ClockThứ Bảy, 21/09/2019 13:00
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TRẺ KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI

Thách thức trong quản lý

TTH - Bên cạnh lợi ích mang lại, mạng xã hội (MXH) tồn tại những mặt trái, ẩn chứa nhiều nội dung độc hại và hiểm hoạ khó lường, đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) trong công tác quản lý.

Tiếp nhận có chọn lọcTiếp nhận có chọn lọc

Trung tâm điều hành đô thị thông minh - công cụ hỗ trợ đắc lực trong lọc tin xấu, độc trên mạng xã hội

Phát hiện nhiều vi phạm

Để quản lý hoạt động của MXH, những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một số văn bản như Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng; Nghị định 72 và 27; Thông tư 38, 09, 24. Trên cơ sở đó, Sở TT&TT căn cứ vào những luật, thông tư, nghị định này để thực hiện và xử lý những vụ việc vi phạm.

Theo đại diện lãnh đạo Sở TT&TT, trong quản lý, ngoài các văn bản kể trên, mới đây, với công cụ hỗ trợ của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (được tích hợp phần mềm lọc thông tin xấu, độc trên báo điện tử, MXH) đã hỗ trợ đơn vị trong việc theo dõi, sàng lọc, phát hiện và cảnh báo sớm những thông tin có tính chất xuyên biên giới mà MXH đăng tải liên quan đến Thừa Thiên Huế, bao gồm cả tin tích cực và tiêu cực. Qua đó, giúp Sở TT&TT trong việc phân tích, đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh và đề xuất hướng xử lý, nhất là theo dõi những thông tin có tính chất 1 chiều, phiến diện, chưa đầy đủ.

Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp được Sở TT&TT phát hiện vi phạm trên các trang MXH, như: người dùng sử dụng mạng Facebook lừa đảo hay thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân; tình trạng vi phạm pháp luật quảng cáo trên môi trường mạng; việc phát tán các clip liên quan đến bạo lực học đường…

Thậm chí một số cán bộ, đảng viên cũng sai phạm dưới dạng like, share (chia sẻ), comment (bình luận), vô tình đã cổ suý thông tin xấu… Một số người vì thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Những đối tượng, tổ chức đã chọn MXH như một “mặt trận” mới để đăng tải thông tin chống đối đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Huy Hiển chia sẻ: Với những trường hợp trên, khi phát hiện, sở đã phối hợp đề nghị gỡ thông tin, đồng thời, giải thích, nhắc nhở, khuyến cáo người dùng để tránh tái phạm.

“Việc xử lý những vụ việc liên quan đến “câu chữ” rất khó dù sở có thành lập tổ giám định tư pháp để thực hiện việc thẩm định, xử phạt những nội dung vi phạm trên MXH”, ông Hiển nhìn nhận.

Tuy vậy, tính tích cực của MXH là không thể phủ nhận. Hiện tỉnh đang khai thác và sử dụng sự tiện ích của MXH để phục vụ cho công việc chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương (phản ánh hiện trường – HueS).

Còn nhiều trở ngại

Đối với quản lý nhà nước về MXH, hiện nay khó nhất là quản lý nội dung thông tin đối với các tài khoản của MXH trên Facebook, Youtube và Google. Cơ chế khởi tạo tài khoản của các MXH này quá dễ dàng, đơn giản nên khó truy tìm nguồn gốc chủ tài khoản, đa số máy chủ đặt ở nước ngoài và hiện các MXH này chưa có văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam. Trong khi công tác quản lý Nhà nước của sở hiện nay chỉ dừng ở mức theo dõi, phát hiện vi phạm và xử lý tranh chấp, khiếu nại giữa các bên khi hoạt động trên MXH Facebook.

Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác quản lý, Sở TT&TT cũng thường xuyên phối hợp với các bên liên quan, như: công an, toà án, viện kiểm sát, hội nhà báo, ban tuyên giáo tỉnh…để nắm tình hình vi phạm pháp luật an ninh mạng; thẩm định các nội dung vi phạm mang tính chất hình sự hoặc vi phạm pháp luật của một số đối tượng; về những thông tin xấu, độc trên MXH cũng như tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc trên MXH.

Theo ông Hiển, hiện nay, khó nhất trong quản lý nhà nước là khi phát hiện thông tin xấu, độc nhưng nguồn phát tán từ nước ngoài thì ở cấp địa phương chưa xử lý được. Có trường hợp phát hiện được nhưng ở mức độ cá nhân, việc xử lý khó ở chỗ một vụ việc thanh tra sở phối hợp với các đơn vị thường mất cả tháng trời để thu thập bằng chứng đăng tải ngày, giờ nào, nói gì… Mặt khác, nếu không có hội đồng thẩm định thì chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý về mặt hành chính. Vì vậy, phải là những vụ việc có tác động sâu, ảnh hưởng lớn đến xã hội thì sở mới đề xuất hội đồng thẩm định vào cuộc.

“Trọng tâm của sở vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, văn hoá của người sử dụng MXH, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên MXH. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp thông tin, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông, góp phần hạn chế cơ hội phát triển của các phát ngôn vi phạm pháp luật trên MXH”, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Return to top