ClockChủ Nhật, 23/10/2016 05:51

Tấm lòng Ông Sẹo

TTH - Ở phường Hương Long, TP. Huế, tấc đất tấc vàng. Thế nhưng người dân nơi ấy đã hiến gần 800m2 đất, đồng thời đóng góp tiền của để mở rộng, bê tông hóa, xây dựng đường kiệt khang trang sạch đẹp. Người vận động, kết nối những tấm lòng tạo nên sức mạnh đoàn kết, là ông Hồ Văn Sẹo, nguyên Bí thư chi bộ 5 phường Hương Long.

Tâm huyết

“Tôi năm nay 71 tuổi”, ông Hồ Văn Sẹo giới thiệu. Thế nhưng, không hề thấy “bóng dáng” cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Nói về việc vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của để mở rộng, bê tông hóa, xây dựng đường kiệt, ông Sẹo bảo: “Đây là câu chuyện dài. Khó! Khó lắm...”.

Ông Sẹo kể về quá trình vận động người dân hiến đất. Ảnh: Quỳnh Anh

Đối với cựu Bí thư chi bộ 5, “câu chuyện” bắt đầu từ sự “xốn mắt”, nhói lòng khi đường kiệt 73 và 57 thuộc tổ dân phố 13, 14 ngày càng ổ gà ổ vịt, bụi mù trong nắng nóng, lầy lội trơn trượt trong mùa mưa. Đã thế, kiệt lại hẹp. Người lớn đi lại còn cực khổ, có lúc tránh xe va nhau ngã oành oạch, nói chi trẻ con đi học. Chẳng đếm hết bao nhiêu đêm ông không ngủ được vì mải suy nghĩ đến sự bức thiết phải đổi thay những đường kiệt “xấu xí” bằng con đường bê tông rộng rãi, khang trang, đảm bảo cho bà con đi lại được thuận lợi, an toàn. Trăn trở, nhưng ông chưa biết làm thế nào.

"Trong thời gian hoạt động cách mạng, có lần tôi (lúc đó là Bí thư Đảng ủy của Đảng bộ Hương Bình) và đồng chí Ngọc (Đội công tác thành phố) dùng thủ pháo bắt cá nấu cháo cho đồng chí Hường (Tỉnh đội phó) đang kiệt sức vì bệnh. Ông Hường không ăn cháo và đòi kỷ luật chúng tôi. Ông nghiêm khắc bảo, thủ pháo để đánh Mỹ chứ không phải đánh cá. Ông Hường nói đúng. Từ đó, tôi càng thấm thía ý nghĩa phải đặt quyền lợi của Đất nước, Nhân dân lên hàng đầu"

Ông Hồ Văn Sẹo

Khi có chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm mở rộng, bê tông hóa đường kiệt, vui mừng vì đã có “lối ra”, ông Sẹo thầm hạ quyết tâm sẽ vận động người dân cùng chung tay. Bảo người ta “móc” tiền trong túi ra đóng góp chẳng dễ dầu, huống hồ tấc đất còn hơn cả tấc vàng, thuyết phục làm sao để dân “cắt” ra mà hiến?.  “Vì điều này, lại nhiều đêm tôi ngủ không yên.

Nhưng tôi là Sẹo. Trong những năm tháng chúng tôi hoạt động cách mạng, Nhân dân vùng này không lạ gì cái tên “Sẹo”. Mỗi lần từ hầm ngoài rú, bí mật bò vào nắm tin tức, khi gõ cửa nhà dân bao giờ tôi cũng khe khẽ báo “tôi Sẹo đây”. Lắng nghe đúng tên, đúng giọng, cơ sở mới mở cửa. Khi tôi bị ba vết thương, dân gọi tôi là “Ba Sẹo”. Trên người tôi bảy vết thương bom đạn, dân lại gọi tôi một cách thân thiết “Bảy Sẹo”. Lúc trước, tôi hoạt động cách mạng là để giành hòa bình độc lập cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho Nhân dân, được dân yêu thương che chở, gửi gắm niềm tin thắng lợi. Vậy thì hôm nay, vận động hiến đất, góp tiền làm đường, cũng là vì lợi ích thiết thực của người dân, chắc chắn rồi bà con sẽ hiểu tâm huyết của tôi mà ủng hộ”- ông Sẹo chia sẻ những điều đã suy tư, trăn trở.

Bằng tâm huyết, niềm tin đó, ông bắt đầu “làm nháp” (chữ ông Sẹo dùng), tìm đến vài gia đình tỉ tê. “Đi đến lần thứ ba, thứ tư thì bà con bảo, ai chứ chú Sẹo thì chúng tôi tin tưởng. Chú Sẹo vì lợi ích chung mà tha thiết như vậy, tụi tui xin nghe theo”, người đảng viên gần 50 năm tuổi đảng nở nụ cười mãn nguyện.

