ClockChủ Nhật, 02/09/2018 07:31

Tất cả vì bệnh nhi

TTH.VN - Không phải chuyên gia y tế nhưng một phụ nữ xứ hoa anh đào đã từ bỏ tất cả để đến Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) chăm lo cho hàng trăm trẻ em mắc bệnh ung thư gần 20 năm qua. Chị là Kazuyo Watanabe, hiện là Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á.

Hồi sinh những trái timCập nhật kiến thức mới trong điều trị ung thư đa chuyên khoa30 báo cáo tại hội nghị khoa học mở rộng của Bệnh viện Trung ương HuếGhép tim thành công cho bệnh nhân suy tim độ 4

Nhân dịp chị tham dự Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế-2018, khánh thành Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc tại BVTW Huế do chị vận động kinh phí xây dựng, phóng viên Báo Thiên Huế gặp gỡ, trao đổi với người phụ nữ Nhật Bản giàu lòng nhân ái này.

Chị Kazuyo Watanabe 

Lý do nào khiến chị bén duyên với trẻ em mắc ung thư đang điều trị tại BV TW Huế?

Năm 1996, trong chuyến sang du lịch Việt Nam và không ngờ khi đến Huế, tôi nặng lòng với những cuộc đời trẻ thơ nghèo khó mắc bệnh ung thư. Nhiều trường hợp đang điều trị trong hoàn cảnh thiếu thốn phải xa rời cuộc đời khi tuổi còn quá nhỏ làm trái tim tôi buốt nhói. Tôi nghĩ rằng, cần phải làm gì đó để giúp các em vượt qua khó khăn này.

Cụ thể, chị có thể chia sẻ những việc mình đã làm để giúp các bé?

Khi chứng kiến những hoàn cảnh ốm đau bệnh tật tại Trung tâm Nhi, tôi đã rời bỏ công việc đang làm và thành lập dự án mang tên “Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á” (trụ sở tại Nhật Bản, do bản thân làm chủ tịch) để vận động kêu gọi các nguồn nhằm hỗ trợ trang thiết bị y tế, tiền bạc cho các em mắc bệnh ung thư điều trị tại BVTW Huế. Từ năm 2005 đến nay, ngoài việc kêu gọi vận động quỹ ở Nhật Bản, mỗi năm 4 lần, tôi rời Tokyo đến Huế lưu trú khoảng 2-3 tuần lễ mỗi đợt để thăm viếng, phối hợp với các y, bác sĩ chăm sóc cho các em mắc bệnh ung thư điều trị tại Trung tâm Nhi khoa. Mục tiêu của tôi là giúp giảm thiểu tỷ lệ bỏ điều trị, góp phần nâng cao tỷ lệ sống cho trẻ em mắc căn bệnh hiểm nghèo tại Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Bên cạnh hỗ trợ trang thiết bị y tế, tôi còn hỗ trợ gia đình các em mắc ung thư tiền tàu xe, ăn uống, sinh hoạt đi lại và tạo dựng "Ngôi nhà hy vọng" cho phụ huynh có nơi lưu trú để thuận lợi chăm sóc các em đang điều trị bệnh tại Trung tâm Nhi khoa.

Chị nói đến "Ngôi nhà hy vọng", nó có ý nghĩa như thế nào?

"Ngôi nhà hy vọng” ra đời vào tháng 1/2016 theo mô hình của Nhật Bản để hỗ trợ quá trình điều trị cho các bệnh nhi ung thư. Chúng tôi thuê một ngôi nhà với không gian rộng, ở đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Huế trang bị đầy đủ thiết bị đồ dùng sinh hoạt để đón hàng chục phụ huynh ở xa đến nghỉ ngơi, nấu các bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cho các cháu. "Ngôi nhà hy vọng" đúng nghĩa là một mái ấm thật sự, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và tràn ngập tình yêu thương như chính ngôi nhà của họ.

Chị Kazuyo Watanabe (giữa) quan tâm chia sẻ hoàn cảnh trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Kim Hoa

"Ngôi nhà hy vọng" là nghĩa cử mà chị tạo lập được đánh giá có ý nghĩa thiết thực giúp nhiều gia đình có con em mắc bệnh ung thư giảm áp lực khó khăn về kinh tế khi điều trị bệnh tật. Để duy trì "ngôi nhà hy vọng" này, chị có gặp khó khăn gì?

Chúng tôi quyết tâm để "ngôi nhà hy vọng" tồn tại. Để làm được điều đó, chúng tôi phải nỗ lực vận động nhiều tổ chức, kêu gọi quỹ, kể những câu chuyện về mảnh đời, hoàn cảnh các em đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo cho những mạnh thường quân ở Nhật Bản lẫn Việt Nam. Qua đây tôi cảm ơn các cơ quan truyền thông đã chung tay, chia sẻ những câu chuyện đến với cộng đồng. Từ đó, giúp tôi có nhiều cơ hội, mang nhiều niềm vui, nụ cười đến cho các trẻ đang mắc bệnh ung thư hướng đến ngày mai tươi sáng hơn.

Trước tấm lòng của chị, nhiều phụ huynh trìu mến gọi “mẹ Nhật”, “người mẹ xuyên biên giới” hay “người mẹ thứ hai của bệnh nhi ung thư”, chị nghĩ sao về những tên gọi này?

