ClockThứ Bảy, 02/09/2017 22:30

Thăm di tích Bác Hồ ngày Quốc khánh

TTH.VN - Cứ đến dịp Quốc khánh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan, TP. Huế và làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang là địa chỉ để nhiều người dân, du khách tìm đến. Dẫu đã quen thuộc thì cảm xúc vẫn khác khi đến những nơi này vào ngày Tết Độc lập.

Giữa chốn đô thị sầm uất, ngôi nhà rường ba gian mái ngói ở 112 Mai Thúc Loan yên bình với hàng dâm bụt, tấp nập đón khách tham quan trong ngày Tết độc lập. Không chỉ người Việt, khách Tây cũng đến viếng Bác với tấm lòng ngưỡng vọng.

Hai vị khách Hồng Kông tham quan Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan, TP. Huế 

Ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan thời điểm chúng tôi đến, du khách liên tục vào ra. Có người từ Bắc vào, miền Nam ra, có khách tận nước Đức, Úc và Hồng Kông xa xôi. Đến Huế du lịch vào dịp Quốc khánh, họ đến đây để dâng lên nén hương bày tỏ lòng ngưỡng vọng một vị lãnh tụ được vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Trước khi vào tham quan Đại Nội, gia đình chị Hòa (ở Hà Nội) ghé nơi đây kính cẩn thắp nhang lên bàn thờ Bác. Chị Hòa kể, cứ đến ngày Quốc khánh và sinh nhật Bác, vợ chồng chị đều đến viếng lăng Bác ở Hà Nội. Dịp này vào Huế, chị tìm đến đây để tỏ lòng thành. Thật không thể cầm được nước mắt trước những kỷ vật và câu chuyện về Bác ở nơi đây.

Hai cô gái Laura đến từ nước Đức và Julia (Úc) ngạc nhiên với khung cảnh giản dị của ngôi nhà

Hai cô gái Laura đến từ nước Đức và Julia (Úc) tỏ ra ngạc nhiên khi nghe về tuổi thơ của vị lãnh tụ đất nước Việt Nam. Laura nói: “Trước khi đến đây, tôi chỉ biết chút ít thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một vị lãnh tụ đã giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhưng tôi không hình dung được Người đã trải qua tuổi thơ gian khó như thế này. Thật kỳ diệu là ông đã trở thành lãnh tụ của Việt Nam, danh nhân văn hóa của thế giới. Đây quả là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Huế, giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời của một con người vĩ đại”.

Du khách thành kính dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một địa điểm khác cũng để lại dấu ấn đặc biệt đối với du khách gần xa là Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ. Đây là ngôi nhà Bác đã sống từ năm 1898 đến 1900, khi Người cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy học. Tại lớp học của cha trong ngôi nhà này, Bác Hồ đã được học những chữ Hán đầu tiên. Ở làng Dương Nỗ, ngôi nhà này cùng với bến Đá, am Bà, đình làng trở thành cụm di tích liên hoàn ghi dấu những câu chuyện về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mười mấy năm nay, chị Diệp Thúy Hằng làm thuyết minh viên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, mỗi tháng chị trực luân phiên ở nhà lưu niệm Bác tại 112 Mai Thúc Loan và làng Dương Nỗ 2 tuần. Đã biết bao lần giới thiệu về các di tích này với du khách gần xa, nhưng chị bảo, chị vẫn không tránh khỏi xúc động mỗi khi thuyết minh trong dịp Tết độc lập và ngày sinh nhật Bác. Chị chia sẻ: “Dẫu là công việc thường nhật nhưng mỗi khi đến ngày Tết độc lập, trong lòng tôi trào dâng cảm xúc khi nhìn ngắm bao kỷ vật về Bác Hồ. Trên hết là lòng biết ơn vô hạn về sự hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân của Người”.

Tìm hiểu về thời niên thiếu của Bác Hồ qua sách tư liệu

Trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, tâm hồn của Bác đã dần được nuôi dưỡng để trở thành một tâm hồn lớn và hình thành nên một nhân cách vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đây di sản vật chất và tinh thần to lớn mà Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế vinh dự có trách nhiệm giữ gìn, phát huy. Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cho hay: “Để phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên quê hương Thừa Thiên Huế, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá những giá trị di sản của Người thông qua hệ thống di tích, nhất là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, kết nối với các hãng lữ hành đưa các di tích Bác Hồ vào tour tuyến du lịch. Qua đó, người dân và du khách hiểu thêm những năm tháng niên thiếu Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sống và học tập ở Huế. Điều đáng mừng là năm nay, lượng khách đến thăm bảo tàng và các di tích Bác Hồ tăng cao, nhất là vào dịp lễ 26/3, 19/5 và 2/9”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024

Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây, đồng thời tiếp tục hưởng ứng phong trào “Trồng 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, sáng 16/2, tại cồn Dã Viên, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024.

Toàn tỉnh ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đến năm Giáp Thìn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” vừa tròn 55 năm (1969 - 2024). Ở Thừa Thiên Huế, người có vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần nhất có lẽ là anh hùng Kan Lịch. Trong lần gặp cuối cùng vào năm 1969, Bác Hồ căn dặn: “Trở thành anh hùng đã khó, nhưng giữ được các phẩm chất, đạo đức của anh hùng suốt đời càng khó hơn. Phải học tập và rèn luyện suốt đời”.

Hiệu lệnh năm Thìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Return to top