ClockThứ Bảy, 09/03/2019 10:21

Thành phố hoàng mai

TTH - Khi tôi sinh ra đã thấy cây mai vàng trước sân nhà. Lớn lên thấy nhà bên cạnh cũng như vậy, trước sân nhà một cây mai. Và không chỉ nhà bên mà cả xóm, cả làng, hầu như nhà nào cũng thấy hoa mai trước sân, đầu ngõ. Mai trước nhà, mai trước từ đường dòng họ, mai trước chùa, mai trước sân đình làng.

Nhành mai

Đường Lê Duẩn ngập tràn sắc hoàng mai mỗi dịp tết. Ảnh: H. HẢI

Lên phố cũng thấy mai vàng khắp mọi nhà. Nhà mặt phố chật hẹp cũng cố trồng một cây mai ở rẻo đất sát cổng. Nhà hộp không có sân thì trồng cây mai trong chậu, đặt trên lan can hàng hiên, hoặc trên sân thượng. Nhà vườn Huế thì đương nhiên là phải có hoa mai. Vô Đại Nội cũng thấy hoa mai trồng trước Ngọ Môn, Thế Miếu, Diện Thọ Cung... Mai trồng khắp lăng tẩm, đền miếu và nhiều nhất là trong các chùa. Không có ngôi chùa nào ở Huế mà không trồng hoa mai! Trước nhà thờ Chúa với lối kiến trúc Tây phương cũng có cây hoàng mai như là yếu tố hòa hợp của văn hóa bản địa xứ Huế.

Không chỉ trước nhà, trước đình, trước chùa, mà bây giờ trước nhiều cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... cũng có cây hoàng mai. Cây hoàng mai trước nhà đã trở thành một mô thức của kiến trúc cảnh quan xứ Huế!

Đã cắm mai trên bàn thờ để cúng Phật và ông bà tổ tiên rồi, cũng phải có thêm chậu mai trong phòng khách cho mình và bạn bè. Đã có một chậu mai uốn thế điệu nghệ rồi, cũng phải thêm một cành mai cắm trong độc bình để thưởng thức thêm cái thế phóng khoáng của tự nhiên.

Mai nào cũng tỏa hương thơm nhưng người Huế lại gọi hoa mai ở xứ mình là “mai hương”. Vua chúa thì đã quá vãng rồi vậy mà người Huế vì mê say hoa mai mà gọi hoa mai của mình là “mai ngự” - mai của vua. Cũng như cái chữ “hoàng mai”, từ Hán Việt có nghĩa là mai vàng. Mai vàng nào mà chẳng nở màu vàng, nhưng người Huế vẫn gọi hoa mai của xứ mình cái tên sang trọng là “Hoàng Mai” để phân biệt với hoa mai vàng ở các nơi khác. Lại có người gọi đó là “thanh mai” tức mai xanh. Mai mà sao lại xanh? Xanh đây là xanh cái đọt non, để phân biệt với “hồng diệp mai” - mai lá đỏ, tức là mai của vùng Bình Định trở vào các tỉnh miền Nam... Chỉ một cây hoa mai thôi mà đã có quá nhiều cách gọi. Đó chính là muôn vàn cung bậc tình cảm của người Huế dành cho cây hoa mai.

Hoàng mai, loài hoa đặc trưng của Huế. Ảnh: BẢO MINH

Mai vàng là loài hoa đặc trưng của cả miền Nam như đúc kết của dân gian “đào Bắc mai Nam”. Ở Bến Tre một thời người ta trồng cả cánh đồng hoa mai rộng cả mấy mẫu, ở Bình Định bây giờ mai trồng cả trang trại vài hecta. Nhưng tình cảm sâu đậm của người Huế với hoa mai vẫn mang một sắc thái rất riêng và đặc biệt. Mai đã trở thành một loài hoa gắn bó mật thiết với người Huế, như một loài hoa cao quý, sang trọng, lại rất gần gũi, thiết thân. Có thể nói, hoa mai đã trở thành loài linh hoa của xứ Huế!

* * *

Chính quyền tỉnh vừa đưa ra chủ trương xây dựng Huế - thành phố bốn mùa hoa. Một ý tưởng thú vị và đầy lãng mạn, quá đúng “chất Huế”, nên diễn đàn “Huế - thành phố bốn mùa hoa” vừa mở ra trên mạng xã hội đã thu hút nhiều quan tâm của người Huế và du khách. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã mở cuộc tọa đàm để bàn thảo chuyện này. Bốn mùa hoa nở cùng với bốn mùa festival sẽ làm cho Huế tăng lên bội phần hấp dẫn du khách. Ý tưởng hay và tin rằng các chuyên gia sẽ tìm ra giải pháp khả thi để biến nó thành hiện thực.

Bốn mùa hoa với muôn sắc ngàn hương nhưng cần có một loài hoa đặc trưng, mang tính biểu tượng. Vậy thì hoa gì là loài đặc trưng của Huế?

Với tất cả những gì đã diễn ra trong lịch sử, trong tình cảm và tâm hồn người Huế, trong sinh hoạt đời thường và cả trong tâm linh sâu thẳm, đã lắng đọng và trầm tích thành văn hóa của xứ sở này, thì có thể chọn hoa mai là loài hoa đặc trưng của Huế.

Cũng giống như thành phố hoa Đà Lạt với muôn sắc ngàn hoa nhưng hoa anh đào vẫn là loài đặc trưng, với tên gọi là “Xứ hoa đào”. Hà Lan là cánh đồng hoa của thế giới với cả triệu giống hoa, nhưng quốc gia này vẫn tự gọi mình là “Xứ sở hoa tuy-líp”. Hải Phòng đã trở thành “Thành phố hoa phượng đỏ", gần đây thành phố Sa Đéc cũng đã tự chọn là “Thành phố hoa sen” (Tháp Mười đẹp nhất hoa sen). Và Huế là “Thành phố hoàng mai”. Tôi tin rằng nhiều người Huế sẽ đồng cảm với cái tên ấy, và du khách, nếu nghe hết câu chuyện “Hoàng mai xứ Huế” chắc hẳn họ sẽ chia sẻ ngay điều này.

Tôi mường tượng một ngày xuân xứ Huế hoa mai nở vàng khắp mọi nhà, từ phố phường về đến làng quê; nở khắp đình chùa, nhà thờ, công sở, trường học; nở vàng rực các đường phố, công viên, các ngã năm ngã bảy... Du khách, dù đã quen với hoa mai vốn là loài hoa tết Việt, vẫn sẽ bất ngờ trước hoàng mai xứ Huế. Đó chẳng phải là thành phố hoàng mai hay sao?

MINH TỰ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông nhằm quy hoạch tốt không gian đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương
Thái Lan có thêm 3 thành phố gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

Tờ Thailand Business News ngày 24/2 trích dẫn thông báo từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho hay, Bangkok, Khon Kaen và Yala vừa trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Học tập Toàn cầu (GNLC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), ghi nhận nỗ lực của các thành phố này trong việc thúc đẩy học tập suốt đời.

Thái Lan có thêm 3 thành phố gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu
Return to top