ClockChủ Nhật, 25/11/2018 09:27

Tạo đà cho Làng Thanh niên lập nghiệp A Lưới

TTH.VN - Cấp đất sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi và lập đề án xây dựng các mô hình sản xuất cụ thể, khả thi cho các hộ ở Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới (xã Hương Phong, huyện A Lưới) là các giải pháp quan trọng được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ ra trong buổi đối thoại với cử tri huyện A Lưới hôm 24/11, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tồn tại lâu nay tại Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp này.

Làng thanh niên... khó lập nghiệpCùng thắp sáng bản làngLớp học miễn phí của “thầy giáo làng”

Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp A Lưới (gọi tắt là Làng) được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn khởi công vào tháng 9/2009, với các công trình hạ tầng cơ sở gồm hệ thống giao thông, điện nước sinh hoạt, nhà mẫu giáo, sân thể thao… cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các hộ. Theo dự án, mỗi hộ lên lập nghiệp được cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn (trong đó 500m2 đất ở), 20 triệu đồng hỗ trợ di dân tái định cư, 2ha đất rừng để sản xuất, 5 triệu đồng tiền cây, con giống…  

Đến năm 2013, sau hai đợt tiếp nhận các hộ đến bố trí lập làng, làng được bàn giao cho xã Hương Phong, huyện A Lưới với tổng số 45 hộ. Mặc dù đã định cư nhiều năm nay, song khó khăn trong đời sống của các hộ thanh niên ở đây về đất sản xuất, vốn đầu tư và việc làm vẫn tồn tại dai dẳng.

Thiếu đất sản xuất là tình trạng chung của các hộ ở làng thanh niên lập nghiệp

Theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, dự án cam kết cấp cho mỗi hộ lên lập nghiệp 2ha đất rừng sản xuất, nhưng tính đến nay, chỉ có 26 hộ được cấp diện tích đất sản xuất 2 ha, 4 hộ được cấp 1,6 ha,  2 hộ được cấp 0,9 ha và 13 hộ được cấp 0,7 ha. Như vậy, theo định mức Dự án phê duyệt về giao đất sản xuất cho các hộ dân tại làng (tối thiểu 2 ha/hộ), thì diện tích đất sản xuất giao cho các hộ còn thiếu là 20,7 ha. Do tình trạng thiếu đất sản xuất, đất đai nghèo kiệt và khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nên hiện tại, làng chỉ còn 29 hộ đang định cư ổn định, số hộ vắng mặt, không ở và cắt khẩu là 16 hộ.

Lý giải thêm về những khó khăn, vướng mắc ở đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Nguyễn Duy Cường nói rằng: Hầu hết các hộ ở đây đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, kể cả các hộ đầu tiên đến lập làng từ năm 2011. Bởi, nếu tính các khoản kinh phí tiền sử dụng đất ở và lệ phí trước bạ, mỗi hộ phải đóng 30- 40 triệu đồng. Đây là điều “quá tải” đối với các hộ thanh niên, khi mà họ vừa mới lên lập nghiệp.

Anh Hồ Văn Lân, một hộ thanh niên trong Làng, cho biết: “Thanh niên lên vùng đất mới lập nghiệp phần lớn có hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nên không có điều kiện thế chấp vay vốn đầu tư phát triển kinh tế”.

Các hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp nêu những khó khăn tồn tại trong buổi tiếp xúc

Chị Hồ Thị Hạnh, hộ lên định cư từ năm 2011 bức xúc: Sau khi biết làng tuyển chọn các hộ thanh niên xung kích đến lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, vợ chồng liền đăng ký, quyết định đi khai phá vùng đất mới. Tuy nhiên lên đây tình trạng thiếu đất canh tác, sản xuất gặp nhiều khó khăn do đất đai bạc màu và thiếu vốn đầu tư… là tình cảnh chung. Hầu hết các gia đình trong làng đều thiếu việc làm, đàn ông chủ yếu đi chặt cây thuê cho các chủ rừng và đi phụ thợ nề, còn chị em phụ nữ đa số ở nhà làm vườn và chăm con nhỏ, do họ không có sổ đỏ thế chấp vay vốn đầu tư vào sản xuất…

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đây là dự án không phải của Chính phủ, nên các hộ nằm trong dự án này không thuộc đối tượng được miễn giảm tiền sử dụng đất, hơn nữa xã Hương Phong đã đạt chuẩn nông thôn mới, không phải vùng đặc biệt khó khăn. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị để thực hiện đảm bảo quyền lợi cho các hộ, bởi đây là dự án ở vùng biên giới, nhưng vấn đề này đến nay vẫn còn nan giải.

Không có điều kiện thế chấp vay vốn, đất rừng chậm được cấp, nên đến nay diện tích cây keo tràm của nhiều hộ trong làng mới được 2 năm tuổi. Thu nhập của các hộ chủ yếu dựa vào chăn nuôi, cây trồng trong vườn và đi phụ thợ nề, phát rừng thuê… Các hộ được cấp 2ha đất rừng trước đó cũng gặp nhiều khó khăn do đất đai cằn cỗi, chi phí sản xuất phải tăng gấp đôi do lượng phân bón và ngày công lao động tăng lên. Chị Nguyễn Thị Hiền, hộ thuộc diện lên lập làng đầu tiên, bộc bạch: “2 ha đất rừng em tiến hành trồng tràm, nhưng do đất bạc màu, lại thiếu vốn đầu tư nên cây phát triển rất kém. Không có khả năng chăm sóc em đành để vậy, dành thời gian đi làm thuê kiếm tiền sinh hoạt”.

