ClockChủ Nhật, 11/09/2016 06:06

Thầm lặng nghề pháp y

TTH - Không kể giờ giấc, không ngại nắng mưa… hễ khi cơ quan điều tra, tố tụng cần đến giám định y khoa là các bác sĩ ở Trung tâm Pháp y (trung tâm) tỉnh lên đường.

Sự thật bằng luận cứ khoa học

Đến trung tâm vào chiều muộn, không như cảm nhận ban đầu, “ngôi nhà chung” ở 1/148, đường Nguyễn Huệ, TP Huế chật chội, ẩm thấp với diện tích chưa đến 100m2 . Bác sĩ CK II Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm có 11 cán bộ, nhưng chỉ có 3 bác sĩ nam là giám định viên, mà công việc ở đây lúc nào cũng chất đầy. Bất kể giờ giấc, thời điểm, không ngại nắng mưa… hễ khi cơ quan điều tra, tố tụng cần tới giám định y khoa là các giám định viên lên đường, kể cả lãnh đạo. Bình quân hàng năm, trung tâm tiếp cận khám nghiệm tử thi 120-150 trường hợp; ngoài ra, có từ 300- 400 ca giám định, xét nghiệm thương tích tai nạn, đánh nhau...”

Trước đây, bác sĩ An tham gia quân ngũ ở chiến trường Campuchia. Khi trở về, bác sĩ An thực hiện được ước mơ theo ngành y, rồi do duyên số lại đầu quân vào Trung tâm Giám định pháp y tỉnh đến nay gần 30 năm. Bây giờ thống kê bao nhiêu trường hợp cụ thể tiếp xúc với xác chết, mổ xẻ tử thi bác sĩ An chẳng nhớ nổi, nhưng cũng không quên nhiều vụ án với cái chết oan uổng nhói lòng và nhiều trường hợp người chết đã chôn sâu vào lòng đất nhưng khai quật để tìm dấu vết, minh oan cho gia đình nạn nhân.

Nghề này ít ai biết, nhưng khi biết rồi chẳng mấy ai “cảm”, ngay cả người thân. Nhưng đã mang nghiệp vào thân, mình phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”. Nụ cười hiếm hoi của bác sĩ An dành cho tôi nói lên điều đó. Bác sĩ pháp y ngoài bị động về giờ giấc làm việc còn phải sẵn sàng đi công tác, phục vụ yêu cầu giám định của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng. Việc giám định đòi hỏi sự chính xác, nêu lên sự thật bằng các chứng cứ khoa học, giúp cơ quan điều tra định hướng những bước đi tiếp theo, đồng thời giải tỏa những thắc mắc, hoài nghi trong dư luận. Nhiều trường hợp bác sĩ pháp y phải tham gia phiên xét xử tại tòa để trình bày các chứng cứ giám định, buộc các bên liên quan phải tâm phục, khẩu phục. Bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, các bác sĩ pháp y đem đến góc nhìn khoa học về những thương tật, cái chết của nhiều nạn nhân, mà theo bác sĩ An là “Nói lên tiếng nói của người đã khuất”. 

Theo bác sĩ An, gần 30 năm theo nghề, ông đã tiếp cận, khám nghiệm hàng nghìn tử thi để từ đó đưa ra những bằng chứng, nói lên sự thật, buộc những kẻ gian ác phải đền tội. Điển hình mới đây là vụ án xảy ra ở thôn 1, xã Vinh Hải, Phú Lộc vào rạng sáng 28/2. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị H. 76 tuổi, sống một mình bị một thanh niên ở xã Vinh Hiền đột nhập trấn áp, cướp đi mấy trăm nghìn đồng. Sợ bị lộ, gã này ra tay bóp cổ bà đến chết. Sau đó, gã nhanh chóng tạo hiện trường giả, cho nạn nhân nằm úp mặt giữa nền nhà, bên cạnh đặt chiếc ghế nhằm đánh lệch hướng bà chết do té ngã từ chiếc ghế. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, bác sĩ giám định pháp y trung tâm có mặt ở hiện trường khám nghiệm tử thi, phát hiện trên cổ bà có vết bầm và cái đẫy (cái ví mà các cụ già ở quê thường dùng đựng tiền) móc ở áo trong bị rách một vết dài. Lần theo những vết tích ấy, bác sĩ giám định chứng minh đây là vụ án cố sát để cướp của. Chỉ vài ngày sau, kẻ sát hại bà H. đã bị cơ quan công an bắt tại tỉnh Khánh Hòa.

Biết tỏ cùng ai!

