ClockThứ Năm, 17/12/2015 18:13

Thành công & những khoảng trống

TTH - Phong trào sáng tác thơ văn trong học sinh sinh viên Huế đã có nhiều tín hiệu vui trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khoảng trống.

Chuyến đi thực tế của Cây bút tuổi hồng tại cột mốc biên giới Việt - Lào (A Lưới) tháng 6/2015

 

 

Thu hút nhiều bạn trẻ tham gia

Nhà thơ Đông Hà, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, phụ trách mảng thiếu nhi của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đánh giá, lực lượng sáng tác nhỏ tuổi của Huế đến từ các câu lạc bộ (CLB) Sao Khuê (Nhà Thiếu nhi TP.Huế), từ cuộc thi Cây bút tuổi hồng (do Nhà Thiếu nhi TP.Huế phối hợp Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức), các CLB trường học,... rất nhiều và đa số các em viết từ niềm yêu thích, viết thông qua các cuộc vận động sáng tác, tạo một sân chơi khá đông. Hàng năm, có em đạt được nhiều giải thưởng với chất lượng bài khá cao, được đăng tải tại một số tạp chí, trang viết dành cho tuổi mới lớn như Báo Thừa Thiên Huế, Tạp chí Sông Hương, Tập san Áo trắng của NXB Trẻ, Nụ hồng của NXB Thuận Hoá,...
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nhìn nhận: “Thời nào thì tuổi trẻ cũng có những khát khao sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, vì vậy việc sáng tác thơ văn trong học sinh sinh viên dĩ nhiên là đang diễn ra. Có điều ở Huế có vẻ lặng lẽ hơn so với Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh do tính chất của vùng đất. Tuy nhiên chất lượng của phong trào sáng tác lại không nằm ở chỗ sôi động hay lặng lẽ. Cũng trong không khí lặng lẽ ấy, cách đây 5 năm, Tạp chí Sông Hương tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong sinh viên Huế và kết quả là đã phát hiện ra một số nhân tố mới, như Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang…; và hiện họ đang là những tên tuổi đáng nhắc đến trên văn đàn cả nước”.
Thử tìm đến CLB Văn thơ trẻ, Trường đại học Khoa học Huế để xem sự “hồi sinh” như thế nào. Được thành lập 2007, sau đó gián đoạn trong 2 năm (2013, 2014) đến đầu năm 2015, CLB Văn thơ trẻ này mới trở lại hoạt động nhưng đã thu hút gần 250 thành viên là sinh viên các khoa Ngữ văn, Báo chí, Lịch sử, Toán,... trong trường và cả sinh viên một số trường khác. Mỗi năm, CLB cho ra 1 tập san đăng tải các bài văn thơ, truyện ngắn, bút ký của các thành viên CLB. Tất cả đều được ban cố vấn là giảng viên trẻ trong khoa kiểm duyệt. Những bài có chất lượng sẽ được chọn để gửi đăng tại Tạp chí Sông Hương, Áo trắng,... Nhiều thành viên của CLB đã có tác phẩm đăng tại các Tạp chí Hoa học trò, Áo trắng, Phụ nữ Việt Nam, tuyển tập truyện ngắn của NXB Văn học và Bachabooks,... Lê Văn Thi, Bí thư liên chi đoàn khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế cho biết, CLB là nơi để các bạn yêu thích văn thơ sáng tác hoạt động. Để đáp ứng sở thích của thành viên, CLB tổ chức sinh hoạt theo nhóm gồm: nhóm thơ, truyện ngắn, bút ký, nghiên cứu khoa học (bình luận phê bình tác phẩm) và nhóm văn thơ của khối chuyên. Ban chủ nhiệm CLB lên kế hoạch sinh hoạt từ đầu tháng theo chủ điểm và đã mạnh dạn mời các thầy cô trong khoa, các nhà văn nhà thơ trong tỉnh tham gia các buổi nói chuyện, trao đổi về phương pháp sáng tác, phương pháp nghiên cứu khoa học, truyền cảm hứng sáng tác cho các thành viên CLB. Thỉnh thoảng, CLB còn tổ chức những buổi dã ngoại để tạo cảm hứng cho các thành viên. Nhờ vậy, phong trào sáng tác càng lúc càng mạnh.
Không thiếu, nhưng chưa đủ?
Muốn thực hiện được khát vọng nâng tầm văn học trẻ Huế cần có quỹ đầu tư sáng tác dành riêng cho giới trẻ. Mô hình CLB Văn học trẻ Huế cần được tái sinh và có nguồn kinh phí ổn định, chí ít là để in kỷ yếu định kì từng quý. Các giải thưởng văn học hằng năm và giải Cố đô về văn học nghệ thuật cần có hạng mục riêng dành cho giới trẻ. Tạp chí Sông Hương cần có không gian cố định dành riêng cho những cây bút trẻ, mới xuất hiện. Tôi tin làm được những điều trên văn học Huế sẽ có “hậu vận” vững vàng
PHAN TUẤN ANH
Giảng viên trẻ Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế
Nhà văn Thanh Ngọc cho rằng: “Vào các đêm thơ Nguyên tiêu, hay sân chơi Festival Thơ Huế, các cây bút học sinh sinh viên Huế đều được Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế mời tham gia đọc thơ. Các em cũng có sân chơi sáng tác qua chương trình phối hợp giữa Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế với Nhà Thiếu nhi Huế. Vậy thì không thể nói là các em không có sân chơi”. Cũng theo nhà văn Thanh Ngọc, những năm 1980, sinh viên Huế thường tổ chức các đêm thơ trong khuôn viên nhà trường đại học, đêm thơ kéo dài đến 3 giờ đồng hồ nhưng không ai bỏ ra về. Nay thì khác, các phương tiện nghe nhìn và giải trí khác lôi cuốn hơn nên việc tổ chức các đêm thơ phải khác mới mong thu hút được công chúng. Tuy nhiên bù lại, thơ học sinh sinh viên không chỉ công bố trên báo chí hay trong các đêm thơ đó, mà ngay trên facebook cá nhân, các em cũng có thể công bố thơ của mình, tương tác ngay tức khắc với bạn đọc. Đó là lợi thế sáng tác của học sinh sinh viên hiện nay. Nhà thơ Đông Hà cho hay, Hội Nhà văn đã phối hợp với Nhà Thiếu nhi tổ chức các trại sáng tác, giao lưu các bút nhóm để tạo ra những sân chơi sôi động, kích thích niềm yêu thích sáng tác của các em, tạo cho các em điều kiện giao lưu, trao đổi, và tạo sự gắn bó giữa người viết nhỏ tuổi với thế hệ đi trước.
“Tuy nhiên, có một khoảng trống đáng phải lưu ý, đó là hầu như các em học xong cấp 1, 2 khi vào cấp 3, lên đại học, đi học ở xa không còn giữ được sự gắn bó với các CLB đội nhóm nữa mà cuốn theo sở thích môi trường học tập mới của mỗi cá nhân. Mình rất “đau đầu” với vấn đề này vì tập hợp được rồi nhưng lại mất đi rất nhiều. Một xu hướng nữa là theo tuổi mới lớn, các em không còn đam mê văn chương như khi còn nhỏ, ngay cả những em ở lại cũng ít khi sinh hoạt như lúc còn học cấp 2 trở xuống. Vấn đề mình trăn trở là làm sao tập hợp được đội ngũ chuyển tiếp, tạo nguồn cho đội ngũ kế cận sau đội ngũ đã trưởng thành”, nhà văn Đông Hà tâm sự.
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top