ClockThứ Năm, 23/06/2016 17:52

Tân Bình đã mới

TTH - Để có khu tái định cư (TĐC) Tân Bình (xã Phong Bình, huyện Phong Điền), nằm bên con hói Ma Nê như ngày nay là cả một chặng đường dài gian khổ của cư dân xóm thủy diện nằm trên sông Vĩnh Định. Ở đó, có những người “khai canh lập ấp” của khu TĐC với kỳ tích vỡ đất xây nhà, đưa ruộng lúa về cho dân cày…

Một góc khu TĐC Tân Bình

Những người “khai canh”

Khu TĐC Tân Bình nằm trên đất lúa Vân Trình, xã Phong Bình nhưng khá biệt lập so với cư dân ở đây do nằm sát sông, hói. Tân Bình với 59 hộ dân, gần 300 nhân khẩu, được thành lập từ năm 2005, sau cuộc “thiên di” của cư dân vạn đò từ sông Vĩnh Định lên với đất liền.

Không phải giờ hỏi, bà con vạn đò mới nhớ, mà từ thuở “khai ấp”, bà con nơi đây đã nhắc đến kỳ tích vỡ đất của anh em nhà họ Võ: Võ Thoảng, Võ Văn Muông, Võ Văn Quác. Vừa chăm cá lồng trên con hói Ma Nê trở về, ông Võ Thoảng, trưởng khu TĐC Tân Bình bảo: “Giờ nhắc lại cả quá trình lên bờ định cư từ năm 2005- cũng chẳng xa xôi gì nhưng quả là nhiều gian truân. Chính niềm tin lớn của bà con vạn đò vào chính quyền huyện, xã giai đoạn đó đã làm nên tất cả”.

Nuôi cá lồng trên hói Ma Nê, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập

Thời đó, 38 hộ dân vạn đò, sống trên thuyền, mưu sinh chủ yếu dựa vào nguồn lợi hải sản trên sông Vĩnh Định. Mùa mưa bão, họ cho thuyền vào hói Ma Nê để tránh trú. Một buổi sáng mùa hè năm 2003, ông Võ Thoảng (61 tuổi), lúc đó là đội trưởng đội ngư nghiệp của cư dân vạn đò, từ trong mui thuyền lọ mọ bước ra. Trên sông Vĩnh Định, từng đứa trẻ hồn nhiên vui đùa sông nước. Nghĩ về bao lớp người thất học, cơ cực trên dòng sông mà cha ông của họ đã lựa chọn và gắn bó, ông Thoảng chợt nghĩ: “Không lẽ ở mãi trên mui đò ri. Tụi nhỏ kia rồi cũng như cha anh nó, mãi chẳng biết con chữ nằm ngang hay dọc. Phải lên bờ thôi”.

Nói là làm. Ông Thoảng lặng lẽ ngồi “thảo đơn” xin lên bờ cho 38 hộ dân vạn đò với 38 chiếc thuyền. Thời đó, cả vùng TĐC Tân Bình ngập mênh mông nước, cứ ngỡ đất liền còn xa ngái lắm. Bao ngày ông Thoảng miệng ngậm lá đơn, xắn ống quần, tay đội chiếc xe đạp lên đầu mà lội nước. Vào xã rồi lặn lội lên huyện gửi đơn và chờ. Bao hy vọng của bà con vạn đò đều dồn lên đôi vai của người đội trưởng ấy.

