ClockThứ Sáu, 29/06/2018 05:45

Thăng trầm nghề phân phối báo giấy

TTH - 5h sáng, rảo một vòng quanh các trục đường được xem là địa điểm tập kết để phân phối báo giấy ở TP. Huế, như Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Hoàng Hoa Thám… chúng tôi thấy khung cảnh vắng vẻ, không còn sôi động như ngày nào.

Ở một điểm phân phối báo.

Nhanh và đủ

Tại Trung tâm giao dịch Bưu điện tỉnh, xe chở báo từ Đà Nẵng vừa đến. Những chồng báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên được phân chia gọn gàng đã đề sẵn tên. Thời kỳ còn nhộn nhịp, công việc này là của các đại lý phân phối báo, xe chở báo chỉ giao số lượng tổng. Vì vậy để kịp thời gian giao báo đến các quầy, mỗi đại lý phân phối báo phải thuê thêm vài ba lao động thời vụ mới đáp ứng công việc. Dựa trên yêu cầu của các quầy báo, số lượng sẽ được phân chia cụ thể trước khi chuyển đi. “Nghề ni yêu cầu phải nhanh và đủ vì chậm một tí các quầy báo không bán được mình mất luôn cơ hội cung cấp”, dì Hải, một chủ phân phối có thâm niên vừa nói, vừa đưa chồng báo lên xe thẳng hướng cầu vượt Thủy Dương (thị xã Hương Thủy), nơi báo Bóng Đá được cung cấp.

Nghề phân phối báo ở Huế thu hút hàng chục đại lý phân phối cùng nhiều lao động thời vụ. Công việc phân phối báo bắt đầu vào lúc 4h30 sáng hằng ngày. Các tuyến đường, như Trương Định, Hoàng Hoa Thám, Bà Huyện Thanh Quan là những địa điểm tập kết báo lý tưởng vì khu vực này gần bưu điện trung tâm, có nhiều quán cà phê và quán ăn vỉa hè. Sau khi nhận báo ở xe từ Đà Nẵng vận chuyển ra, báo được phân chia theo số lượng để chuyển đến các quầy với tiêu chí kịp thời, an toàn và đủ số lượng. Công việc phân phối báo giấy thường kéo dài đến 8h30 khi những tờ báo, như An Ninh Thế Giới, Công an Nhân dân được chuyển đến các quầy báo. “Nghề ni trông nắng không trông mưa vì mưa làm hạn chế quá trình phân phối báo. Có lúc mưa ướt hàng chục tờ báo không bán được, phần lãi ngày hôm đó xem như mất”, anh Huỳnh, người có hơn 20 năm trong nghề, cho biết.

Nghề phân phối báo lấy số lượng làm lãi. Với lợi nhuận khoảng vài trăm đồng/tờ, chủ đại lý phải tính toán để vừa thuê được nhân công thời vụ, vừa đảm bảo có lãi để duy trì công việc, cuộc sống, có người còn nuôi được con cái học đại học. Lao động tham gia quá trình phân phối thường phải biết các tuyến đường, địa điểm các quầy báo và phải có xe gắn máy. Thời điểm 2005, với khoảng thời gian làm việc từ 5h đến 8h30, mỗi lao động thời vụ tham gia chuyển báo có thể kiếm được thu nhập 600 nghìn đồng/tháng, một khoản tiền kha khá bấy giờ. Với các lao động bán báo dạo công việc này đã giúp họ có nguồn thu ổn định.

Qua rồi thời “hoàng kim”

Tìm đến các điểm phân phối báo giấy được cho là nhộn nhịp lúc này cũng chỉ thấy lác đác vài ba người đang chậm rãi chia báo. “Quy mô và lợi nhuận còn khoảng 30% so với trước. Trước kia, số lượng quầy nhận bán báo giấy nhiều, địa bàn rộng, các chủ phân phối báo phải thuê thêm lao động thời vụ để kịp cho quá trình phân phối. Bây giờ, các chủ đại lý kiêm luôn phân phối, hiếm có chủ thuê thêm lao động. Nhiều chủ phân phối báo ngày trước đã chuyển nghề”, dì Hải chia sẻ.

“Trước đây nhận và phân phối báo Bóng Đá như một cuộc đua, ai nhanh phân phối được nhiều, có nhiều lợi nhuận. Bây giờ, các đại lý chỉ lấy số lượng cầm chừng thôi. Đêm qua có mấy trận giao hữu trước thềm World Cup 2018 mà số lượng sáng nay cũng chỉ trên 140 tờ cho cả thành phố”, anh Huỳnh vừa nói, vừa cho tôi xem số lượng báo giấy được phân phối trong ngày.

Chị Du, chủ quầy báo ở đường Hùng Vương có thâm niên trên 20 năm, cho biết thêm: “Lúc trước, báo giấy giao đến đâu hết đến đó, không có việc trả lại cho đại lý phân phối. Bây giờ chỉ có 2 tờ báo Bóng Đá, 1 tờ Thanh Niên, 1 tờ Tuổi Trẻ trên sạp mà không có người mua. Hiện tại, trên địa bàn TP. Huế cũng chỉ còn khoảng 20 quầy báo như chị Du  là còn nhận báo giấy để bán nhưng số lượng cũng không nhiều. Đa phần phục vụ khách quen là các bác hưu trí lớn tuổi có sở thích đọc báo giấy.

Sự phát triển của internet, thiết bị di động và các báo điện tử là một trong những nguyên nhân làm sụt giảm lượng phát hành của báo giấy, khiến báo giấy mất dần độc giả. Nghề phân phối báo giấy vì thế mà cũng thăng trầm theo.

Bài, ảnh: Thành Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngổn ngang công trường đường Chợ Mai - Tân Mỹ

Là dự án (DA) giao thông trọng điểm, với mục tiêu làm tiền đề cho việc thu hút các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, thế nhưng đường Chợ Mai - Tân Mỹ chậm tiến độ kéo dài và đến nay ngưng thi công hoàn toàn. Chủ đầu tư đang có văn bản gửi UBND tỉnh xin bố trí vốn bổ sung và yêu cầu các đơn vị thi công trở lại để hoàn thành DA.

Ngổn ngang công trường đường Chợ Mai - Tân Mỹ
Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị

Gặt hái những “quả ngọt” từ các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng dịch vụ, massage chăm sóc phục hồi sức khỏe đã trở thành nghề mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người mù, người khiếm thị.

Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị
Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù

Sau khi làng bún Vân Cù được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, số hộ tham gia sản xuất càng tăng lên...

Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù
Return to top