ClockThứ Hai, 04/04/2016 08:24

Tăng lương cho giáo viên phải song hành với chất lượng giảng dạy

Việc tăng lương cho giáo viên phải song hành với chất lượng giảng dạy. Vì vậy, các trường sư phạm phải chuyển từ đào tạo theo số lượng sang chất lượng.

Theo thống kê của các trường sư phạm trên cả nước, mỗi năm chỉ có khoảng từ 20-30% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề. Số lượng còn lại là không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giảng dạy của giáo viên vẫn còn yếu kém. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cũng như đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Để có được đội ngũ giáo viên, nhà giáo giỏi cho đất nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng lương cho họ và tạo điều kiện để sinh viên sư phạm tốt nghiệp là có việc làm ngay. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội).
 

GS.TS Đinh Quang Báo

PV: Thưa GS, việc tăng lương cho giáo viên đã được đề cập rõ trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI. Đó là lương nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Tuy nhiên, tại sao hiện nay, lương giáo viên vẫn xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp?

GS.TS Đinh Quang Báo: Hiện nay, ngân sách chi cho lĩnh vực Giáo dục là 20% so với tổng chi của ngân sách Nhà nước. Đây là tỷ lệ thể hiện sự ưu tiên hơn cho giáo dục nhưng thực tế, việc tăng lương cho nhà giáo và giáo viên lại cần một khoản chi lớn hơn như vậy.

Hiện đất nước ta còn khó khăn, còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác cũng cần được đầu tư, cần được tăng lương mà chưa thực hiện được. Đây là nguyên nhân khiến cho lương của nhà giáo hiện vẫn xếp thứ 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

Ngoài ra, trong khi các ngành khác có khoảng 5 bậc lương thì ngành Giáo dục lại có nhiều bậc hơn. Điều này cũng khiến cho việc tăng lương của giáo viên chậm lại.

PV: Thưa GS, có ý kiến cho rằng, trong khi ngân sách Nhà nước dành cho việc tăng lương chỉ có hạn thì việc tăng lương chỉ nên ưu tiên cho những giáo viên giảng dạy ở những vùng miền xa xôi, có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Đinh Quang Báo: Thực tế là Chính phủ đã có nhiều chính sách như tăng lương, phụ cấp để thu hút giáo viên lên các địa phương, vùng, miền khó khăn giảng dạy. Chính vì thế, trong những năm gần đây, nhiều giáo viên rất mong muốn lên những nơi này để làm việc nên không còn thiếu giáo viên như trước nữa.

Tôi được biết là hiện nay có nhiều giáo viên lại muốn được lên những địa phương khó khăn để giảng dạy nhưng một số nơi còn cho là phải bình xét.

Chính vì vậy, vấn đề lưu ý ở đây là không phải chúng ta thiếu giáo viên mà cần quan tâm là chất lượng giảng dạy của họ. Để làm được điều này thì các địa phương nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá xem người nào có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề thì tạo điều kiện để họ giảng dạy ở những vùng miền khó khăn.

Bên cạnh việc tăng lương, phụ cấp cho giáo viên ở vùng khó khăn thì ngành giáo dục ở các địa phương cần chú ý tới điều kiện sống tốt để họ yên tâm bám trụ với nghề.

Mặt khác, chúng ta cũng cần chú ý đến chính sách lương thỏa đáng để thu hút những người có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài về làm công tác giảng dạy. Nếu nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài về nước mà chỉ thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng thì không thể thu hút được người giỏi vào giảng viên ở các trường học.Khi Nhà nước chưa thể tăng lương đồng loạt cho giáo viên ở tất cả các vùng miền thì có thể ưu tiên cho những giáo viên giỏi công tác tại những địa phương còn khó khăn.

PV: Ngoài việc chú trọng đến lương bổng, phụ cấp cho giáo viên, chúng ta cần phải làm gì để có được đội ngũ nhà giáo giỏi chuyên môn, kỹ năng và tâm huyết với học trò trong tương lai, thưa GS?

GS.TS Đinh Quang Báo: Ngoài việc cần cải thiện mức lương cho giáo viên để họ có thể đủ sống bằng nghề thì Bộ GD-ĐT phải có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên, đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp xong là có việc làm.

Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu nâng cao chất lượng đào tạo là chính chứ không phải chạy theo số lượng. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo nguồn tuyển sinh “đầu vào” bằng nhiều cách như miễn học phí và tạo điều kiện để sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp là có việc làm ngay như sinh viên các trường quân đội, công an.

PV: Xin cảm ơn GS!

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bỏ đề xuất tăng lương nhà giáo và miễn học phí THCS

Do không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nên đề xuất tăng lương nhà giáo và miễn học phí THCS đều không được đề cập trong dự thảo luật cũng như trong tờ trình mà Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.

Bỏ đề xuất tăng lương nhà giáo và miễn học phí THCS
Bộ trưởng GD-ĐT hứa đồng hành, tăng lương cho giáo viên

Cận kề Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, nếu chỉ yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì không được…

Bộ trưởng GD-ĐT hứa đồng hành, tăng lương cho giáo viên
Return to top