ClockThứ Hai, 19/03/2018 05:30

Tập kết gia súc ở KQH Hương Sơ gây ô nhiễm

TTH - Nước thải không qua xử lý mà xả thẳng ra cống nước thải sinh hoạt khu quy hoạch (KQH); chất thải không được thu gom; gia súc thả rong, không có ai quản lý, nên phân chỗ nào cũng có dẫn đến mùi xú uế rất khó chịu… Người dân tại KQH dân cư Hương Sơ thuộc phường An Hòa, TP. Huế phản ánh.

Rác chất đống trên TL19 qua phường Hương Sơ

Không những gây lộn xộn, đàn bò còn phóng uế gây mất vệ sinh môi trường

Dân phản ánh có lò mổ, chính quyền bảo không

Theo người dân, KQH Hương Sơ là điểm quy hoạch khu dân cư. Sau khi quy hoạch, Nhà nước tổ chức bán đấu giá đất, với mục đích để người dân mua xây dựng nhà ở. Từ đó đến nay, KQH này đã có nhiều hộ đến làm nhà ở. Vì vậy, để tồn tại một lò mổ ở đây là điều không thể chấp nhận được.

Theo người dân, lò mổ là của vợ chồng ông Đồng, bà Hon; chủ yếu là mổ bò. “Ông Đồng mua hai lô đất liền kề tại KQH Hương Sơ. Một lô ông dùng để xây nhà, lô còn lại ông dùng để xây lò mổ. Lò mổ này tồn tại đã lâu và gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống người dân chúng tôi”, một người dân bức xúc.

“Mỗi lần ông Đồng đem bò về thả ở KQH rất nhiều, có lúc lên đến vài chục con. Do không có ai chăn, nên bò đi lang thang, phóng uế bừa bãi, dân chúng tôi bức xúc lắm. KQH là nơi để người dân làm nhà ở, chứ đâu phải nơi để bò đi lang thang rồi phóng uế lung tung được”, một người dân khác cho biết.

Thời điểm chúng tôi đến, nhà ông Đồng đóng cửa, không có ai. Gần đó, một đàn bò vài chục con đứng, nằm, đi lại trên một thửa đất ở KQH. Trên một số tuyến đường, vỉa hè, trước mặt nhà của một số hộ dân sinh sống tại KQH có rải rác phân bò...

Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Hòa khẳng định: “KQH Hương Sơ thuộc phường An Hòa làm gì có lò mổ”. Sau khi khẳng định như vậy, ông Tuấn đã cử ông Nguyễn Thúc Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường An Hòa làm việc với chúng tôi.

“Ông Đồng họ và tên đầy đủ là Trần Viết Đồng, có nhà ở tổ 7, khu vực 3, KHQ Hương Sơ thuộc phường An Hoà, nhưng hộ khẩu thường trú lại ở phường Phú Thuận. Như những gì chúng tôi kiểm tra, ông Đồng làm nghề buôn bò, nên thường tập kết bò trước khi trung chuyển đi nơi khác. Thời gian đợi trung chuyển, ông Đồng có tập kết bò tại KQH. Để quản lý đàn bò, ông Đồng thuê khoảng 10 người làm công cho mình. Việc ông Đồng và những người làm để đàn bò, mà trước đây là trâu gây ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự đô thị là có”, ông Toàn khẳng định. 

Cần xử lý dứt điểm

Về những nội dung người dân phản ánh, ông Toàn cho rằng: “Trên địa bàn phường An Hòa không có quy hoạch lò mổ tập trung. Nếu như có lò mổ và nếu có mổ bò đều là mổ chui. Trước đó, chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào mổ bò cả. Chúng tôi kiểm tra, kể cả lực lượng công an khi kiểm tra chỉ phát hiện ông Đồng thui bò, chứ không thấy mổ bò. Người dân nào phát hiện ông Đồng mổ bò chui thì báo ngay với chính quyền địa phương để xử lý”.

Liên quan đến vấn đề để bò thả rông, phóng uế bừa bãi, chính quyền địa phương đã mời ông Đồng lên làm việc nhiều lần, nhưng chỉ một lần duy nhất ông Đồng đến làm việc và ký cam kết không để bò thả rông, gây ảnh hưởng đến môi trường, tài sản của người dân trong và gần KQH. Những lần còn lại, đều là người của ông Đồng đến làm việc với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

“Hiện nay, tại KQH Hương Sơ thuộc phường An Hòa chỉ có hộ ông Trần Viết Đồng đã và đang chăn nuôi, tập kết gia súc, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự đô thị”, ông Nguyễn Minh, Tổ trưởng Tổ đô thị phường An Hòa cho biết.

Được biết, trước những vi phạm của ông Đồng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP. Huế cũng đã xử phạt số tiền 7 triệu đồng.

Để chấm dứt tình trạng này, UBND phường An Hòa cần bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra; nếu phát hiện hộ ông Đồng còn thả rông bò trong KQH hay lén lút giết mổ thì phải xử lý nghiêm; đồng thời, tìm địa điểm thích hợp để yêu cầu ông Đồng thuê và thực hiện việc chăn thả gia súc, giết mổ đúng quy định.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị
Return to top