ClockThứ Tư, 28/09/2016 13:50

TAND tỉnh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật

TTH - Ông Ngô Hữu Liên (trú tại 31/31/246 Hùng Vương, TP. Huế, là bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích”, đã được TAND TP. Huế xét xử sơ thẩm và ra Bản án số 92/2016/HSST ngày 06/5/2016), cho rằng mức hình phạt 2 năm tù đối với ông là nặng... Ông Nguyễn Hữu Hoàng (trú 37/31/246 Hùng Vương, TP. Huế, bị hại trong vụ án) cho rằng mức hình phạt nêu trên là nhẹ. Cả hai đều có kháng cáo lên TAND tỉnh và đều có phản ánh đến Báo Thừa Thiên Huế.

Từ bản án sơ thẩm của TAND TP.Huế, nội dung sự việc như sau: Xuất phát từ mâu thuẫn dẫn đến cãi cọ trong chiều ngày 17/11/2015, ông Liên và anh trai là ông Ngô Quốc Đức đã dùng đùi gỗ, mỏ lết đánh vào mắt, cẳng tay, bàn tay trái của ông Hoàng. Bản kết luận giám định pháp y (KLGĐ) về thương tích số 358 ngày 24/11/2015 (bản KLGĐ thứ nhất) của Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của ông Hoàng là 7%. Ngày 7/1/2016, Cơ quan điều tra có quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 67, giám định bổ sung thương tích của ông Hoàng.

Bản KLGĐ pháp y số 8 ngày 12/01/2016 (bản KLGĐ thứ hai) của Trung tâm Pháp y tỉnh kết luận tỉ lệ tổn hại sức khỏe của ông Hoàng là 17%. Các bị cáo Liên, Đức đã bồi thường đầy đủ tiền viện phí, tiền công chăm sóc và các khoản chi phí khác theo yêu cầu là 35.351.337 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị tòa xử phạt Liên từ 12 đến 15 tháng tù. Tuy nhiên, TAND TP. Huế đã phạt bị cáo Liên 2 năm tù; Đức 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Trong hạn luật định, ông Liên (bị cáo) làm đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án, sau đó có đơn kháng cáo bổ sung đề nghị giám định lại thương tích của người bị hại. Ông Hoàng (bị hại) có đơn kháng cáo cho rằng mức hình phạt đối với các bị cáo là chưa nghiêm, việc áp dụng án treo thiếu cơ sở pháp lý. Vụ án đã được TAND tỉnh thụ lý, chuẩn bị xét xử phúc thẩm.

Lý do có đơn yêu cầu TAND tỉnh trưng cầu giám định lại thương tích của ông Hoàng, ông Liên cho rằng: Tại các giai đoạn điều tra, truy tố, ông Liên đã có văn bản khiếu nại về KLGĐ tỷ lệ thương tật của nạn nhân Hoàng, nhưng không được xem xét giải quyết. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Liên có trình bày không đồng ý với KLGĐ tỷ lệ thương tật của nạn nhân Hoàng và yêu cầu giám định lại để đảm bảo tính khách quan, chính xác nhưng đã không được chấp nhận. Như vậy, các cơ quan tố tụng ở cấp sơ thẩm đã không đảm bảo quyền được khiếu nại trong tố tụng hình sự của bị cáo. Tòa sơ thẩm vẫn căn cứ tỷ lệ thương tật của nạn nhân là 17% theo bản KLGĐ pháp y thứ hai. Trong khi trước đó, bản KLGĐ thứ nhất kết luận tỷ lệ tổn hại sức khỏe của ông Hoàng là 7%... Điều này ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của ông Liên cả về tình tiết định khung và lượng hình khi xét xử. Ngoài ra, ông Liên còn cho rằng, vụ án có lỗi của người bị hại, phía bị hại đánh ông trước nhưng chưa được xem xét tại phiên tòa sơ thẩm (do TAND TP. Huế xét xử ngày 24/5/2016).

