ClockThứ Hai, 13/02/2017 05:46

Thách thức trước vụ nuôi trồng thủy sản mới

TTH - Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống đê bao xuống cấp, hư hỏng... đặt vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) mới trước nhiều thách thức.

Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu

Ngay sau khi thu hoạch vụ tết, người dân vùng đầm phá, ven biển đang khẩn trương cải tạo ao hồ, chuẩn bị cho vụ NTTS mới. Một số hộ thu hoạch sớm đã thả giống hơn tuần nay.

Đê bao nuôi tôm ở Lộc Bình (Phú Lộc) không đảm bảo

Ông Trần Tăng, chủ hồ nuôi tôm trên cát ở xã Điền Hương (Phong Điền) tự tin: “Nguồn giống không phải là vấn đề quá lo lắng dù vẫn còn một số hạn chế nhất định trong khâu chọn giống, mua giống ở các tỉnh khác. Điều mà người nuôi tôm lo ngại là hệ thống hạ tầng nuôi tôm trên cát hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu”. Hệ thống kênh, mương xả thải, xử lý môi trường nước còn yếu, người dân mạnh ai nấy làm. Thiếu ao hồ xử lý nguồn nước trước khi đưa vào hồ nuôi, phần lớn các hộ đưa nước biển trực tiếp vào hồ để nuôi tôm. Các hồ xử lý nước thải, chất thải cũng chưa đảm bảo, còn thiếu... là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh xảy ra, lây lan từ hồ này sang hồ khác.

Ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) cho biết: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tôm chết lâu nay là do hạ tầng nuôi trồng còn yếu kém. Nhiều hệ thống ao nuôi không có ao xử lý nước thải, các đường ống dẫn nước, kênh mương chưa đảm bảo, xuống cấp.

Nhiều người nuôi tôm ở Ngũ Điền cho rằng, các vùng nuôi tôm cần quy hoạch một cách chi tiết, đồng bộ, có bài bản, cứ khoảng 5 ao nuôi phải có một ao lắng. Hệ thống kênh mương thủy lợi, trạm bơm điện cần xây dựng kiên cố, đảm bảo cấp, thoát nước, xử lý môi trường. Các hộ nuôi cần được hỗ trợ, đầu tư hệ thống lọc nước biển, tạp chất trước khi đưa nước vào ao nuôi; đầu tư bể ương giống tại chỗ, thuận lợi cho việc kiểm dịch, xử lý dịch bệnh, đảm bảo nguồn giống chất lượng, an toàn trước khi thả nuôi cần phải xây dựng đồng bộ…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Cho đánh giá, quy hoạch đến năm 2020, toàn huyện đưa vào nuôi tôm trên cát khoảng 900 ha, đến nay diện tích đã đưa vào nuôi khoảng 400 ha. Có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm trên cát, nhưng cũng có nhiều hộ nợ nần chồng chất vì nuôi tôm thua lỗ. Điều này cho thấy, nuôi tôm trên cát còn nhiều bất cập, cần tháo gỡ, trong đó có yếu tố cơ bản về hạ tầng.

Hệ thống thủy lợi, đê bao xuống cấp

Ông Nguyễn Vũ Hoàng ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) chia sẻ: “Nhiều năm trước, NTTS, nhất là nuôi tôm sú trên đầm phá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là khoảng năm 2005 trở về trước, lúc này hệ thống đê bao, kênh mương thủy lợi chưa xuống cấp, nguồn nước trên đầm phá ổn định nên ít dịch bệnh, các vụ nuôi đều có lãi”.

Kênh mương NTTS ở Quảng Công xuống cấp

Tại thị trấn Sịa, các đợt mưa lũ cuối năm vừa qua và những năm trước làm nhiều hệ thống đê bao, thủy lợi NTTS bị hư hỏng, xuống cấp. Đến nay, các công trình mới chỉ gia cố tạm thời. Một số đê bao hư hỏng nặng không đảm bảo cho việc cấp nước vào ao hồ nuôi.

Ông Nguyễn Lành ở thị trấn Sịa lo lắng: “Đê bao, kênh mương xuống cấp, không đảm bảo nên rất khó khăn trong việc cấp, thoát nước, xử lý môi trường trong quá trình nuôi trồng. Đây chính là nguyên nhân rất dễ gây ô nhiễm môi trường, thủy sản dịch bệnh”.

Ông Hà Văn Duy, cán bộ phụ trách thủy sản thuộc Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền dự đoán tình hình NTTS năm nay được xác định là sẽ khó khăn nhất từ trước đến nay. toàn huyện dự kiến đưa vào sản xuất khoảng 600 ha, song nhiều diện tích có nguy cơ không thể đưa vào nuôi do hạ tầng không đảm bảo.

Tại huyện Phú Lộc, nhiều hệ thống kênh mương, đê bao bị sạt lở cũng đang tình trạng xuống cấp, hư hỏng”.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lộc thông tin, diện tích NTTS toàn huyện năm nay khoảng 1.200 ha, trong đó đầm phá 900 ha. Ngoài xã Vinh Mỹ có khoảng 19 ha nuôi tôm được người dân đầu tư hạ tầng bài bản, ổn định, hầu hết các địa phương khác đều chưa đảm bảo. Hệ thống điện, thủy lợi, cấp, thoát nước tại các xã Vinh Hưng, Vinh Giang, Lộc Điền… chưa đáp ứng sản xuất. Hệ thống đê bao, kênh mương, thủy lợi được đầu tư từ lâu, qua quá trình sử dụng đã xuống cấp, người dân nuôi tôm thua lỗ nên không có điều kiện duy tu, bảo dưỡng…

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Minh Đức, hạ tầng NTTS trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đồng bộ. Trước mắt, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đầu tư khắc phục, xử lý tạm thời để phục vụ cho vụ NTTS mới năm 2017. Về lâu dài sẽ tập trung rà soát hệ thống hạ tầng (theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ). Trên cơ sở đó sẽ định hướng, quy hoạch các vùng NTTS hợp lý.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự

Theo các chuyên gia trong ngành, ngành hàng không toàn cầu thời hậu đại dịch vẫn không thiếu những thách thức, từ việc giữ giá vé máy bay ở mức phải chăng – nhất là trong các mùa lễ hội khi tỷ suất lợi nhuận “mỏng như dao cạo”, cho đến việc có đủ lực lượng lao động tận tâm với nghề.

Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự
Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Theo đó, môi trường vùng nuôi, ao nuôi cũng có nhiều biến động, thay đổi đặt ra yêu cầu với người nuôi thủy sản phải có những biện pháp thích ứng, phù hợp.

Thách thức trong vụ nuôi thủy sản mới
Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1: Thách thức cho bài toán chống ngập

Thực trạng ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị mới, hay gần đây, việc thoát lũ tại các khu công nghiệp đặt ra bài toán cần lời giải từ hiện tại và cả trong tương lai. Các chuyên gia cũng nhiều lần chỉ rõ, biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Ngập úng kéo dài đến bao giờ - Kỳ 1 Thách thức cho bài toán chống ngập
Return to top