ClockThứ Sáu, 16/12/2016 05:51

Thách thức giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc

TTH - Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thực sự là cơ hội để các huyện miền núi như Nam Đông, A Lưới thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi về nhận thức, phương pháp thì sự thiếu hụt nhiều chỉ số trong chuẩn nghèo đa chiều sẽ trở thành một thách thức không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Toàn tỉnh có 23.600 hộ nghèo; trong đó, có 19.519 hộ nghèo theo thu nhập và 4.081 hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 21%.

Khu tái định cư ở xã Hồng Thủy ( A Lưới)

Huyện A Lưới có 4.337 hộ nghèo, có đến 4.182 hộ dân tộc thiểu số. Trong số 21 xã, thị trấn của huyện A Lưới, có đến 17 xã nghèo; có 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Những dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo có tỷ lệ thiếu hụt cao tại A Lưới, như: Bảo hiểm y tế (86 %), chất lượng nhà ở (55%), diện tích nhà ở (60%), nguồn nước sinh hoạt (64 %), hố xí, nhà tiêu hợp vệ sinh (80,54%). Toàn huyện A Lưới hiện còn khoảng 2.404 căn nhà tranh tre nứa lá. Người dân thiếu tư liệu sản xuất, không có việc làm ổn định, không có tay nghề, gia đình đông con, nhiều đối tượng ăn theo, mới tách hộ… hiện tại thu nhập chính của người dân trong huyện là từ cây keo, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi… Còn lại diện tích rừng cao su, cà phê dù không phải nhỏ, nhưng do rớt giá nên hiện không sinh lời bao nhiêu.

Ở Nam Đông vẫn còn 900 hộ nghèo. Trở ngại lớn nhất của Nam Đông trong việc giảm nghèo bền vững là tiêu chí thu nhập và nước sinh hoạt. Ngoài các chỉ số thiếu hụt, như chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, chỉ số không có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm tỉ lệ cao nhất. Nhiều xã có trên 90% số hộ không đạt tiêu chuẩn này. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Vẫn còn nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo ở miền núi như năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế nên chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, thực hiện chính sách giảm nghèo. Nguồn lực huy động tại chỗ ở địa phương còn khó khăn, nhất là kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp. Nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao khi thiên tai xảy ra. Trong khi đó, một trong những định hướng của Nhà nước trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là sẽ giảm dần các chính sách “cho không”, tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh tâm lý ỷ lại.

Mới đây, tại buổi làm việc với các Bộ, ngành T.Ư về vấn đề thực hiện các chính sách giảm nghèo ở Thừa Thiên Huế, nhiều ý kiến cho rằng, cần vận động các doanh nghiệp kết nghĩa, hỗ trợ đồng bào dân tộc thoát nghèo bền vững. Khi người nghèo gặp rủi ro trong sản xuất, ngân hàng cần có chế xử lý khoanh nợ, gia hạn nợ để giúp họ khôi phục sản xuất. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng nên huy động sức lao động, ngày công của người dân để phát huy hiệu quả.

Tỉnh cần có sự phân công cụ thể, trách nhiệm của các ban, ngành để người nghèo tiếp cận được với các dịch vụ thiếu hụt; thực hiện chính sách đặc thù để có chuyển biến rõ nét. Ngoài ngân sách T.Ư cấp, tỉnh cần xây dựng chương trình riêng để hỗ trợ đồng bào miền núi. Thừa Thiên Huế cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, có những điều chỉnh, bổ sung và cách thức triển khai phù hợp với từng vùng, từng đối tượng.

Vấn đề đặt ra là các huyện miền núi cần xác định lại cơ cấu kinh tế và có chính sách kích cầu thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch dịch vụ, thương mại... Gắn với công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực này, các huyện còn cần có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN để khôi phục những ngành nghề truyền thống, du nhập những ngành nghề mới ngoài địa phương và phát triển nghề chế biến hàng nông sản theo hướng sản xuất hàng hoá; hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ở các khu vực vệ tinh chiến lược, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Địa phương phải định hướng chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động phi nông nghiệp. Đây là vấn đề không thể thiếu đi trong quá trình đô thị hoá, khi mà địa phương đang có các công trình thuỷ điện công suất lớn đầu tư trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Anh Noh chăm chỉ

Chăm chỉ học hỏi và áp dụng kiến thức, anh Viên Đăng Noh ở thôn A chi Hương Sơn, xã A Roàng, A Lưới thực hiện và phát triển mô hình nuôi dê bán chăn thả khá thành công…

Anh Noh chăm chỉ
Return to top