ClockThứ Sáu, 22/04/2016 05:16

Thành lập Sở Du lịch: Chuyên sâu để phát huy tiềm năng

TTH - HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết về thành lập Sở Du lịch trên cơ sở tách chức năng quản lý Nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là việc làm cần thiết để tạo đột phá cho du lịch tỉnh nhà.

Khách tàu biển đến Cảng Chân Mây

Thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng, thế mạnh để xây dựng thành một trung tâm du lịch lớn ở Việt Nam. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nên tỉnh đã đề ra nhiều chính sách phù hợp khuyến khích các ngành và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Nhiều khu du lịch, vui chơi giải trí đã được quy hoạch và xây dựng với nhiều sản phẩm, loại hình du lịch hấp dẫn du khách. Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

Du lịch Thừa Thiên Huế đánh dấu sự phát triển với việc mở rộng quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch. Hệ thống hạ tầng được đầu tư gắn với quy hoạch và đầu tư phát triển các khu, tuyến điểm du lịch. Hệ thống các cơ sở kinh doanh lưu trú, lữ hành, nhà hàng, vận chuyển và giải trí cùng với chuỗi các sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng hóa hướng tới nhiều thị trường mới. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong 5 năm qua (2010 - 2015), lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%. Năm 2010, tổng lượt khách du lịch đạt 1,74 triệu lượt, đến năm 2015 tăng trên 3,1 triệu lượt. Doanh thu du lịch tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12% . Năm 2010, tổng doanh thu du lịch đạt 1.338 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt 3.000 tỷ đồng”.

Việc thành lập Sở Du lịch là rất cần thiết, phù hợp với Kết luận 64 Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa XI, với định hướng của tỉnh về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển của địa phương. Đề án thành lập Sở Du lịch của UBND tỉnh chỉ rõ: “Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, việc thành lập Sở Du lịch rất cần thiết, sẽ giúp tỉnh nhà hội nhập Cộng đồng ASEAN, TPP và WTO một cách chủ động, toàn diện, hiệu quả, góp phần phát huy tối đa hiệu quả ngành du lịch của tỉnh, thực hiện thành công chiến lược phát triển du lịch theo Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước”.

Tuy nhiên, trong tương quan chung những năm gần đây, du lịch Thừa Thiên Huế có bước phát triển chậm hơn so với các địa phương xung quanh. Để tạo động lực phát triển, cần có Sở Du lịch đủ điều kiện, năng lực, chuyên môn sâu... để tạo bứt phá, phát triển du lịch mạnh mẽ hơn.

Theo đề án, cơ cấu tổ chức của Sở Du lịch gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc, có 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Văn phòng sở, Thanh tra sở, Phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch; phòng Nghiệp vụ Du lịch hiện nay tách thành Phòng Quản lý cơ sở lưu trú và Phòng Quản lý lữ hành, cùng đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch. Việc thành lập Sở Du lịch đảm bảo đúng nguyên tắc “không tăng tổng biên chế của tỉnh”, trên cơ sở điều chuyển 25 biên chế công chức, viên chức, biên chế theo Nghị định 68/CP (theo đúng số biên chế của Sở Du lịch cũ tại thời điểm sáp nhập vào Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 4/2008) và 9 hợp đồng lao động chuyển từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang.

Khi tách lập Sở Du lịch, điều quan trọng là sở sẽ phải làm được những việc tốt hơn khi còn trong bộ máy chung của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Không chỉ quản lý Nhà nước, Sở Du lịch phải được xem là một đầu tàu vận hành hoạt động kinh doanh ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là đầu mối kết nối, đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong việc quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, chiến lược quảng bá xúc tiến điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch mới... Đồng thời, đưa ra những cơ chế, chính sách thông thoáng, các định hướng cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, để làm được điều đó, nhân tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là bộ máy. Người đứng đầu phải có năng lực quản lý, sự am hiểu về du lịch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm; đồng hành, lăn lộn với các doanh nghiệp du lịch. Quan trọng là cần phải có những con người đứng mũi, chịu sào, năng động, sáng tạo và quyết liệt để đưa du lịch tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.

Minh Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top