ClockThứ Bảy, 31/08/2019 12:31

Tăng bậc trên bảng xếp hạng đại học

TTH - Điều chỉnh chiến lược giúp Đại học (ĐH) Huế tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng (BXH) ĐH các cơ sở giáo dục của Việt Nam. Không những thế, cơ hội để thăng hạng trên BXH ĐH thế giới thời gian tới đang khá rộng mở.

Đại học Huế công bố điểm chuẩn các đợt tuyển bổ sungĐại học Huế triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020Nhiều cơ sở đào tạo tổ chức đón tân sinh viên nhập học

ĐH Huế - cơ sở giáo dục vừa tăng hạng trên bảng xếp hạng ĐH

Tín hiệu vui

Xếp hạng ĐH là cách hữu hiệu để đánh giá chất lượng của trường học ở một số lĩnh vực như nghiên cứu và triển vọng quốc tế. Không chỉ trên thế giới, các trường ĐH trong nước thời gian qua cũng rất chú ý đến xếp hạng ĐH nhằm khẳng định vị thế, đồng thời đưa ra chiến lược điều chỉnh phù hợp. Còn với xã hội, xếp hạng ĐH trở thành thông tin tham khảo khách quan để phục vụ việc đánh giá và lựa chọn trường ĐH.

Cuối tháng 7/2019, Cybermetrics Lab thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) vừa đưa ra BXH Webometrics các ĐH thế giới (mỗi năm 2 đợt). Đáng mừng là, so với xếp hạng đợt tháng 1/2019, ĐH Huế tăng 2 bậc trong các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, giữ vị trí thứ 8 trong nước và thứ 3.780 của thế giới. Đáng chú ý là nếu như trước đây (đợt tháng 1) chỉ có 132 trường ở Việt Nam tham gia xếp hạng thì lần này có đến 180 trường, tức là tính cạnh tranh cao hơn.

So với các ĐH vùng trong nước, ĐH Huế chỉ đứng sau ĐH Cần Thơ (xếp thứ 3) và xếp trên các ĐH khác như: ĐH Vinh (thứ 9), ĐH Đà Nẵng (thứ 13), ĐH Thái Nguyên (thứ 20), ĐH Tây Bắc (thứ 91), ĐH Tây Nguyên (100)… Đây là một tín hiệu đáng mừng của cơ sở giáo dục tại Cố đô.

Theo lãnh đạo ĐH Huế, xếp hạng ĐH dựa trên nhiều tiêu chí. Trong đó, có 4 tiêu chí chính là sự hiện diện (số lượng các trang web thuộc tên miền chính của cơ sở giáo dục ĐH); mức độ hiển thị hay mức độ tác động (số lượng các mạng bên ngoài có liên kết ngược đến các trang web của cơ sở giáo dục ĐH); tính mở (số lượng trích dẫn từ 100 tác giả hàng đầu, được xác định theo Google Scholar); tính xuất sắc hay tính học thuật (số bài báo nằm trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất thuộc 26 lĩnh vực).

Trong các tiêu chí, ĐH Huế cũng có những cải thiện đáng kể. Nổi bật như tiêu chí tính mở tăng điểm mạnh, từ 5.041 (1/2019) lên 3.938 (7/2019) của thế giới. Tiêu chí này liên quan đến số trích dẫn tính từ Google Scholar (một cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến) và từ cuối tháng 5/2019, ĐH Huế đã có chính sách đẩy mạnh sự hiện diện của các nhà khoa học trên các cơ sở dữ liệu khoa học trực tuyến, trong đó có Google Scholar và số hồ sơ trên các cơ sở dữ liệu khoa học này đã tăng từ 85 (tháng 5/2019) lên 112 (7/2019). Dẫn chứng để thấy, bước đầu chính sách của ĐH Huế đã có hiệu quả.

Cán bộ, sinh viên ĐH Huế tham gia nghiên cứu tại Trường ĐH Nông lâm

Hướng đến thứ hạng cao hơn

Xếp hạng ĐH là thước đo uy tín, chất lượng của một cơ sở giáo dục. Thăng hạng là tín hiệu đáng mừng nhưng trên thực tế, việc tăng 2 bậc của ĐH Huế chưa phải là một điều quá chắc chắn về khoảng cách, bởi sự biến động tăng giảm thứ hạng thường xảy ra. Vấn đề này cho thấy, cần có chiến lược ổn định và thăng hạng tốt hơn.

PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế cho biết, thực ra thứ hạng của ĐH Huế có thể cải thiện nhiều hơn song đáng tiếc là sự phân tán dữ liệu xếp hạng. Do đang trong quá trình chuyển đổi tên miền (thống nhất trong ĐH Huế) nhưng chưa hoàn thiện nên khi Webometrics cập nhật thì một phần dữ liệu không được tính. Vì thế, trong bảng xếp hạng tháng 7/2019 cùng với ĐH Huế còn có cả 5 trường ĐH thành viên là: Kinh tế, Nông lâm, Y dược, Sư phạm và Nghệ thuật được Webometrics xếp hạng riêng, không gộp chung vào cho ĐH Huế. Tuy nhiên, trong bối cảnh ĐH Huế đang “mạnh tay” với giải pháp thống nhất tên miền, khả năng dịch chuyển thứ hạng theo chiều hướng tích cực có thể diễn ra trong thời gian tới.

PGS.TS. Bùi Đình Hợi (trái), một trong những nhà khoa học của ĐH Huế có số lượng lớn công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí quốc tế ISI

Hiện, theo các tiêu chí của Webometrics, công bố quốc tế chiếm 35% trọng số. Công bố càng nhiều điểm càng cao. Nhìn vào số liệu công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục WoS (ISI) và Scopus của ĐH Huế trong 10 năm (2009-2018) có thể thấy, số lượng công bố quốc tế tăng đều qua các năm. Chỉ tính đến hết tháng 7/2019, ĐH Huế đã có 144 công trình đăng tải trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục WoS (ISI) và 181 công trình thuộc danh mục Scopus. Minh chứng trên phần nào dự báo sẽ còn có những tín hiệu vui.

Theo đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế, để tăng thêm những thành tựu về công bố quốc tế các công trình NCKH, ĐH Huế đang đẩy mạnh chính sách khen thưởng, quyền lợi cho các nhà khoa học. Đặc biệt, dự kiến sẽ có những khích lệ đáng kể cho những tác giả có bài báo có chỉ số trích dẫn cao có sức tác động và hiệu quả. Vừa qua, ĐH Huế cũng có những quy định đề tài cấp ĐH Huế, nếu công trình, đề tài đăng ký có đăng bài báo quốc tế thì có cơ chế hỗ trợ kinh phí cao hơn, đây là giải pháp thúc đẩy công bố quốc tế, qua đó góp phần tăng vị thế trên BXH đại học.

Trong BXH tháng 7/2019, dẫn đầu Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội; vị thứ 2 đến 7 lần lượt là các đơn vị: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Mỏ-Địa chất Hà Nội và Trường ĐH Y Hà Nội.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện

Theo dự báo, năm nay, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng đột biến, nguy cơ cháy, nổ đường dây đối với hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện thiếu an toàn trong khu dân cư.

Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top