ClockThứ Hai, 02/10/2017 05:31

Tăng thuế VAT: Người lao động lo lắng

TTH - Chuyện Bộ Tài chính vừa đề nghị sửa 5 luật thuế, trong đó việc kiến nghị sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) với 2 phương án là nâng thuế suất từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2018 và 14% từ tháng 11/2021 đang khiến cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động (CBCNVC-LĐ) lo lắng, vì sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

Tăng thuế VAT khiến công nhân lo lắng (ảnh mang tính minh họa)

Nỗi lo chung

Chị Đào Thị Thanh Hằng, một viên chức đang công tác ở huyện Phú Vang cho biết, gia đình chị sẽ phải thắt chặt chi tiêu nếu như Nhà nước tăng thuế, mặc dù mức lương cơ sở từ 1/7/2017 đã tăng từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Chị Mai Nguyễn Đoàn Trang, công nhân Khu công nghiệp Phú Bài cũng có suy nghĩ ấy: "Nếu sắp tới thuế VAT lại tăng thì giá nước, giá điện, giá các mặt hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng, do đó gia đình tôi bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu, vì nếu không tiết kiệm thì những lúc ốm đau, có công có việc sẽ không biết lấy tiền ở đâu ra".

Khi được hỏi về việc tăng thuế VAT, nhiều người nhận định: Nước sạch, thực phẩm tươi sống, đường... nằm trong 14 nhóm hàng đang chịu thuế  VAT 5% được Bộ Tài chính đề xuất nâng bước 1 lên nhóm chịu thuế VAT 10% và sau đó tới ngày 1/1/2019 sẽ tăng lên mức 12% cùng hầu hết các hàng hoá khác. Đề xuất này khiến cho CBCNVC-LĐ có mức thu nhập trung bình lo lắng, bởi chi phí tiêu dùng có nguy cơ leo thang theo thuế VAT.

Lo âu là chia sẻ của nhiều NLĐ mưu sinh ngoài đường phố khi được hỏi về việc tăng thuế VAT sắp tới. Anh Nguyễn Văn Phương ở xã Phú Dương (Phú Vang) tâm sự: “Tôi chạy xe thồ còn vợ bán bánh canh, nên cuộc sống hiện tại khá vất vả. Thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng phải lo cho 6 nhân khẩu trong gia đình. Trong thời gian tới nếu áp dụng tăng thuế VAT thì đời sống gia đình tôi khó khăn hơn do hàng hóa sau khi tăng thuế chắc chắn sẽ tăng giá".

Em Trần Thị Nhi, ở Quảng Trị - sinh viên Trường đại học Nông Lâm Huế bày tỏ: “Em là sinh viên sống xa nhà, số tiền gia đình chu cấp chỉ tạm đủ sống. Nếu tăng thuế, chắc chắn chủ nhà trọ cũng sẽ tăng tiền nhà, tiền điện, tiền nước, chưa kể phát sinh thêm tiền sinh hoạt hàng ngày”.

Thuế VAT tăng thì mỗi công ty hay đơn vị kinh doanh, tham gia sản xuất, chế biến hoặc vận chuyển cũng sẽ phải trả thêm thuế. Điều này đồng nghĩa với giá thành sản phẩm sẽ tăng, vì chẳng có công ty nào tiếp tục bán với giá cũ khi mà nguyên liệu thô tới tay họ đã tăng giá. Nhưng khi sản phẩm tăng giá, liệu chủ các doanh nghiệp có tăng lương, tăng chế độ cho CNLĐ và mức tăng có theo kịp mức tăng của thuế không?" -  ông Trần Hữu Cáo, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đặt câu hỏi.

Nên xem xét kỹ lưỡng

Nước sạch, dụng cụ giảng dạy, sách, thực phẩm chưa qua chế biến, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế, thực phẩm chăn nuôi, một số sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ khoa học và công nghệ, mủ cao su sơ chế, đường và các phụ phẩm, một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và nhà ở xã hội... đều đang chịu thuế VAT ở mức 5%, dự kiến mức thuế này sẽ tăng lên 10%. Thuế VAT của hầu hết các mặt hàng khác đều sẽ tăng từ 10% lên 12%. Còn các mặt hàng ở mức thuế 0% thì chẳng có ảnh hưởng mấy tới nhu cầu chi tiêu thường ngày: dịch vụ cấp tín dụng, bưu chính viễn thông... Nghĩa là những thứ nằm trong diện tăng thuế thì gần như là ai cũng sẽ dùng.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Với trách nhiệm của mình, LĐLĐ tỉnh đang có cùng nỗi lo với mọi người. Lương bình quân của CBCNVC-LĐ hiện nay còn thấp nên việc tăng thuế VAT sẽ tạo ra gánh nặng cho người tiêu dùng và đối tượng chịu nhiều áp lực nhất từ việc tăng thuế vẫn là CBCNVC-LĐ. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan nên xem xét kỹ lưỡng vấn đề tăng thuế; cần có chính sách, lộ trình tăng thuế cũng như tăng thuế như thế nào cho phù hợp với thu nhập của mọi người.

Bài, ảnh: Hào Vũ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 do UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức.

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững
Quan hệ lao động hài hòa nhờ thỏa ước

Thỏa ước lao động tập thể chất lượng không chỉ giúp người lao động (NLĐ) hưởng lợi mà còn góp phần đưa quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN) ngày càng phát triển ổn định.

Quan hệ lao động hài hòa nhờ thỏa ước
Hỗ trợ học nghề và việc làm cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn và lao động thuộc các đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp đang chiếm tỷ lệ khá cao trong tỷ lệ lao động trên toàn tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đào tạo nghề, tạo việc làm đã được thực hiện hiệu quả.

Hỗ trợ học nghề và việc làm cho lao động nông thôn
Kết nối việc làm với hơn 9.000 vị trí cần tuyển dụng

Sáng 19/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức Tháng giao dịch việc làm với chủ đề "Mùa xuân kết nối việc làm" nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, cơ sở đào tạo tuyển sinh học nghề đạt hiệu quả.

Kết nối việc làm với hơn 9 000 vị trí cần tuyển dụng

TIN MỚI

Return to top