ClockThứ Ba, 05/04/2016 06:04

Thấp thỏm trong những ngôi nhà xuống cấp

TTH - Thấp thỏm, lo lắng là tâm lý chung của những hộ dân đang sống trong những ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng nhưng không thể cải tạo, xây mới vì “mang danh” nhà cổ, hoặc không có điều kiện sửa chữa.

Báo động... sập

Ngôi nhà thờ cổ “Am Đông Mậu”, 158 Bạch Đằng vẫn giữ được nguyên dạng kiến trúc cổ ở phố cổ Gia Hội thuở ban đầu. Nhìn từ bên ngoài, hình ảnh đập vào mắt người đi đường là mái ngói xiêu vẹo, nhiều đoạn mái được phủ những tấm tôn, bạt nhằm che mưa, che nắng. Vào bên trong, từng mảng tường nứt toác, được trám trét qua loa. Hệ thống cửa gỗ, cột kèo, cầu thang... phần lớn bị mối mọt ăn gần hết. Tầng 2 của khu nhà càng nguy hiểm khi lớp gỗ làm nền đã bong tróc, mọt ăn, người yếu tim có lẽ không dám vào. Để giảm bớt nguy hiểm, người đang sinh sống tại căn nhà này phải xây thêm trụ bằng bê tông để chống đỡ.

Ngôi nhà cổ “Am Đông Mậu nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng

 Ông Nguyễn Xoa, người sống trong ngôi nhà cổ này từ năm 1985  chia sẻ: “Những ngày mưa gió, nhiều khi chẳng dám ở trong nhà, nói dại chứ căn nhà chỉ cần có bão, dù nhỏ e cũng sập. Còn mưa thì khỏi bàn, thấm dột khắp nhà. Lo cho sự an toàn, tôi phải gửi vợ con ở nhà ngoại, còn mình tôi ở đây kinh doanh buôn bán.”

Không riêng gì Am Đông Mậu, hiện trên địa bàn phường Phú Cát còn có 3 ngôi nhà khác đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong tổng số 40 ngôi nhà cổ nằm trên 2 tuyến đường Bạch Đằng, Chi Lăng mà phường đang quản lý. Theo ông Trần Trọng Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cát, những ngôi nhà bị xuống cấp, có khả năng ảnh hưởng đến người dân phải kể đến ngôi nhà cổ nằm trên ngã ba Chi Lăng, Nguyễn Du không có người sinh sống, phường nhiều lần liên hệ nhưng không được. Khu tập thể của Công ty Lương thực Bình Trị Thiên có trên 10 hộ sinh sống, có nhiều dấu hiệu xuống cấp, hiện tỉnh đang giao Sở Xây dựng và Trung tâm Phát triển Quỹ đất phối hợp xử lý. Am Đông Mậu hiện có 2 hộ đang sinh sống trái phép, phường nhiều lần cưỡng chế và xin thành phố cho sửa chữa làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngôi nhà 56 Chi Lăng theo kiến trúc Pháp hiện phần sau đã xuống cấp, phường động viên chủ nhà tự cải tạo, nhưng gia đình quá khó khăn nên chưa thể sửa chữa.

Không riêng gì những ngôi nhà tại phố cổ Gia Hội mà nhiều ngôi nhà khác tại phố cổ Bao Vinh, khu nhà tập thể số 50 Nguyễn Chí Diểu, khu nhà Lục bộ... cũng nằm trong tình trạng xuống cấp báo động. Nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà cổ bị hư hỏng nặng, không còn cách nào khác đành phải phá bỏ để xây mới, một số ít gia đình tiến hành tu sửa một phần, số còn lại vẫn phải “liều mình” sống vì không có kinh phí để tu sửa.

Kiểm định chất lượng

Ông Trần Trọng Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Cát chia sẻ: Thời gian tới, phường sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, các đoàn thể sẽ vận động bà con tự kiểm tra nhà cửa. Nếu không an tâm thì nhờ cơ quan chức năng đến khảo sát, thẩm định chất lượng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần vào cuộc để thẩm định, điều tra đánh giá chất lượng công trình. Đối với các khu nhà cổ đang được bảo tồn cần có phương án kiểm tra hiện trạng xếp hạng tình trạng theo từng mức. Công trình nào cần tu sửa, phải lập hồ sơ tiến hành tu sửa. Riêng những công trình xuống cấp nghiêm trọng, cần phải tính toán việc sửa chữa khẩn cấp.

Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đang tổ chức thực hiện bước 1 của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, lập danh sách các công trình đưa vào diện cần kiểm định chất lượng. Trong bước 2, sẽ tiến hành kiểm định an toàn chịu lực đối với các công trình này sau khi Bộ Xây dựng ban hành quy trình đánh giá, kiểm định. Trước mắt, các địa phương, ban ngành cần tiếp tục rà soát để bổ sung vào danh mục các công trình có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. Tiến hành theo dõi tình trạng công trình, có các biện pháp gia cường, gia cố kịp thời cũng như các biện pháp cần thiết khác (như hạn chế sử dụng, ngừng sử dụng…) để đảm bảo an toàn cho người và công trình.

Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 150 công trình có dấu hiệu xuống cấp nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng. Trong số đó, cá biệt có một số công trình xuống cấp khá nghiêm trọng, với các dấu hiệu tường nứt, nhà lún, nghiêng gây mất an toàn cho người sử dụng. Nguyên nhân được xác định do các công trình này trải qua quá trình sử dụng lâu năm, đan xen nhiều hình thức sở hữu, nhiều người sử dụng, thiếu sự quản lý chung.

Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ngôi nhà của sự sẻ chia

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, những ngôi nhà Đại đoàn kết đã được trao cho người nghèo trên toàn tỉnh. Chính những ngôi nhà của sự đoàn kết, đùm bọc và sẻ chia đã giúp các hộ nghèo khó khăn về nhà ở được an cư, có thêm động lực để vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế thoát nghèo và từng bước xây dựng cuộc sống ổn định.

Những ngôi nhà của sự sẻ chia
Sớm kiên cố đê phá Tam Giang

Ở huyện Quảng Điền hiện còn hơn 6,5km đê ven phá Tam Giang bán kiên cố, được đắp bằng đất tạm thời, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang
Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp

Nhiều tuyến giao thông khu vực TP. Huế bị xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như gây khó khăn đi lại của người dân.

Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Thông tin doanh nghiệp
Biến Nhà Của Bạn Thành Ngôi Nhà Thông Minh

Xã hội ngày càng hiện đại, các thiết bị thông minh ngày càng được nghiên cứu ra đời. Trong đó công tắc thông minh được xem là thiết bị hữu ích giúp con người có một cuộc sống tiện nghi hơn. Vậy lợi ích của thiết bị này là gì và nên chọn loại công tắc thông minh nào? Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau để có câu trả lời.

Biến Nhà Của Bạn Thành Ngôi Nhà Thông Minh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top