ClockChủ Nhật, 02/09/2018 06:10

Tết Độc lập nhớ Bác

TTH - Trong những ngày cả nước chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi may mắn có chuyến hành trình ra thăm Khu Di tích K9 - khu rừng xanh một thời giữ yên giấc ngủ của Người và Đền thờ Bác Hồ ở huyện Ba Vì, Hà Nội.

Triển lãm tại Di tích Cố đô Huế nhân dịp Quốc khánh 2/9Tết Độc lập nhớ lời Bác dạy về khuyến học, khuyến tài

Thăm Khu Di tích K9

K9- một thời giữ yên giấc ngủ của Người

Dưới những con đường rợp bóng cây xanh, những người con đất Việt từ mọi miền Tổ quốc nườm nượp tiến vào đồi Đá Chông thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì- Khu Di tích K9. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắp nén hương viếng Người, lòng chợt rưng rưng... Lần lượt đi thăm những nơi mà Người lần đầu đặt chân đến cũng như ngôi nhà sàn là nơi ăn ở, làm việc của Bác, càng thấy tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài, nhà quân sự kiệt xuất, một con người vĩ đại và gần gũi.

Theo lời giới thiệu của chị Nguyễn Ngọc Quý, hướng dẫn viên tại Khu Di tích K9 và những tư liệu có được, chúng tôi ngược về thời gian của hơn 61 năm trước. Đó là một ngày tháng 5/1957, trong lần đi thăm một sư đoàn đang diễn tập bên bờ sông Đà ở dưới chân đồi Đá Chông (cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km), Bác Hồ phát hiện khu đồi rộng lớn, sơn thủy hữu tình, cảnh vật tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và điều kiện đi lại rất thuận lợi. Người đã bàn với các đồng chí trong đoàn chọn nơi đây để xây dựng căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân vào miền Bắc.

Sau chuyến đi ấy của Bác, tháng 9/1959, Cục Doanh trại - Tổng cục Hậu cần đã thiết kế và thi công ngôi nhà 2 tầng phỏng theo ngôi nhà sàn. Những năm có chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị lên K9 làm việc. Nơi đây, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn bạc, quyết định.

Đi qua những con đường, hàng cây; dừng chân bên bể cá và bước chân trên khu sân rải toàn đá sỏi cuội lao xao trước nhà sàn, chợt cảm nhận có một điều gì thật ấm áp. Tất cả nơi đây vẫn in đậm bóng hình của Bác, vẫn vang vọng những lời dạy của vị cha già dân tộc. Cả những hàng cây râm bụt trước ngôi nhà sàn gợi nhớ đến thời thơ ấu của Bác ở quê nhà…

Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên Báo Hà Nội Mới - Báo Thừa Thiên Huế- Báo Sài Gòn Giải Phóng dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ ở Ba Vì

Tất cả chúng tôi đã lặng người khi lần đầu tiên đặt chân đến ngôi nhà kính, hầm ngầm... là nơi giữ yên giấc ngủ của Hồ Chủ tịch từ những năm 1969 - 1975. Trong ngày Tết Độc lập của dân tộc 2/9/1969, vào lúc 9h47 phút, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta đi xa mãi mãi. Toàn Đảng, toàn dân mong được bảo vệ và gìn giữ lâu dài thi hài của Người để sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế được đến viếng thăm. Thể theo nguyện vọng đó, nhưng hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn vô cùng quyết liệt, Hà Nội là trung tâm đánh phá của đế quốc Mỹ, vì vậy, Đá Chông - K9 (để giữ bí mật, lúc đó K9 đổi thành K84) được chọn là nơi giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Người.

Tại khu vực nhà xe ở K9, chúng tôi lại nghe được những câu chuyện xúc động sau những ngày Bác ra đi. Chiếc UAZ cứu thương, xe Zin 157 cùng chiếc xe PAP - những hiện vật lịch sử còn đó, từng cùng với các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) di chuyển thi hài Bác 6 lần qua mọi địa hình đường sá trong chiến tranh, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Đền thờ Bác trên đỉnh non thiêng

Đoàn chúng tôi gồm lãnh đạo, cán bộ, phóng viên 3 cơ quan báo Đảng: Hànộimới - Thừa Thiên Huế và Sài Gòn Giải Phóng hội tụ tại Ba Vì nhân sơ kết 1 năm kết nghĩa. Ngoài K9, chúng tôi còn lên thăm Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì, cao 1.296m. Trong màn sương mù giăng lối, leo hơn 1.320 bậc cấp bên vách đá trong cánh rừng nguyên sinh với những thân cổ thụ cao vút, chúng tôi như lạc vào cõi thiêng.

Theo lời giới thiệu của ông Đỗ Hữu Thế, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì: “Nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Người, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đồng ý cho xây dựng đền thờ Bác tại đây. Sau 5 tháng thi công, Đền thờ Bác Hồ được xây dựng trên đỉnh Vua đã hoàn thành ngày 31/8/1999”. Ngôi đền được xây dựng theo kết cấu bền vững, uy nghiêm. Trên bệ thờ đá là bức tượng Bác Hồ được đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, nhìn thật gần gũi mà thanh cao; phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ.

Tại Đền thờ Bác Hồ, sau phút mặc niệm trước anh linh của Người, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong ngày 2/9/1945 lại vang vọng: “Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”.

Những người làm báo chúng tôi tự đáy lòng mình đã bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn trước công lao trời biển và ôn lại những việc làm, lời dạy của Người; đồng thời, nguyện mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Điếu văn của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 9/9/1969 đã làm rung động hàng triệu triệu trái tim. Trước Đền thờ Bác, một đoạn trong Điếu văn được khắc trên tấm bia đá lớn nguyên khối: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Bài, ảnh: Thùy Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời”.

Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xuân về – Ơn Đảng, nhớ Bác kính yêu

Chúng ta may mắn được sinh ra trong thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ có thể bắt đầu từ đó, non sông đất nước ta mới thật sự trở mình và mỗi một chúng ta mới có quyền mơ ước... Chính sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và tất cả những hoạt động của Người đã đem đến cho dân tộc Việt Nam một vinh quang mới, làm nên những ấn tượng sâu sắc, tạo thành một chuỗi chiến thắng mang tên Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Xuân về – Ơn Đảng, nhớ Bác kính yêu
Return to top