ClockThứ Tư, 26/04/2017 14:56

Tên gọi của khát vọng

TTH.VN - Trong lịch sử phát triển của Thừa Thiên Huế, có rất nhiều tên gọi mới gắn liền với chiến thắng 1975. Đó là Phú Vinh (A Lưới), Hương Bình (Hương Trà), Phong Xuân (Phong Điền), Phú Sơn (Hương Thủy), Lộc Bình, Xuân Lộc, hay Lộc Hòa (Phú Lộc)…

Đặc điểm chung của những vùng đất mang tên gọi mới này đều có hành trình được mở đầu từ sau ngày giải phóng quê hương với các phong trào giãn dân và xây dựng kinh tế mới của Đảng bộ Thừa Thiên Huế.

Quê ở Thủy Phương, tôi bắt đầu biết đến sự ác liệt của chiến tranh vào những năm tháng cuối cùng với những tiếng nổ đì đùng không ngơi nghỉ ở vùng núi phía tây và tâm trạng đầy lo sợ của những người lính Việt Nam cộng hòa lúc đó mà tôi có dịp tiếp xúc khi nhắc đến những địa danh như Đồng Lâm, Barton, động Hoàng hay Mỏ Tàu. Thế rồi, ngay trong những năm đầu hòa bình lập lại cũng là lúc những người hàng xóm đầu tiên của xóm Chùa quê tôi đi vào phía núi. Ban đầu họ đi củi, hái sim... kiếm sống qua ngày. Sau đó đi khai hoang với những chuyến đi kéo dài 5 - 6 hôm để trồng sắn, trồng khoai. Cuối cùng là chia tay xóm cũ để đến với vùng đất mới. Cũng từ đó, tôi biết tới nhiều hơn xóm Cầu, khe Lụ hay Mỏ Tàu. Và rồi, năm 1981, xã Phú Sơn mới ra đời.

Cầu Khe Dài ở Lộc Hòa (Phú Lộc)

Trong những câu chuyện kể, tôi đã thấm thía về những ngày đầu gian khổ của bao cư dân đến từ các vùng xung quanh như Thủy Phương, Thủy Phù và Thủy Tân trên vùng đất này. Cái chết của bom đạn luôn rình rập dưới từng nhát cuốc. Dịch bệnh hoành hành. Còn nữa, chuyện mưu sinh mới vất vả làm sao. Làm ra củ sắn, củ khoai, người dân ở đây phải gồng gánh đi xa hàng chục cây số, vượt qua bao đồi cao và dốc thẳm để đem sản phẩm ra tận các chợ Dạ Lê, Thần Phù hay Phù Bài đổi lấy dăm ba nghìn đồng lấy tiền đong gạo và trang trải các nhu cầu trong cuộc sống. Cái tên “Phú Sơn” do vậy vừa có ý nghĩa là vùng đất Hương Phú (thời nhập Phú Vang và Hương Thủy) ở vùng rừng núi (Sơn), đặc biệt vừa mang ý nghĩa về khát vọng xây dựng vùng núi rừng quê hương giàu có.  

Nếu Phú Sơn và nhiều vùng đất mới ở A Lưới hay Nam Đông chủ yếu là sự bắt đầu thì với Lộc Hòa đó là sự trở lại quê xưa. Nơi đầu nguồn sông Truồi, hàng trăm năm trước đã hình thành nên những làng quê An Hà, Phú Sơn, La Khê. Tôi đã có dịp tìm hiểu về những làng quê này và bị mê hoặc bởi những câu chuyện xưa đầy huyền thoại. Ví như làng Phú Sơn là quà tặng của vua Minh Mạng dành cho một vị hoàng tử yêu dấu của mình, làng La Khê là sự tưởng thưởng của triều đình Huế dành cho công lao của một vị danh y họ Lê nổi tiếng, hay An Hà gắn với công lao của ông quan Thượng thư Trần Đình Túc sinh sống ở làng Bàn Môn, xã Lộc An. Bom đạn ác liệt của chiến tranh đã đem lại chết chóc và sự ly tán của hầu như toàn bộ các gia đình ở đây. Ngày chiến tranh kết thúc cũng là lúc người dân An Hà, Phú Sơn, La Khê trở lại mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”. So với trước đó, lần này đông đúc hơn bởi họ có thêm những người bạn khát khao xây dựng cuộc sống mới đến từ những vùng quê lân cận. Xã mới ra đời vào năm 1986 và cái tên “Lộc Hòa” thể hiện ước vọng yên bình của người dân vùng đất thượng nguồn sông Truồi.  