Thật cảm ơn tình cảm mà mọi người đã dành cho tôi. Tôi đến đây với ước nguyện dành tất cả tâm huyết của mình trao cho các cháu bệnh nhi ung thư. Tôi muốn chia sẻ cảm xúc, đồng cảm với những người mẹ, người cha có con đang điều trị vượt qua những khó khăn. Tôi không muốn họ cảm thấy đơn độc, mà muốn tất cả phụ huynh và các bệnh nhi đang điều trị ở đây như một gia đình, luôn yêu thương, đoàn kết, sẻ chia.

Trong hành trình giúp đỡ bệnh nhi ung thư ở Huế, câu chuyện nào khiến chị nhớ mãi?

Tất cả hình ảnh về các em đều nằm trong đầu tôi. Tôi rất hạnh phúc khi thấy nhiều cháu được điều trị khỏi hẳn bệnh, về nhà đi học bình thường rồi trưởng thành vào học đại học, có cháu lập gia đình và sinh con. Bên cạnh đó, tôi luôn day dứt chứng kiến nhiều đứa trẻ kém may mắn đã rời bỏ cuộc đời này khá sớm. Những cám cảnh ấy cứ ám ảnh, thúc giục tôi tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức mạnh thường quân làm sao để góp phần hỗ trợ điều trị cho các em sớm lành bệnh. Minh chứng là mới đây chúng tôi kêu gọi các tổ chức cá nhân tiếp tục hỗ trợ BVTW Huế xây dựng Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc tại tầng 5, Trung tâm Nhi khoa nhằm mở ra cơ hội mới trong điều trị, nâng tỷ lệ sống cho trẻ mắc bệnh ung thư ngày càng cao.

Cắt băng khánh thành đưa vào hoạt động đơn vị ghép tế bào gốc tại Trung tâm Nhi khoa, BVTW Huế

Xin chị cho biết vài thông tin về Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc này?

Khoa này được đầu tư xây dựng với tiêu chuẩn hiện đại nhất Đông Nam Á từ nguồn kinh phí mà chúng tôi vận động hơn 8 tỷ đồng. Công trình được BV Đại học Nagoya, Nhật Bản trực tiếp tư vấn chuyên môn và giám sát thi công xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 5 tỷ đồng và 3 tỷ còn lại đầu tư trang thiết bị máy móc, nội thất vui chơi giải trí cho các cháu... Khoa này được khánh thành, đưa vào hoạt động ngày 31/8 vừa qua, nhân Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế-2018. Đây cũng là hoạt đôngj thiết thực, chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt-Nhật.

Thời gian đến chị còn ấp ủ, kế hoạch gì cho các cháu...

Tôi rất vui, hạnh phúc khi mong ước của mình từ lâu đã hiện thực, đó là Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc tại BVTW Huế ra đời. Tôi tiếp tục đồng hành quan tâm, hỗ trợ cho các cháu đã, đang điều trị bệnh tại Trung tâm Nhi khoa. Trước mắt tôi sẽ mời các chuyên gia hỗ trợ cho công việc ghép tủy ban đầu, hỗ trợ đào tạo cho các y, bác sĩ ở khoa nâng cao trình độ chuyên môn triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị mới cho các cháu.

Còn nếu những ngày đến, nếu tôi không còn đủ sức khỏe để quay lại Huế cũng mong rằng mọi hoạt động ở Khoa Ung thư Nhi và Đơn vị ghép tế bào gốc tại BVTW Huế vẫn duy trì và diễn ra bình thường. Bởi vì, nền tảng của chúng tôi đã đóng góp, đã xây dựng được một "gia đình" cho bệnh nhi ung thư ngay ở BV. Trên cơ sở đó, mọi người sẽ giúp đỡ, bao bọc, yêu thương, san sẻ cùng nhau để vượt qua mọi khó khăn. Qua đây, tôi tin rằng nhiều người biết đến các bệnh nhi ung thư, biết đến đơn vị ghép tủy, biết đến "nhà hy vọng". Mọi người cần thay đổi cách nhìn mới về căn bệnh ung thư trẻ em- căn bệnh hoàn toàn có thể chữa lành nếu được điều trị đầy đủ, tốt nhất.

Xin cảm ơn chị và chúc chị tiếp tục gắn bó với những hoạt động ý nghĩa dành cho bệnh nhi!

Theo Trung tâm Nhi khoa, BVTW Huế, kể từ ngày có quan tâm hỗ trợ của chị Kazuyo Watanabe, số trẻ bỏ điều trị thấp dần theo từng ngày. Hiện tại, chỉ còn 5-7% trẻ em mắc ung thư bỏ điều trị so với ban đầu lên 80%. Tỷ lệ các em mắc ung thư  điều trị  kéo dài và không gặp sự cố trên 5 năm là 50% và tỷ lệ trẻ em ung thư được điều trị sống còn chung hơn 70%.

 

Minh Văn (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục
Những phụ nữ nước ngoài nhận Huế làm ngôi nhà thứ hai

Tâm huyết, cống hiến và sẻ chia là những điều mà mỗi người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế luôn mong muốn thực hiện để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, qua đó tạo nên một môi trường sống tốt đẹp hơn. 2 người phụ nữ người nước ngoài vừa được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” là những điển hình.

Những phụ nữ nước ngoài nhận Huế làm ngôi nhà thứ hai
Return to top