Khi tôi đề nghị chia sẻ về những vất vả trong nghề, bác sĩ An thẳng thắn, nếu kể thì nhiều chuyện lắm, nhưng không khéo sẽ bị người khác nghĩ là “kể khổ”. Chỉ nói đơn giản, nghề này nhiều người “né”, riêng tại Huế hơn 20 năm nay, trung tâm chưa tuyển mộ được thêm một bác sĩ giám định pháp y về làm việc. Sự thực, theo lời bác sĩ An là hiếm ai học nghề y lại muốn trở thành bác sĩ pháp y. Thực tế cho thấy, những người đang làm việc ở trung tâm chẳng ai đi “khoe” hay giới thiệu với mọi người, tôi là bác sĩ pháp y. Ngay cả người thân của bác sĩ pháp y như vợ, con khi bạn bè hỏi bố hoặc chồng làm nghề gì chỉ trả lời ngắn gọn hai chữ: bác sĩ.

Khám xét vết tích để tìm nguyên nhân cái chết của nạn nhân

Sự thẳng thắn đến gai góc của Giám đốc Trung tâm, không phải là không có lý khi những bác sĩ pháp y đang làm việc ở trung tâm này đều do bác sĩ An chiêu mộ bằng sự “trải lòng” chân tình. Trong số ấy, có bác sĩ CK I  T.B.H, trước đây công tác ở Khoa Răng hàm mặt- Bệnh viện Trung ương Huế đầu quân về trung tâm vào năm 1996. Bác sĩ H. chia sẻ: “Thú thật, ban đầu người thân can ngăn, phản đối kịch liệt. Bản thân qua nhiều đêm suy nghĩ căng thẳng không biết mình có tiếp tục được không. Phải mất một thời gian mới quen với nghề “đặc biệt” này”.

Nghề giám định pháp y theo bác sĩ T.B.H là nghề đặc biệt, được mệnh danh là 2 “K”: Khó và Khổ. Dù sự việc xảy ra ở đâu, địa điểm nào, khi ngành chức năng yêu cầu giám định là anh em đều có mặt. Đã có nhiều trường hợp làm nhiệm vụ phải đi bộ đường đồi, đường rừng hàng chục cây số. Có những năm không đón giao thừa cùng gia đình là chuyện thường. Nhọc nhằn hơn với bác sĩ pháp y là khi phải giải phẫu những tử thi đã phân huỷ, đến mấy ngày sau nghĩ lại còn ớn lạnh.

Bác sĩ T.B.H nhớ mãi trong đời là chuyến khám nghiệm tử thi bên cầu Lăng Cô (Phú Lộc) cách đây khoảng 3 năm. Nạn nhân là một người đàn ông không rõ danh tính, cũng không rõ vì sao chết nhưng đã thối rữa đến mức không ai dám tới gần. Khi đang giải phẫu, bất ngờ mái che đổ sập khiến bác sĩ H. và tử thi cùng… “ôm” nhau lăn xuống khe nước bên cạnh. Bác sĩ T.B.H bây giờ hễ nhớ lại vẫn rùng mình.

Trường hợp khác khiến bác sĩ T.B.H và đồng nghiệp ở trung tâm cười ra nước mắt như một “nỗi đau nghề nghiệp”. Cách đây chừng hơn 3 năm, bác sĩ T.B.H được phân công khám nghiệm trường hợp chết nước dạt về hạ nguồn sông Hương được bà con đưa vào khu nghĩa trang thôn An Truyền, Phú An (Phú Vang). Khi cơ quan chức năng yêu cầu mổ tử thi tìm nguyên nhân cái chết thì xuất hiện đám đông cầm dao rựa, gậy xông đến với lý do đem xác chết đến làm hôi thối khu lăng họ tộc, dù điểm khám nghiệm cách khu mộ gần cả trăm mét. Để thoát thân, bác sĩ T.B.H và đồng nghiệp vứt dụng cụ, tháo blouse trắng chạy nhanh vào lùm cây, sau đó cải trang hòa trong đám đông để... “thoát”.

Khi đề cập yếu tố tâm linh, bác sĩ T.B.H bảo, tùy vào niềm tin của mỗi người, miễn làm việc gắn trách nhiệm trước pháp luật và với nạn nhân. “Làm việc đúng lương tâm thì không việc gì phải e sợ. Có những trường hợp tai nạn giao thông rất thương tâm, thi thể nạn nhân không nguyên vẹn, khi ấy bác sĩ giám định phải ngồi chắp nối, cẩn thận khâu lại các bộ phận, vệ sinh sạch sẽ rồi trang điểm cho nạn nhân và nếu gia đình yêu cầu bác sĩ pháp y cũng vui vẻ giúp khâm liệm. Có những trường hợp bệnh nhân tử vong mà người thân chưa tới kịp, hoặc vì lý do nào đó thi thể phải lưu lại nhà xác, bác sĩ pháp y cũng làm mọi thủ tục như người thân của mình”. 

Những chia sẻ của bác sĩ An, bác sĩ T.B.H giúp tôi hiểu hơn nghề giám định pháp y. Họ là những con người thầm lặng nhưng rất cao quý, có tránh nhiệm với xã hội, với công lý cần được tôn vinh.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết
Return to top