TAND tỉnh đã ban hành quyết định trưng cầu giám định lại, trưng cầu Phân Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại miền Trung và Tây Nguyên giám định lại thương tích của ông Hoàng. Ông Hoàng đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để TAND tỉnh chấp thuận yêu cầu của bị cáo Liên đối với việc trung cầu giám định lại thương tích của ông Hoàng? Theo quy định của pháp luật, bị cáo Liên có quyền được yêu cầu giám định lại hay không? Hiện TAND tỉnh đã tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm, tại sao không thông báo cho ông Hoàng?...

Làm việc với pv Báo Thừa Thiên Huế, TAND tỉnh cho biết, tòa án (TA) cũng nhận được đơn đề nghị của ông Hoàng và câu hỏi của một số tờ báo nội dung như nêu trên. TAND tỉnh trả lời: Ngày 10/6/2016, TAND tỉnh thụ lý vụ án Ngô Hữu Liên “cố ý gây thương tích” do có kháng cáo của bị cáo Liên và người bị hại. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, TA đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ và thực hiện các bước tố tụng theo quy định của pháp luật. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị cáo Liên đã yêu cầu giám định thương tích của người bị hại và chính thức nộp đơn đến TAND tỉnh vào ngày 08/8/2016.

Căn cứ đơn yêu cầu giám định lại của bị cáo, căn cứ kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND tỉnh nhận thấy, tại bản KLGĐ số 08 ngày 12/1/2016, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh đã kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên ở vùng mày trái và mắt trái hiện tại là 11% (đã loại trừ tỷ lệ bệnh lý đục thủy tinh thể). Như vậy, bản thân ông Hoàng đã có bệnh về mắt, cụ thể là bệnh lý đục thủy tinh thể…. Bệnh lý này ảnh hưởng như thế nào đến thị lực của mắt, tỷ lệ của nó là bao nhiêu %, cơ quan pháp y đã tính toán như thế nào để có kết quả 11% là do bị cáo gây ra thì bản kết luận giám định chưa làm rõ, chưa được kết luận.

Để có cơ sở giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng, đúng quy định của pháp luật, TAND tỉnh xét thấy việc giám định lại tỷ lệ thương tích của anh Hoàng là cần thiết. Do vậy, TAND tỉnh căn cứ vào các Điều 39, 60, 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự, ban hành quyết định trưng cầu giám định lại thương tích của ông Hoàng. Đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án: TAND tỉnh đã trưng cầu giám định lại, nhưng chưa có kết quả giám định mà thời hạn xét xử đã hết nên TA căn cứ vào các Điều 160 và 180 của BLTTHS tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định. Khi nào lý do tạm đình chỉ không còn thì TA đưa vụ án ra xét xử. Sau khi ban hành các quyết định trưng cầu giám định lại và quyết định tạm đình chỉ vụ án, TAND tỉnh đã gửi đến Viện Kiểm sát tỉnh, bị cáo và người bị hại theo đường bưu điện. TA kiểm tra lại, nếu có các cơ quan hữu quan, bị cáo, bị hại chưa nhận được thì TA gửi lại lần hai.

Như vậy, TAND tỉnh đã thực hiện các bước tố tụng đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. TAND tỉnh cho biết: Vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, TA không thể trả lời gì thêm. Mọi vấn đề sẽ được tranh tụng công khai và làm sáng tỏ tại phiên tòa phúc thẩm sắp đến, kết quả cuối cùng là Hội đồng xét xử ban hành bản án.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải ngân vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù

Những khách hàng đầu tiên của chương trình vay vốn theo Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh giải ngân. Chính sách này thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Giải ngân vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù
Livestream tùy tiện, coi chừng bị phạt tù!

Tính năng livestream hay còn gọi là “phát trực tiếp” của mạng xã hội facebook bên cạnh những hữu ích cho con người thì nó cũng tiềm ẩn các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích của công dân.

Livestream tùy tiện, coi chừng bị phạt tù
Return to top