ClockThứ Sáu, 05/02/2016 15:45

Tết nơi làng cổ

TTH.VN - Vì mưu sinh, thanh niên làng cổ Phước Tích (Phong Điền) phải xa quê lập nghiệp. Quanh năm, chỉ có người già giữ làng. Nhưng vào dịp Tết thì khác hẳn, chuyện mưu sinh theo thời cuộc không ảnh hưởng đến phong tục của người dân ở nơi ngôi làng cổ nổi tiếng cả nước này.

Trước tiên là việc đoàn tụ. Từ sau ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, các thế hệ con cháu của làng cổ Phước Tích - một trong số ít ngôi làng của Việt Nam còn giữ được nét cổ kính - trở về quê chuẩn bị đón Tết. Đêm Giao thừa, cả gia đình quây quần bên bàn thờ tổ tiên, cùng nhau ăn bánh mứt, cùng hàn huyên chuyện gần chuyện xa.


Một góc làng cổ Phước Tích. Ảnh: Võ Nhân

“Tết ở đây vui lắm, người đi làm ăn xa mấy cũng gắng về quê ăn Tết nên không khí rộn ràng khác hẳn ngày thường”, chị Nguyễn Thị Liên Tưởng hồ hởi. Hai người con trai của chị công tác tại TP Hồ Chí Minh đến nay đã hơn 10 năm, nhưng chưa năm nào hai anh không về quê ăn Tết.

Những ngày cuối năm, ở thành phố hiếm nhà nào nổi lửa nấu bánh thì ở làng cổ Phước Tích, từ đầu tháng Chạp, trong mỗi căn nhà rêu phong, những người bà, người mẹ đã loay hoay chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu để làm các loại bánh cùng con cháu đón xuân.

Ngày Tết với người dân Phước Tích mà nói, chuyện đốt lò nấu bánh chưng, bánh tét đêm ba mươi là điều không thể thiếu. Và, dù đi đâu, ở đâu, mỗi người dân Phước Tích đều nắm vững công thức làm các loại mứt, bánh tưởng như đã trở thành xa lạ với thanh niên đương thời, như: bánh in, bánh thuẫn, bánh ít, bánh trái cây, bánh quai vạc, bánh tày - loại bánh sử dụng đậu xanh trộn chứ không dùng thịt, mỗi cái bánh vừa đủ cho một người ăn và không to như bánh tét.

Cũng từ giá trị khi gia đình sum vầy, nhân dịp con cháu về đông đủ, các mẹ các bà còn tranh thủ trổ tài trong từng bữa ăn để làm cho bằng hết những món ăn truyền thống của quê nhà cho con cho cháu. Nào bánh bột lọc, các loại bánh canh, cá kho, vả, mít trộn…


Bây giờ hiếm nhà nào ở thành phố nổi lửa nấu bánh. Ảnh: Võ Nhân

Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Liễu, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Hòa, tâm sự: “Anh chị em hầu như đều đi làm ăn ở xa, em may mắn được ở lại quê hương, nhưng cứ đến dịp cuối năm lại hồi hộp chờ Tết về, những món ăn mẹ làm, ăn cùng anh chị và các cháu ở xa về luôn cảm thấy ngon hơn”.

Cầm cây mác vuốt vuốt mấy sợi lạt giang, mệ Thú tâm sự: “Ở đây, hàng ngày nhìn yên tĩnh ri chứ nhà mô cũng chuẩn bị sẵn đồ dùng, không chỉ ngày Tết mới làm bánh mà có sự kiện chi là có đội nấu ăn của thôn lo chu toàn liền. Nhưng, cái khác khi làm bánh mứt ngày Tết là cùng làm với con cháu ở xa về mới có ý nghĩa...”.

Hương Lan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng “hồi sinh” làng cổ

Thúc đẩy doanh nghiệp đang hoạt động và gắn bó với làng nghề đệm bàng, làng cổ Phước Tích cũng chính là giải pháp quan trọng “thổi” thêm sinh khí cho làng cổ Phước Tích.

Cùng “hồi sinh” làng cổ
Return to top