ClockThứ Sáu, 22/07/2016 10:20

Tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường

TTH - Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, tình hình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ở Thừa Thiên Huế vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở nằm trong khu, cụm công nghiệp, làng nghề, rải rác trong khu dân cư, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội.

Để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về môi trường, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường (BVMT), cam kết BVMT tại các doanh nghiệp và xử lý vi phạm về môi trường. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng trong việc BVMT; đồng thời yêu cầu đơn vị gây ô nhiễm khẩn trương xử lý và có giải pháp giải quyết triệt để.

Qua thực hiện chương trình thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường định kỳ của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngoài một số cơ sở bị xử phạt hành chính, mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất xử lý buộc dừng hoạt động để di dời hoặc có biện pháp khắc phục đối với 3 cơ sở: Xưởng sản xuất nông dược Phú Bài của Chi nhánh II- Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam tại phường Phú Bài (Hương Thủy); Nhà máy sản xuất cao su tái sinh của Công ty TNHH Hello Quốc tế Việt Nam tại KCN Phú Bài; Trại giống Hương Thọ của Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh tại xã Hương Thọ (Hương Trà).

Nguyên tắc xử lý các cơ sở được xác định gây ô nhiễm môi trường của tỉnh cũng khá kiên quyết. Đó là, buộc cơ sở phải dừng hoạt động sản xuất để hoàn thành các biện pháp khắc phục, bảo đảm đúng quy định về BVMT trước khi tiếp tục hoạt động; hoặc phải di dời, chấm dứt hoạt động nếu không có biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp, không đảm bảo các quy định, khoảng cách an toàn về BVMT đối với khu dân cư…

Việc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục. Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng dành nguồn lực đầu tư cho các công trình xử lý môi trường đảm bảo quy định. Về phía các cơ quan chức năng còn thiếu sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ trong công tác BVMT, thực hiện các yêu cầu về BVMT. Cán bộ quản lý về môi trường cấp cơ sở vừa thiếu nhân lực, vừa yếu về năng lực và trang thiết bị, phương tiện phù hợp để đáp ứng các yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy có xử lý vi phạm hành chính nhưng không kiểm soát việc thực hiện các biện pháp khắc phục, hoặc không có biện pháp khắc phục triệt để, xảy ra tình trạng tái phạm, kéo dài các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc với người dân và xã hội.

H. Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

Ngày 6/4, trên các trục đường giao thông của các xã, thị trấn, trên các bãi biển...ở Phú Vang, hàng trăm cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, tiến hành phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, cắt tỉa cây xanh che khuất tầm nhìn, góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh – sạch - sáng.

Phú Vang đồng loạt ra quân xử lý rác thải

TIN MỚI

Return to top