ClockThứ Sáu, 06/05/2016 14:33

Thận trọng với bệnh dại

TTH - Mỗi ngày, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TTYT) tiếp nhận hàng chục trường hợp bị chó cắn đến tiêm phòng dại. Riêng năm 2015 có 1.658 người bị chó cắn phải đi tiêm ngừa vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Trong thời điểm nắng nóng nguy cơ truyền bệnh dại ở chó rất cao.

Mối nguy từ chó thả rông

Bà Phan Thị Minh (ở xã Phú Lương, huyện Phú Vang) lo lắng: “Tôi bị chó nhà hàng xóm cắn khi đang đi đường. Nghe thông tin, con chó đó chưa được tiêm phòng dại, tôi lo quá nên nói con trai chở lên TTYT dự phòng để tiêm vắc xin phòng dại. Hôm nay, tôi tiêm mũi thứ ba, vết thương thì bớt đau, nhưng thấy rất mệt mỏi, chẳng làm được việc gì. Chưa hết lo lắng bà Minh cho biết thêm, ở quê bà người dân nuôi chó khá nhiều, mặc dù năm nào chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con hạn chế thả chó chạy rông ngoài đường và tiêm phòng dại theo định kỳ, nhưng nhiều hộ gia đình không quan tâm tới việc này.

Người dân vẫn có thói quen thả rông chó ngoài đường

Trong trường hợp nạn nhân bị chó, mèo… cắn phải rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng. Bôi cồn 70 độ hoặc hóa chất sát khuẩn, rồi đến ngay cơ sở y tế khám và tiêm phòng, không được tự ý chữa trị (không được băng kín vết thương). 

Sau khi bị chó nhà bạn cắn, em Đặng Quốc Lợi (14 tuổi, học sinh Trường THCS Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) được mẹ chở tới TTYT dự phòng tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Do vết thương khá sâu và ở vị trí nguy hiểm nên sau khi khám, bác sĩ đã cho tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại khẩn cấp.

Một nhân viên tiêm chủng ở TTYT dự phòng cho biết, hiện tại ở Huế chưa xuất hiện ổ dịch dại, tuy nhiên, vào mùa nắng lượng người đến TTYT dự phòng đến tiêm phòng dại có ngày gần cả trăm ca. Đa phần người dân cũng ý thức hơn về nguy cơ lây bệnh dại, khi bị chó cắn là lập tức tới tiêm phòng ngay.

Bác sĩ Lê Thị Trúc, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm cho biết, khi động vật mắc bệnh dại cào, cấu, cắn, liếm vào người, virus từ nước bọt sẽ lây truyền qua da và niêm mạc bị tổn thương. Virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương bằng cách di chuyển theo các dây thần kinh vận động và cảm giác. Khi não bị nhiễm virus người bị bệnh sẽ rơi vào tình trạng lú lẫn hoặc phát điên. “Bệnh dại là một bệnh hết sức nguy hiểm, khi bị phát bệnh thì tử vong là không thể tránh khỏi. Thời gian ủ bệnh từ 1-3 tháng, nếu bị chó cắn nên đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, muộn nhất là trong vòng 15 ngày. Thời tiết nắng nóng, chó rất dễ phát dại và cắn người. Ngay cả chó đã được tiêm phòng vẫn có nguy cơ lây bệnh dại” bác sĩ Trúc khuyến cáo.

Cần tuân thủ quy định đối với vật nuôi

Việc nuôi chó giữ nhà là thói quen của đại bộ phận người dân.

Mới đây không lâu, một bạn nam dắt “thú cưng” của mình đi dạo ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP. Huế) thì bị bảo vệ yêu cầu rọ mõm chó rồi mới cho vào. Không những không chấp hành, bạn nam còn lớn tiếng hỏi bảo vệ là quy định đó ở đâu ra, quy định được dán ở đâu? Khi bị bảo vệ cấm vào thì bạn nam liền lên facebook “đăng đàn” để kể lể và cho rằng người bảo vệ cứng nhắc, cư xử thô thiển làm mất hình ảnh hiếu khách của người Huế. Thế mới nói, ngay cả những người nuôi chó còn không tìm hiểu rõ quy định về việc nuôi chó.

Còn chị Phan Thị Lệ Mai (ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) than thở, đây là lần thứ hai con trai tôi bị chó nhà hàng xóm cắn. Không chỉ con trai tôi mà có nhiều người trong xóm đang đi ngoài đường cũng bị con chó này cắn. Nhiều người góp ý không nên thả rông chó ngoài đường, hoặc đừng nuôi con chó dữ, nhưng người nuôi vẫn cố tình không nghe.

Pháp luật không cấm việc nuôi chó nhưng quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi. Nhất là, người nuôi phải trông giữ cẩn thận, tránh trường hợp chó tấn công người, ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết, hằng năm, để phòng bệnh dại trên động vật, ngành đã tổ chức tiêm phòng cho đàn chó mèo theo định kỳ. Theo ông Hưng, mặc dù đã có quy định phải thường xuyên xích chó, nuôi trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người, nhưng ở nhiều nơi, người dân có thói quen thả rông, nguy cơ lây truyền bệnh dại rất cao. Do đó, đơn vị phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, đến từng nhà vận động người dân tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi định kỳ và bổ sung. Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào người bị mắc bệnh dại do chó, mèo cắn. Tuy nhiên, không vì thế mà xem nhẹ loại bệnh này.

Hiện tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh có trên 60 ngàn con, trong đó chủ yếu là chó. Chi cục Thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng dại trước mùa nắng. Đến hết tháng tư sẽ tiến hành tiêm phòng dại cho khoảng 80% tổng đàn vật nuôi này.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn

Việc nuôi chó, mèo của nhiều hộ dân không đúng theo quy định, đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính người nuôi và xã hội…

Việc nhỏ, tránh hậu quả lớn
Lại chuyện chó thả rông

Nói thì mất lòng, không nói thì mất an toàn… Đó là thực trạng không hiếm khi nhiều gia đình nuôi chó và vẫn cứ vô tư thả chó chạy rông ra đường không hề rọ mõm.

Lại chuyện chó thả rông
Return to top