ClockThứ Tư, 16/03/2016 15:26

Tầm vóc người Việt

TTH - Một công bố được nhiều phương tiện thông tin đại chúng quan tâm nhiều thời gian gần đây là tầm vóc người Việt Nam thua kém rất nhiều so với một số nước châu Á. Theo đó, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7 cm, nữ chỉ đạt 153 cm; đều thấp hơn chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.

Ngoài yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng góp phần trong cải thiện vóc dáng của con người. Chẳng hạn như người Nhật Bản. Kế hoạch “một ly sữa làm lành mạnh một dân tộc” của họ là một trong những biện pháp để người Nhật nâng tầm chiều cao, vóc dáng. Tại các trường học ở Nhật bản, bữa ăn trưa của học sinh đều được bổ sung thêm 1 ly sữa. Ngoài ra, họ còn bổ sung thêm nhiều chế độ dinh dưỡng hợp lý khác, cộng với tinh thần rèn luyện thể dục thể thao…

Để nâng cao vóc dáng của cả dân tộc không thể là chuyện một sớm một chiều, mà phải trải qua hằng thập kỷ. Việt Nam phải trải qua cả một thời gian dài chiến tranh và khắc phục hậu quả chiến tranh, nên việc đảm bảo dinh dưỡng cho người dân có phần hạn chế. Ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều loại bệnh nguy hiểm đã được thanh toán, đẩy lùi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm qua từng năm. Chiều cao trung bình cũng đã được cải thiện thêm 3,7 cm…

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 4 năm 2011 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Theo đó, nhiều chương trình hành động đã được triển khai; trong đó, chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học đã được áp dụng ở nhiều địa phương. Phong trào rèn luyện thể dục thể thao được đẩy mạnh…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, vấn đề dinh dưỡng cho người dân hiện nay còn bộc lộ nhiều tồn tại. Sữa, một trong những nguồn dinh dưỡng giàu can xi cần thiết cho con người hiện vẫn rất đắt, lại bị làm giả, làm nhái tràn lan; trong lúc người nông dân nuôi bò sữa phải đổ sữa đi vì đầu ra không hợp lý. Cũng đã có tình trạng đưa sữa hết hạn sử dụng vào trường học, như trường hợp xảy ra ở Trường mầm non Sao Mai, xã Lộc Trì (Phú Lộc), hồi giữa năm ngoái. Hay nạn thức ăn thiếu an toàn, gây ra hàng loạt vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở các trường học nói riêng và các bữa ăn khác nói chung còn phổ biến. Vụ mới đây nhất vào chiều 10/3, 36 em học sinh Trường tiểu học Trần Quang Khải, Quận 1, TP Hồ Chí Minh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn chiều… Những tồn tại ở trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, cần được sớm khắc phục, đẩy lùi!

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top