ClockThứ Ba, 17/10/2017 05:55
NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:

Tập trung ở vốn đối ứng

TTH - Từ 80 tỷ đồng đến cuối năm 2016, đến nay, nợ đọng xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh chỉ còn khoảng 23 tỷ đồng.

Vốn đối ứng 15-30% 

Xác định người dân chính là chủ thể, hưởng lợi trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQGXDNTM), quá trình triển khai xây dựng các công trình NTM đều có sự tham gia, đóng góp vật chất và ngày công lao động và một phần ngân sách của địa phương.

Tuy nhiên, do nguồn lực của các địa phương có hạn nên việc đọng nợ xây dựng các công trình là điều khó tránh khỏi. Theo quy định của Trung ương, nguồn kinh phí xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... được ngân sách nhà nước cấp 70%, còn lại 30% là vốn đối ứng của địa phương; riêng đối với các xã nghèo, bãi ngang quy định vốn đối ứng chỉ 15%.

Qua tìm hiểu tại các địa phương, nguyên nhân nợ đọng xây dựng NTM đều tập trung vào nguồn vốn đối ứng, trong khi các xã không có sẵn ngân sách để đầu tư xây dựng công trình. Các công trình có vốn đối ứng 30% thì nợ đọng cao, còn 15% thì nợ thấp hơn và tùy thuộc vào giá trị của các công trình.

“Hầu hết các công trình nhỏ có nguồn kinh phí đầu tư thấp do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó dân hiến đất, hiến cây và ngày công được xem là vốn đối ứng nên không bị nợ. Những công trình lớn có giá trị 500 triệu đồng trở lên thì ngoài đóng góp vật chất và công sức của người dân còn phải có vốn đối ứng của địa phương”, ông Hồ Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền) nói.

Quảng Lợi thuộc xã nghèo nên vốn đối ứng chỉ 15% đối với các công trình giao thông nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng và 10% đối với các công trình giao thông nội đồng. Nhờ vốn đối ứng thấp, một phần người dân, chính quyền địa phương chủ động đầu tư nên từ khi xây dựng NTM đến nay, xã Quảng Lợi chỉ nợ trên 2 tỷ đồng, hoàn toàn nằm trong khả năng trả của địa phương.

Không thuộc diện xã nghèo, hay bãi ngang ven biển nên quá trình xây dựng các công trình NTM, xã Quảng Thành (Quảng Điền) phải có vốn đối ứng 30%. Số nợ đọng xây dựng NTM của xã Quảng Thành cách đây một năm lên đến 4,5 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng các công trình giao thông lớn, nhà văn hóa xã, trụ sở làm việc.

Ông Trần Bá Hiệp, Trưởng phòng Tài chính huyện Quảng Điền nhận định, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều nợ đọng xây dựng NTM. Với các xã nghèo như Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Phước... thì vốn đối ứng chỉ 15% nên nợ ít, còn các xã có vốn đối ứng cao như Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Vinh... đều nợ từ 4 tỷ đồng trở lên.

Trong khả năng hoàn trả

Theo ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, nguồn vốn đối ứng 30% để xây dựng các công trình là tương đối cao so với khả năng của các địa phương. Các cấp, ngành cần tính toán, có biện pháp giảm nguồn vốn đối ứng xuống còn 10-15% nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Để hạn chế, tránh nợ đọng, các địa phương đổi mới phương thức xây dựng các công trình. Nhà nước bố trí vốn bao nhiêu sẽ xây dựng bấy nhiêu, phần đối ứng của địa phương và Nhân dân lúc nào huy động đủ mới tiến hành xây dựng hoàn thiện.

Sau khi xây dựng hoàn thành các công trình, các địa phương tiến hành phương án hoàn trả nợ đọng NTM. Nguồn lực để trả nợ đều phụ thuộc vào việc quy hoạch, phân lô, bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Một phần UBND huyện Quảng Điền sử dụng, ưu tiên các nguồn có được, kể cả ngân sách nhà nước để tập trung xử lý nợ đọng cho các địa phương. Chính nhờ từ nguồn này mà đến nay các địa phương đã cơ bản trả xong nợ.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin, từ tổng nợ 4,5 tỷ đồng đến nay Quảng Thành chỉ còn nợ gần 2,4 tỷ đồng và theo kế hoạch trong năm 2017, xã tiếp tục trả trên 1,7 tỷ đồng, như vậy chỉ còn chừng 700 triệu đồng. Xã Quảng Phú thuộc diện nợ khá cao đến 4,5 tỷ đồng cũng chỉ còn khoảng 740 triệu đồng. Tại một số xã như Quảng Công không nợ, Quảng Ngạn chỉ còn nợ 785 triệu đồng...

Từ khi triển khai xây dựng NTM, tỉnh và các huyện có cơ chế, chính sách cho tạm ứng vật liệu, kinh phí, xi măng để xây dựng các công trình, bê tông hóa giao thông nông thôn, giao thông nội đồng... Cơ chế này giúp các địa phương có được những công trình phục vụ dân sinh, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, song cũng là nguyên nhân dẫn đến nợ đọng.

Ông Phạm Quyền, Phó Chánh văn phòng CTMTQGXDNTM tỉnh cho rằng, chuyện nợ đọng NTM là khó tránh khỏi, quan trọng là nhiều hay ít và nằm trong khả năng hoàn trả của các địa phương. Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, toàn tỉnh đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình, nhưng số nợ đọng chỉ chưa đầy 90 tỷ đồng là điều đáng mừng.

Hầu hết các địa phương chỉ còn nợ dưới 1 tỷ đồng, tập trung ở huyện Quảng Điền. Phần lớn các địa phương tại các huyện, thị xã khác chỉ nợ vài trăm triệu đồng, hoặc đã hết nợ. Nguồn kinh phí trả nợ chủ yếu do ngân sách các xã thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất và một phần ngân sách sách nhà nước cấp (trong hai năm 2016, 2017) là 26 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hoàng THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Return to top