ClockThứ Tư, 13/12/2017 05:41

Tăng giá điện hơn 6%: Doanh nghiệp tìm cách ứng phó

TTH - Việc điều chỉnh tăng giá điện bình quân hơn 6% từ ngày 1/12 chắc chắn sẽ tác động đến chi phí sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN). Giải pháp đầu tư thiết bị tiết kiệm điện và tiết kiệm chi để ứng phó với giá điện tăng đang được nhiều DN triển khai.

CPI tháng 12 có thể tăng mạnh do điều chỉnh giá điệnTăng giá điện, doanh nghiệp lo tăng chi phí sản xuất kinh doanhTăng giá điện thêm gần 100 đồng/kWh từ ngày 1/12Tạm dừng thị trường phát điện cạnh tranh không ảnh hưởng giá điệnCục Điều tiết Điện lực: EVN được tự tăng giá điện là phù hợp

Nhiều thiết bị tiết kiệm điện được Công ty CP Dệt may Huế đầu tư với mục đích giảm chi phí tiền điện sau khi giá điện tăng từ ngày 1/12

Đầu tư thiết bị tiết kiệm điện

Là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may xuất khẩu với 2 nhà máy sợi, dệt nhuộm và 3 nhà máy may, trước đây mỗi tháng Công ty CP Dệt may Huế trả 5,7 tỷ đồng cho chi phí tiền điện, tương đương với 68,4 tỷ đồng/năm. Từ ngày 1/12, với mức tăng 6,08%, mỗi tháng đơn vị phải chi thêm 200 triệu đồng, nâng tổng số tiền điện mỗi tháng lên 5,9 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với đơn vị kinh doanh khi vào dịp cuối năm, công ty phải triển khai nhiều phương án cắt giảm chi tiêu, tăng lợi nhuận để chăm lo tết cho trên 4 ngàn lao động.

Phó Tổng Giám đốc công ty- ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, giá điện tăng thì chi phí sẽ tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ bị tác động. Để ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh, DN đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện, như tổ chức khảo sát quy trình vận hành máy móc để thay thế các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng, đưa ra các quy chế và hình thành thói quen tiết kiệm điện trong toàn công ty, tăng  cường tìm kiếm các đơn hàng có giá trị gia tăng cao để tăng doanh thu. DN phải tính toán cân đối, bắt buộc phải tiết kiệm các khoản chi, tránh sản xuất vào giờ cao điểm.

Theo ông Phong, để tiết kiệm điện, trong hai năm 2016 và 2017, DN đã đầu tư gần 10 tỷ đồng lắp đặt 3 máy biến tần cho 3 máy nhuộm; lắp biến tần cho 6 máy sợi con, nén khí…; đồng thời thay thế gần 3 ngàn bóng đèn điện quang bằng bóng đèn led tiết kiệm điện. Từ đầu tư này, mỗi năm DN tiết kiệm được 5,7 tỷ đồng tiền điện.

Là đơn vị bán lẻ quy mô lớn đóng trên địa bàn TP. Huế, trước đây mỗi tháng Siêu thị Co.opMart Huế trả trên 500 triệu đồng tiền điện. Từ tháng 12/2017 trở đi, đơn vị này phải trả thêm 30 triệu đồng cho chi phí tiền điện, tương đương với 360 triệu đồng/năm. Số tiền này tương đối lớn khi vào thời điểm cuối năm, DN đang triển khai giải pháp để cắt giảm chi tiêu, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các nhà bán lẻ trên địa bàn.

Giám đốc Siêu thị Co.opMart Huế-ông Lê Thanh Tú thông tin, trước mắt DN sẽ tăng giá điện đối với các cửa hàng cho thuê nằm trong khuôn viên siêu thị tương ứng với mức tăng của ngành điện. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù DN thường xuyên sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng như tủ trữ đông, hệ thống điều hòa, điện chiếu sáng, song do giá bán điện không cấu thành vào giá vốn của hàng hóa nên nếu các nhà cung cấp không tăng giá sản phẩm thì DN sẽ không tăng giá bán đối với các sản phẩm, dịch vụ tại siêu thị.

“Để bù vào chi phí tiền điện sau khi giá điện tăng, hiện DN đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút khách vào dịp cuối năm nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí với phương châm không tăng giá hàng hóa, tạo điều kiện để người dân mua sắm phục vụ Tết dương lịch và Tết cổ truyền 2018”, ông Tú khẳng định.

Siêu thị Co.opMart Huế khẳng định không tăng giá hàng hóa nếu nhà cung cấp không điều chỉnh trong thời điểm cuối năm nhằm tạo điều kiện để khách hàng mua sắm phục vụ tết

Thay đổi thói quen sử dụng

“Tăng giá điện là chủ trương chung của Chính phủ nên không còn cách nào khác là phải vận động các thành viên trong gia đình thay đổi thói quen khi sử dụng các thiết bị điện, tắt các thiết bị khi không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng như máy điều hòa, máy sưởi…, góp phần giảm gánh nặng về chi phí tiền điện”, chị Trần Thị Vui trú tại phường Trường An nói.

Chị Nguyễn Thị Minh, ở đường Hai Bà Trưng kinh doanh nhà nghỉ, nhà trọ chia sẻ, giá điện tăng thêm hơn 6% khiến mỗi tháng gia đình chị chi phí thêm khoảng 300 nghìn đồng tiền điện. Không chỉ tăng giá điện, chị Minh lo ngại khi giá điện tăng thì nhiều khả năng giá cả hàng hóa, dịch vụ khác cũng sẽ tăng theo.

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế Đồng Sĩ Tuấn, sau khi quy định về giá bán điện của Bộ Công thương có hiệu lực, DN đã gửi thông báo đến các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền với khách hàng sử dụng điện, đồng thời đăng tải các mức giá bán điện đối với từng nhóm đối tượng khách hàng, qua đó kêu gọi các đối tượng khách hàng triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí và ổn định sản xuất.

Từ ngày 1/12, giá bán lẻ điện được quy định theo nhiều mức, trong đó dành cho các ngành sản xuất dao động từ 884- 2.862 đồng/kWh tùy theo giờ sử dụng điện và cấp điện áp; khối hành chính sự nghiệp được tính từ 1.531- 1.755 đồng/kWh tùy theo từng cấp điện áp; giá bán lẻ điện cho kinh doanh được quy định từ 1.256- 4.061 đồng/kWh tùy theo giờ sử dụng điện và cấp điện áp; giá bán lẻ điện cho sinh hoạt từ 1.549- 2,701 đồng/kWh…  

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

TIN MỚI

Return to top