “gánh nặng” cho con cháu và xã hội”.

Một chị hoàn cảnh đơn thân nuôi con kể, không chỉ “cho” việc làm, mỗi dịp lễ tết, bà Huệ không quên gửi quà cho chị em. Món quà không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có ý nghĩa động viên, cổ vũ rất nhiều về tinh thần. Có những dịp 8/3 hoặc 20/10, bà Huệ đưa chị em tham quan hang động ở tỉnh Quảng Bình hoặc tổ chức nấu nướng để chị em cùng ăn uống, hát hò vui vẻ. “Gia cảnh đơn chiếc khó khăn, nhiều lúc người thân trong gia đình còn chẳng nhớ cũng chẳng tặng quà. Rứa mà cô Huệ lại không quên. Cô thật biết cảm thông với người khác, thật có tấm lòng...”- nhiều chị xúc động tâm sự.

Phạm Thùy Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo
Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

Có vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sức yếu, hay những bà mẹ ở tận các xã vùng cao A Lưới đã tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để hiến tặng những kỷ vật là hành trang quý giá đời mình, được gìn giữ qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ.

Những tấm lòng hiến tặng hiện vật
Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang

Xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, yêu thương, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Kim Sơn miệt mài đem yêu thương đến cho biết bao cảnh đời cơ cực. Bước chân thầy Sơn đã đến nhiều làng, nhiều bản để giúp đỡ, sẻ chia… đã trở nên gần gũi, xúc động đối với học sinh và bà con nghèo.

Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang
Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai

Đội Tình nguyện Vì bệnh nhân là một trong nhiều câu lạc bộ, đội nhóm sinh viên trực thuộc Đoàn Trường đại học Y Dược - Đại học Huế thành lập năm 2015 để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa như: Phát cháo tình nguyện, Đông ấm yêu thương, Trung thu cho em, Tết Thiếu nhi, Cùng em tới trường… đã góp phần nuôi dưỡng, phát triển tấm lòng nhân ái trong các bạn sinh viên trường và góp phần mang lại niềm vui cho những bệnh nhân nghèo.

Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai
Return to top