Lan tỏa

Nhận được sự ủng hộ bước đầu, ông Sẹo càng thấm thía và tin tưởng lời dạy của Bác Hồ kính yêu, đó là: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ông tin người dân tổ 13, 14 phường Hương Long “của ông” sẽ hiểu, đồng lòng để “liệu” cho những đường kiệt trở nên rộng rãi, được bê tông hóa khang trang. Tất nhiên để đến được đích đó, những cán bộ như ông còn phải kiên nhẫn, phải tốn nhiều công sức. Ngoài các cuộc họp chi bộ, họp cán bộ đảng viên đương chức sinh hoạt tại địa bàn dân cư, các đoàn thể của tổ dân phố và đặc biệt là họp các hộ dân, bất cứ trong cuộc hiếu, hỉ nào ông đều tranh thủ vận động.

Đường kiệt 73 nay được mở rộng, bê tông hóa khang trang và đổi tên thành đường An Ninh. Ảnh: Thái Bình

“Của bỏ ra ai không xót. Tôi có cách của tôi. Cán bộ, đảng viên tất phải tiên phong gương mẫu, vậy nên họ là những người tôi đặt vấn đề trước. Có trường hợp cụ bà vận động năm lần bảy lượt vẫn chưa được, tôi nhờ luôn các con của cụ là những cán bộ, đảng viên thuyết phục kiểu mưa dầm thấm đất. Kết quả, gia đình đó hiến 70m2 đất. Hay trong khi đến đám hiếu, đám hỷ, tôi “so sánh” luôn: “Giá như đường kiệt này được mở rộng, bê tông bằng phẳng thì việc đưa người đã mất (hoặc đón, đưa dâu) đỡ vất vả hơn nhiều”. Nói trong mấy hoàn cảnh thực tế đó lại có hiệu quả. Nhiều người “thông” luôn, đồng ý góp tiền góp đất”, ông Sẹo kể.

Mỗi lần kể về một trường hợp “đặc biệt”, ông lại nở nụ cười sảng khoái. Đó là câu chuyện về một cặp vợ chồng mà người chồng là bác sĩ. Sau khi giao cho vợ đến gặp ông đóng góp “công khai” 6 triệu đồng, anh bác sĩ này “lén” đến đóng thêm 4 triệu đồng nữa, đồng thời khẳng khái bảo còn cần bao nhiêu chú Sẹo cứ bảo. Tuy nhiên, lúc đó kinh phí đã đủ nên ông không nhận “khoản thêm”, chỉ nhận tấm lòng của vị bác sĩ. Hay lúc tìm chủ nhân một thửa đất (ở nơi khác đến mua đất làm nhà, nhưng chưa xây dựng) để “dân vận”, ông Sẹo bị người này nghi ngờ lấy tiền vận động được mang đánh số đề? Khi hiểu tâm huyết, tấm lòng của ông, người đàn ông đó không những vui vẻ góp của góp công, mà còn vận động người khác cùng chung tay. Người “cho” ông 10, 11 triệu đồng, người hơn chục mét đất và 1 triệu đồng, người đập bức tường dài 6 mét, còn “góp” thêm mấy mét đất, người 500 nghìn đồng... Những bàn tay nối bàn tay đã tạo nên kết quả ngoài mong đợi. Đó không chỉ là con số gần 800m2 đất và 56 triệu đồng người dân bỏ ra (cộng với 50 triệu đồng của Nhà nước hỗ trợ), để mở rộng, bê tông hóa hai đường kiệt và hai cổng chào khang trang, mà là sự đồng lòng, đoàn kết vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Cùng khách thả bước trên đường kiệt 73 (nay đã được đặt tên đường An Ninh), ông Sẹo miệng lúc nào cũng cười hết cỡ để đáp lại những nụ cười của bà con dân phố. Những nụ cười mang tên hạnh phúc.

Ông Hồ Văn Sẹo từng được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Quyết thắng...

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo
Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

Có vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sức yếu, hay những bà mẹ ở tận các xã vùng cao A Lưới đã tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để hiến tặng những kỷ vật là hành trang quý giá đời mình, được gìn giữ qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ.

Những tấm lòng hiến tặng hiện vật
Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang

Xuất phát từ tấm lòng đồng cảm, yêu thương, hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo Hoàng Kim Sơn miệt mài đem yêu thương đến cho biết bao cảnh đời cơ cực. Bước chân thầy Sơn đã đến nhiều làng, nhiều bản để giúp đỡ, sẻ chia… đã trở nên gần gũi, xúc động đối với học sinh và bà con nghèo.

Tấm lòng người thầy bên chân sóng Tam Giang
Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai

Đội Tình nguyện Vì bệnh nhân là một trong nhiều câu lạc bộ, đội nhóm sinh viên trực thuộc Đoàn Trường đại học Y Dược - Đại học Huế thành lập năm 2015 để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Những hoạt động ý nghĩa như: Phát cháo tình nguyện, Đông ấm yêu thương, Trung thu cho em, Tết Thiếu nhi, Cùng em tới trường… đã góp phần nuôi dưỡng, phát triển tấm lòng nhân ái trong các bạn sinh viên trường và góp phần mang lại niềm vui cho những bệnh nhân nghèo.

Tấm lòng nhân ái của những thầy thuốc tương lai

TIN MỚI

Return to top