Khó khăn chung của các hộ ở đây là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, thiếu đất sản xuất, vốn đầu tư và thiếu việc làm. Khi lên lập nghiệp, tuy mỗi hộ được Ban quản lý dự án phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tín chấp cho vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng số vốn đó không thấm vào đâu đối với các gia đình lên lập nghiệp ở vùng khó khăn, khu vực biên giới. Thiếu vốn, hầu hết các hộ ở đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan mổ xẻ các giải pháp thực hiện chính sách tại Làng Thanh niên lập nghiệp 

Tại buổi làm việc, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã mổ xẻ những bất cập tồn tại, đưa ra nhiều giải pháp mang tính khả thi nhằm tạo đà cho Làng thanh niên lập nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng tinh thần của dự án. Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đối với số diện tích đất rừng chưa cấp đủ cho các hộ, sau khi hoàn tất các thủ tục thu hồi 35ha từ Công ty CP Giống cây trồng vật nuôi tỉnh, sở sẽ phối hợp với huyện A Lưới tiến hành cấp tiếp diện tích sản xuất phù hợp cho các gia đình. Riêng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, sẽ thay đổi hạn mức đất ở xuống 100m2, số còn lại là đất vườn để giảm chi phí tiền sử dụng đất xuống thấp và tạo điều kiện ghi nợ tiền sử dụng đất, giúp bà con trả dần nhằm giảm bớt khó khăn.

Nhiều ý kiến của các ngành liên quan cho rằng, làng bây giờ là một bộ phận của địa phương, tất cả các chính sách, các chương trình của địa phương đều hướng sự ưu tiên đến các hộ trong làng. Nhất là địa phương cần sớm hoàn tất hồ sơ cấp quyền sử dụng đất rừng cho các hộ để họ yên tâm sản xuất và có tài sản thế chấp vay thêm nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao các kỹ thuật cho bà con sau khi huyện đã có đề án xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp cho các hộ dân nơi đây, để tạo thêm việc làm giúp các hộ tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Chia sẻ với những khó khăn của các hộ thanh niên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ bày tỏ đồng cảm: “Từ những kiến nghị, ý kiến, chúng ta đã nhìn nhận được bức tranh tổng thể của Làng Thanh niên lập nghiệp. Do thiếu kinh nghiệm, nhiều vấn đề khó khăn về vị trí, địa điểm, nên quá trình triển khai và kế thúc dự án có nhiều tồn tại phức tạp. Tôi chia sẻ với những khó khăn của bà con, anh chị em đang sinh sống ở Làng thanh niên lập nghiệp”. 

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý, chúng ta khẳng định mô hình làng thành niên lập nghiệp là mục tiêu quy tụ những thanh niên có ý chí lập thân, lập nghiệp, không phải khu vực tái định cư bình thường. Đề nghị anh chị em đang sinh sống ở đây cùng thống nhất quan điểm này. Phải có ý chi vươn lên, tự lập cánh sinh, để khi đến định cư mình biết phải làm gì để lập nghiệp, lập thân nơi làng mới.

Chỉ đạo đối với huyện A Lưới và các ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các sở, ngành và lãnh đạo huyện Á Lưới phải thực hiện hoàn chỉnh dự án này. Giao cho UBND huyện rà soát lại các chính sách, điều kiện hạ tầng, an sinh, thu nhập của bà con hằng ngày… Ưu tiên cho số hộ đã ổn định lập nghiệp nhưng điều kiện sản xuất đang khó khăn. Phải tìm giải pháp để 29 hộ hiện tại có đủ 2ha đất rừng cho mỗi hộ; giảm hạn mức đất ở để thuận lợi hơn trong việc cấp quyền sử dụng đất. Đặc biệt, số diện tích cấp này chỉ phục vụ đời sống cho bà con, không được chuyển nhượng, mua bán. UBND huyện lập đề án phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, khả thi cho bà con, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí để mô hình đảm bảo cụ thể, hiệu quả đối với từng hộ dân. Tuy nhiên, cần thống nhất bao nhiêu hộ trong làng thanh niên lập nghiệp, số hộ từ chối không được tái bố trí sau khi đã bổ sung chính sách. Bởi đó không phải là đối tượng của làng thanh niên lập nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng mong rằng, địa phương và các ngành chức năng quan tâm đảm bảo việc học hành của con em ở làng thanh niên lập nghiệp, kết hợp các nguồn từ chương trình nông thôn mới để hỗ trợ bà con xây dựng cuộc sống mới sung túc hơn, đảm bảo đúng mục đích phát huy vai trò của thanh niên xung kích lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng biên giới.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Return to top