ClockThứ Sáu, 25/11/2016 13:26

Tấm lòng cô Tuyết

TTH - Thương học trò mồ côi bữa được đến lớp bữa không, cô Cái Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non A Đớt (xã A Đớt, huyện A Lưới) trích tiền lương hỗ trợ. Tấm lòng của cô tạo sự đồng cảm. Nhiều người đã đồng hành sẻ chia, giúp đỡ học trò khó khăn trên địa bàn.

Cô Tuyết trò chuyện với học sinh được cô đỡ đầu

Tháng 8/2015, khi rời Trường mầm non Hương Lâm (xã Hương Lâm, huyện A Lưới) đến nhận công tác tại Trường mầm non A Đớt, việc đầu tiên cô Tuyết làm là thông qua các giáo viên chủ nhiệm, tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của từng cháu. A Đớt là xã biên giới, người dân hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, sống bằng hạt lúa, củ sắn trên nương rẫy. Kiếm lương thực để cái bếp có thể đỏ lửa ngày hai bữa đã mướt mồ hôi, nói gì đến có tiền trong nhà. Trường có 6 lớp (gồm cả cơ sở lẻ) với 178 cháu thì hết 50% thuộc diện hộ nghèo. 14 nghìn đồng đóng tiền ăn mỗi ngày cho con là sự cố gắng lớn của cha mẹ. Nhiều lần nhà trường đề nghị tăng tiền ăn lên 15 nghìn đồng/ngày, nhưng không thành công. “Số tiền 1 nghìn đồng rất “bé nhỏ”, thế nhưng đối với nhiều bà con khó khăn ở đây, dù chỉ thêm 1 nghìn đồng mỗi ngày vẫn khó”. Nnhiều giáo viên của trường tâm sự.

Những lúc kiếm không ra tiền, cha mẹ các cháu lại cho con ở nhà. Vậy nên, nhiều cháu cứ bữa đến lớp, bữa không. Cô hiệu trưởng không lúc nào là không suy nghĩ, trăn trở về điều này. Trong số những cháu thuộc diện gia đình quá khó khăn, hoàn cảnh hai cháu Ra Pát Thị Thu Hiền (thôn La Tưng) và Hồ Thị Thiên Nga (thôn A Tin) khiến cô Tuyết lo lắng hơn cả. “Một cháu mồ côi cha, mình mẹ nuôi hai con nhỏ. Một cháu cả cha và mẹ bệnh tật đau ốm, hoàn cảnh rất túng thiếu. Biết họ có ý định cho con nghỉ luôn, tôi tìm đến tận nhà. Nói là nhà, nhưng đó chỉ là cái mái liêu xiêu, xung quanh quây những tấm phên cũ kỹ, tềnh toàng. Nhìn thương lắm. Cha mẹ các cháu tối ngày trên rẫy, đi ba, bốn lượt mới gặp được. Khi biết tôi sẽ hỗ trợ mỗi cháu 150 nghìn đồng/tháng/cháu tiền ăn và hỗ trợ 50% chi phí đầu năm học, họ mừng lắm. Lời cảm ơn của họ chính là việc đưa con đến lớp đều đặn” - cô Tuyết chia sẻ. Nhiều giáo viên đồng nghiệp kể, ngoài việc hỗ trợ thường xuyên cho hai cháu Hiền và Nga, cô Tuyết sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ đối với những học trò khác, khi các cháu gặp khó.

Đồng cảm với tấm lòng của cô Tuyết, nên khi cô “ngỏ ý”, anh Trần Ngọc Tuấn bộ đội biên phòng (Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt), Phó Bí thư tăng cường xã A Đớt liền nhận hỗ trợ cho một cháu mồ côi cha 500 nghìn đồng/tháng. Hội trưởng hội nông dân xã cũng nối tấm lòng thơm thảo, hỗ trợ hai cháu, mỗi cháu 100 nghìn đồng/tháng. Giáo viên trong trường hưởng ứng, mỗi cô giáo trích lương đóng góp 20 nghìn đồng/1 tháng để hỗ trợ thêm cho 3 cháu hoàn cảnh rất khó khăn, nghỉ học nhiều. Từ ngày được hỗ trợ, giúp đỡ, các cháu đã được đến lớp đều.

“Năm ngoái, vào dịp tết Nguyên đán, mỗi cán bộ giáo viên của trường đã đóng góp 100 nghìn đồng để tặng quà cho các cháu mồ côi hoặc đặc biệt khó khăn. 15 suất quà, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng có  gạo, mứt gừng, bánh kẹo được giáo viên mang đến tận nhà tặng. Năm nay, chúng tôi dự định sẽ tổ chức tặng quà Tết ngay tại trường. Số lượng các cháu khó khăn được nhận quà sẽ tăng lên gấp đôi” - cô Tuyết cười ấm áp. Người giáo viên hơn 10 năm gắn bó với các cháu mầm non chia sẻ, yêu thương đối với trẻ thơ vốn đã “bẩm sinh” trong lòng cô. Vậy nên, Tuyết chọn thi vào ngành mầm non Trường cao đẳng Sư phạm Huế. Sau khi tốt nghiệp, năm 1999 cô nhận công tác tại Hương Lâm. Năm 2005, Cái Thị Ánh Tuyết được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Lâm. Năm 2015, “đến” với học trò mầm non xã biên giới A Đớt, cô giáo Tuyết đã mang theo tấm lòng yêu thương. Và sự yêu thương đó đã lan tỏa, giúp nâng bước các em đến trường.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo
Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

Có vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sức yếu, hay những bà mẹ ở tận các xã vùng cao A Lưới đã tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để hiến tặng những kỷ vật là hành trang quý giá đời mình, được gìn giữ qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ.

Những tấm lòng hiến tặng hiện vật
Kỷ luật các cá nhân liên quan đến vụ cô giáo bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp tại Trường THPT Hai Bà Trưng

Ông Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng vừa bị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ra quyết định kỷ luật mức cảnh cáo; ông Nguyễn Đức Phong, giáo viên dạy bộ môn thể dục của trường bị Hội đồng kỷ luật Trường THPT Hai Bà Trưng xem xét kỷ luật với hình thức khiển trách.

Kỷ luật các cá nhân liên quan đến vụ cô giáo bị bẻ tay đẩy ra khỏi lớp tại Trường THPT Hai Bà Trưng
Return to top