Có dịp đi về nhiều vùng đất mới với những xã, làng ra đời sau ngày giải phóng, tôi đã cảm nhận được sự đổi thay mang tính cách mạng và đổi đời. Những con đường nhựa thênh thang hay bê tông được mở ra không làm xa cách và cô lập những vùng đất này nữa như năm nào. Điện về làm thay đổi cuộc sống với nhiều cơ sở sản xuất hay dịch vụ ra đời và xóm làng ngày một tươi vui. Mô hình kinh tế đa dạng từ trồng rừng đến nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn thu nhập đa dạng cho người dân quê. Nhiều thiết chế văn hóa mới cũng được xây dựng giúp các vùng quê bừng lên một sắc xuân mới. Tất cả như sự níu kéo, mời gọi giúp bao gia đình định canh định cư và thật sự yên tâm gắn bó với vùng quê mới.

Nhớ vào năm 1976, mẹ con tôi có cuộc tiễn đưa gia đình một người dì đi kinh tế mới ở vùng khe Lụ thuộc xã Phú Sơn hiện nay. Đó là thời điểm đầy khó khăn. Gia đình dì lúc đó có 6 miệng ăn và thuộc diện đói triền miên trong xóm. Có lần đi học về, tôi thấy dì ngồi khóc ở nhà mình. Hỏi ra mới hay đã mấy hôm rồi gia đình dì hết gạo mà không thể xoay xở được nên kiên quyết “túm áo” mẹ tôi xin mượn vài ba lon chống đói. Tôi hay chuyện, cả mấy tháng rồi gia đình rơi vào tình cảnh có bữa hôm lo bữa mai. Mấy anh chị phải thường xuyên bụng đói đến trường. Tôi nhớ hoài, đây cũng là gia đình có "sáng kiến" lừa cái bụng đói bằng ăn ớt thật cay để rồi uống nước thật nhiều (!). Buổi sáng lên đường, cả nhà gồng gánh trông thật thương đau. Được biết, cuộc sống ở vùng kinh tế mới lúc đầu cũng đầy những khó khăn nhưng sau đó dần dần ổn định. Chăm chỉ làm ăn, mẹ con dì tậu được vườn, xây được nhà khang trang. Con cái lớn lên cũng có công việc làm ổn định, người ở tại chỗ kẻ đi làm ăn nơi xa, riêng dì nay ngoài 80 tuổi đã có được những tháng ngày tuổi già an nhàn và yên ả.

Đặt tên cho con hay cho cả một vùng đất mới, người Việt mình thường có thói quen gửi gắm tình cảm và khát vọng. Thời điểm sau 1975 đó là hòa bình, thống nhất và sự hồi sinh, vươn lên của những vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Sau này lên Phú Sơn, tôi nhiều lần tìm cách trèo lên ngọn núi Mỏ Tàu hay đến các vùng khe Su, độn Phèn để được thỏa mãn và trải nghiệm cái cảm giác khám phá vùng đất hãi hùng một thời chiến tranh ghi đậm trong quá khứ. Trải nghiệm và nhớ lại để có thêm những suy nghĩ về những giá trị cuộc sống mà ta có được hôm nay. Tôi hiểu và thấm thía, 42 năm sau cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt mà Thừa Thiên Huế được mệnh danh là vùng hỏa tuyến, vẫn còn đó nhiều khó khăn và thử thách nhưng rõ ràng, khát vọng năm nào của các bậc cha anh qua các tên gọi Xuân Lộc, Phú Vinh, Lộc Bình, Lộc Hòa hay Phú Sơn đã và đang trở thành hiện thực.

Bài, ảnh: Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học
Return to top