Ôn Thoảng trước căn nhà của mình- ngôi nhà đầu tiên của vùng TĐC

Một ngày của năm 2004, ông Thoảng đang đánh cá trên sông thì có “tráp” của huyện về, mời ông lên họp. Ông nhớ mãi vị cán bộ huyện gặp ông, vỗ vai ân cần: “Rứa là được rồi anh Thoảng nhé!” Những tháng ngày sau đó chan chứa bao niềm vui của cư dân vạn đò trên sông Vĩnh Định khi cán bộ địa chính của xã, huyện về lội sông đo địa giới hành chính. Ông Võ Văn Muông (70 tuổi), anh trai cũng là “cộng sự” ông Thoảng, nhớ lại: “Cán bộ phải lội nước ngang ngực, chẳng biết chiều dài bao nhiêu nhưng cứ đo chiều ngang cứ 10m nước phân cho một hộ. Rồi huyện trích kinh phí 12 triệu đồng/hộ để góp thêm cho bà con xây nhà. Cái tên Tân Bình cũng được đặt ngay sau đó với hàm ý “vùng đất mới của Phong Bình”.

Ba anh em ông Thoảng là những người tiên phong lên với đất liền. Ông Thoảng bảo: “Nói về “thổ địa” thì không nơi nào nhiều như Tân Bình bởi đất ở đây được lấy từ 5 xã vùng ven Phong Bình”. Để có nền nhà, ba anh em ông Thoảng phải xuôi thuyền trên sông Vĩnh Định, ra tới các đầm phá, sông, hói của vùng Ngũ Điền xin đất, xúc lên ghe về đắp nền. Ròng rã 3 năm trời, nền đất 3 ngôi nhà đầu tiên của 3 anh em nhà họ Võ mới đắp xong. Những năm sau đó, lần lượt 38 hộ gia đình đã biến vùng ngập nước bên con hói Ma Nê thành vùng TĐC Tân Bình san sát nhà ở.

Khi dân thủy diện làm lúa

Được lên bờ TĐC là niềm mong mỏi bao đời của cư dân thủy diện. Nhưng để ổn định cuộc sống, cần tạo công ăn việc làm ổn định, giảm sự phụ thuộc vào sông nước đó là điều trăn trở của trưởng khu TĐC Võ Thoảng cũng như chính quyền địa phương.

Năm 2012, từ nguyện vọng của người dân, xã Phong Bình mạnh dạn đứng ra thuê 20 ha đất lúa ở thôn Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa) cho bà con thủy diện Tân Bình sản xuất, bình quân mỗi hộ từ 2-5 sào. Ông Thoảng nhớ lại: “Lúc đó anh Nguyễn Văn Cho, giờ là Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, về họp bà con thủy diện bảo: “Thuê đất cho bà con trồng lúa, bà con có làm được không?”. Thời đó, nghe có đất làm ruộng, bà con vừa mừng, vừa lo bởi từ nay có nguồn lương thực nhưng làm ruộng thì… chưa biết bắt đầu từ đâu”. Có nông dân xắn quần đến nhà ông Thoảng hỏi cách trồng lúa, ông bảo… “Tui cũng chịu”. Chờ cán bộ xã, huyện về “dạy” thôi.  

Đất lúa ở Mỹ Xuyên được thuê 3 năm một lần, bà con Tân Bình đóng 60kg thóc/sào/vụ cho đại diện làng. Những ngày cư dân thủy diện tập làm lúa cũng không kém phần gian nan. Huyện, xã tổ chức cả chục lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đưa giống mới về cho bà con sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa. Cán bộ kỹ thuật cũng về túc trực trên ruộng, hướng dẫn từng nắm phân, lon lúa giống khi gieo sạ.

“Hiện nay, nguyện vọng của bà con thủy diện là muốn được chính quyền chung tay cải tạo hói Ma Nê làm nơi đậu thuyền, giảm ô nhiễm môi trường cũng như giải quyết nhà ở cho 19 hộ dân tách hộ. Đất ở vùng này rất tốt, bà con có thể canh tác năng suất cao hơn nhiều nếu được chủ động nguồn nước, cơ giới, không phụ thuộc vào xứ đồng bên cạnh”, ông Võ Thoảng, trưởng khu TĐC Tân Bình trăn trở.  

