ClockThứ Tư, 03/08/2016 05:59

Thanh trà Phong Điền

TTH - Cây thanh trà ở xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền), đang dần khẳng định “thương hiệu” khi đầu ra sản phẩm ổn định, mang lại thu nhập khá cho người trồng.

Vườn thanh trà trĩu quả

Thu nhập khá

Những ngày nắng chói chang, về “xứ thanh trà” Vĩnh Nguyên (thị trấn Phong Điền), vườn cây thanh trà, cam, bưởi da xanh trải ra một màu xanh ngút mắt. Ông Nguyễn Huề, Phó Chủ nhiệm HTX NN Vĩnh Nguyên cho biết: “Trồng thanh trà “sợ” nhất là tiết trời không thuận lúc ra hoa. Còn mọi công việc khác người trồng đều nắm rõ. Chỉ cần đầu vụ cho trái đậu nhiều, năm đó nhà vườn “ngồi chơi xơi nước” vẫn có bạc”.

Toàn thôn Vĩnh Nguyên có 25 ha cây thanh trà. Mỗi vụ đến tháng 8 dương lịch, những vườn cây lại xôn xao thương lái đến lùng mua. Ngoài thanh trà, mới đây, UBND thị trấn Phong Điền hỗ trợ nguồn giống, kinh phí giúp 10 hộ dân phát triển 2 mẫu giống cam V2 đưa từ miền Bắc vào.

Ông Đồng Hữu Thỉ (thôn Vĩnh Nguyên) cho biết: “Do áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh cũng như thời tiết đầu vụ khá thuận lợi, năm nay cây thanh trà tương đối sai quả. Với 100 gốc thanh trà, bình quân mỗi vụ cũng thu được 40 triệu đồng. Tới mùa thanh trà, thương lái về tận nơi thu mua nên bà con không lo lắng đầu ra, chỉ đầu tư chăm sóc tốt, đến vụ là có thu nhập”.

Nhắc đến trái thanh trà với đặc tính quả ngọt, thơm ngon, ở Phong Điền những thương lái “sành mua” ai cũng biết đến vùng đất Phong Thu. Thanh trà địa phương này có đặc tính vượt trội có thể sánh ngang thanh trà Thủy Biều (TP. Huế) bởi được hưởng phù sa của dòng sông Ô Lâu bồi đắp.

Ông Phạm Xuân Hùng (thôn Huỳnh Liên, xã Phong Thu) cho hay: “Có năm được mùa, vườn cây hơn 100 gốc thanh trà nhà tui thu được 110 triệu đồng/vụ. Đầu vụ gặp thời tiết thuận lợi, mình chăm bón tốt thì mỗi cây đạt 100 trái là thường. Bình quân mỗi sào (khoảng 10 cây), cho người trồng thu nhập 4,5-5 triệu đồng là đạt”. Ông Hùng trồng cây thanh trà đã mười mấy năm nay. Trước đây, ông chỉ đưa vào trồng với diện tích nhỏ, sau vài vụ thu hoạch, thấy đất vùng này phù hợp với cây thanh trà nên tăng diện tích trồng. Ngoài ra, ông Hùng còn trồng thêm bưởi da xanh, cam để có thêm thu nhập.

Ông Ngô Quang Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết: “Toàn xã có 110 ha thanh trà và 1 ha cam V2 trồng thí điểm, tập trung nhiều ở các thôn Huỳnh Liên, An Thôn, Vân Trạch Hòa. Bình quân mỗi năm, mỗi sào thanh trà đạt doanh thu 5 triệu đồng, mang lại thu nhập khá ổn định cho người trồng”.

Chú trọng chất lượng

Ông Nguyễn Huề, Phó Chủ nhiệm HTX NN Vĩnh Nguyên cho rằng, cây thanh trà hiện nay rất dễ bị sâu bệnh, ảnh hưởng thời tiết từ đầu vụ nên người trồng cần chủ động phòng chống dịch bệnh. Theo kinh nghiệm của bà con Vĩnh Nguyên nhiều năm trồng thanh trà, nếu thời điểm ra hoa gặp lạnh hoặc nóng quá thì cho tỷ lệ đậu quả thấp. Do vậy, người trồng cần chủ động áp dụng kỹ thuật. Trước đó, vào thời điểm tháng 10, cây chuẩn bị ra hoa, cần bón thúc gốc, đào rãnh theo tán cây bỏ phân các loại.

Cũng theo ông Huề, tùy mỗi giai đoạn sinh trưởng, cho hoa kết trái trong năm mà người trồng cần có những bước chăm bón phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng trái thanh trà. “Hiện nay, bệnh chảy mủ, xì mủ cây thanh tra khá phổ biến, ngoài sử dụng thuốc để xử lý, người trồng còn chủ động thăm vườn, để phát hiện, xử lý sớm nguồn bệnh mới hiệu quả được. Trong giai đoạn quả bắt đầu phát triển (tầm tháng 3-4), cần bón thêm kali nhằm tăng độ ngọt cho trái thanh trà”, ông Huế nói.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: “Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây thanh trà, Phòng NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương thâm canh cây thanh trà; chủ động đưa cán bộ kỹ thuật về cơ sở bám các vườn cây cùng người dân truyền đạt những kỹ thuật trồng mới, kỹ thuật tạo tán tỉa cảnh cũng như phòng trừ một số loại sâu bệnh như rầy cánh trắng, sâu đục quả”.

Hiện nay, cây thanh trà cũng là cây kinh tế chủ lực của Phong Thu. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật trồng mới, theo ông Quang, nhằm tăng sản lượng, chất lượng trái thanh trà ở Phong Điền, riêng Phong Thu chiếm diện tích lớn nhất, hơn 110 ha, cần tăng khả năng thâm canh, đậu quả của cây thanh trà, nhằm hướng đến sản xuất bền vững.      

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Return to top