Ông Võ Văn Muông hồi ức: “Mấy chục hộ dân có ai biết làm ruộng đâu nên buổi đầu cũng lóng ngóng lắm. Đến nỗi, tát nước đồng bà con phải dùng thau, sạ giống thì đội cái thúng nhựa trên đầu, tay bốc mà vãi ra. Bởi vậy, sau này cán bộ hướng dẫn làm lúa, phải lấy đơn vị lon (lon phân, lon lúa giống) chứ không dùng đơn vị đo lường là kilogam”.

Cũng nhờ bản tính chịu thương chịu khó mà dân thủy diện giờ đã biết làm lúa. Sau đó là những tháng ngày đắp đập be bờ, thi đua sản xuất. Ngoài được chính quyền quan tâm, cư dân thủy diện cũng nhờ bà con vùng lúa Vân Trình sang giúp, “gieo, cấy mẫu” trên ruộng nhà mình rồi học hỏi theo.

Vụ lúa đầu tiên “rứa mà được trời thương”- nói như lời trưởng khu TĐC Võ Thoảng, năng suất giống HN6 đạt 3,1 tạ/ha. Thóc lúa đầy đồng, bà con có lương thực dùng quanh năm, chấm dứt cảnh chèo thuyền đi mua gạo. Đến nay, ngoài diện tích thuê hàng năm, bà con còn khai hoang để tăng diện tích sản xuất.

Tân Bình ngày mới

Đập Tây Ô Lâu được xây dựng đã “mở đường” cho khu TĐC Tân Bình “thông thương” với các địa phương vùng lân cận. Đường sá đi lại thênh thang, chấm dứt cảnh đò giang cách trở. Từ con hói Ma Nê nhìn lên, cả khu TĐC nằm bên bờ hói san sát nhà cửa khang trang, đường thôn được bê tông hóa đến tận nhà dân.

Ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình đánh giá: “Trưởng khu TĐC Võ Thoảng cùng nhiều anh em là những cư dân đầu tiên lên với đất liền, góp phần vận động bà con lên bờ định cư. Ngoài hướng dẫn bà con Tân Bình biết canh tác lúa, những năm qua, địa phương cũng tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư ngư lưới cụ, phát triển nghề đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên hói Ma Nê. Đến nay, 49 hộ dân mỗi hộ đều có lồng nuôi góp phần tăng thu nhập. Hằng năm, địa phương cũng lồng ghép nhiều chính sách cho con em bà con thủy diện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu đến trường”.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vướng mắc khi xây dựng khu tái định cư cho người dân Phong Xuân

Việc đầu tư hạ tầng khu tái định cư (TĐC) di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do tình trạng sụt lún tại khu vực quanh mỏ đá vôi Phong Xuân (Phong Điền) bằng nguồn kinh phí ngân sách là không có cơ sở. UBND huyện Phong Điền đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm bố trí kinh phí để triển khai đầu tư hạ tầng TĐC cho người dân.

Vướng mắc khi xây dựng khu tái định cư cho người dân Phong Xuân
Phập phù hoa tết

Tiết trời vụ đông không thuận lợi cộng với ảnh hưởng dịch COVID-19, báo hiệu một vụ hoa tết không mấy thuận lợi cho người nông dân từ việc ươm cây cho đến thị trường đầu ra.

Phập phù hoa tết
Trường mầm non Hương Sơ bị lún

Ngày 1/7, UBND TP Huế cho biết, vừa có công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư Xây dựng khu vực TP. Huế khẩn trương kiểm tra, khắc phục tình trạng lún tại công trình Trường mầm non Hương Sơ giai đoạn 1 (phường Hương Sơ, TP. Huế) và báo cáo kết quả trước ngày 3/7.

Trường mầm non Hương Sơ bị lún
Nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ đập

Giai đoạn 2021-2025, cần hơn 150 tỷ đồng đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước lớn, nhỏ trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn trong giai đoạn biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp hiện nay.

Nâng cấp, đảm bảo an toàn hồ đập
Return to top