ClockThứ Sáu, 12/05/2017 05:46

Thắt chặt an toàn ở các điểm du lịch tắm suối

TTH - Ở một số điểm du lịch sinh thái (tắm suối, thác...), đang bộc lộ một số bất cập về an toàn trong khi lượng khách lựa chọn sản phẩm này gia tăng trong mùa hè.

Nhiều thanh niên vui đùa trên đỉnh thác Nhị Hồ (Phú Lộc) mà không có lực lượng cứu hộ do đang thời gian nghỉ hoạt động

Cấm... vẫn vào

Huế bắt đầu bước vào mùa nắng, cùng với du lịch biển, các điểm du lịch sinh thái tắm suối, thác... hút khách. Tại một số điểm, như Suối Voi, Thác Mơ (huyện Phú Lộc) mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến tắm và nghỉ dưỡng. Ở Nam Đông, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các con suối đã "quá tải" do lượng khách quá đông. Tại A Lưới vốn nổi tiếng với nhiều khu du lịch sinh thái tắm suối, thời gian qua cũng đón lượng lớn khách từ miền xuôi lên tìm gió “lạ” của miền ngược. Theo Ban quản lý Suối Pâr lê (xã Hồng Hạ), dù chỉ mới đầu mùa du lịch hè, song mỗi tuần đã đón được khoảng 1.000 lượt khách.

Theo các nhà làm tour, nhu cầu nghỉ dưỡng bằng tắm suối của khách đang tăng mạnh. Ngoài kinh phí thấp, lý do khác là ở các con suối du khách có thể vui chơi và nghỉ dưỡng suốt cả ngày mà không bị thời tiết nắng nóng cản trở. Điều đáng lo là khi đến một số điểm du lịch,  ở góc độ của một du khách, chúng tôi thấy còn tồn tại nhiều bất cập.

Thác Nhị Hồ (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc), được xem là một trong những điểm có cảnh vật đẹp. Đang trong quá trình nâng cấp, cải tạo cảnh quan và mở rộng con đường dẫn vào thác nên điểm du lịch này treo biển thông báo dừng hoạt động và yêu cầu khách không được vào tắm. Tuy nhiên, khi chúng tôi vượt con đường đất đỏ gồ ghề khoảng 3km để vào thác thì ở đây đang có khá đông khách đang tắm và tổ chức "nhậu nhẹt". Không hoạt động nên không có ban quản lý, nhân viên cứu hộ, nếu không may thì rất dễ xảy ra tai nạn. Nguy hiểm hơn, chúng tôi quan sát thấy một nhóm thanh niên leo lên tận đỉnh con thác để tắm và vui đùa trên đó. Chỉ cần trượt chân thì rất có thể rơi xuống thác với độ cao khoảng 20m.

Ngày 8/5, chúng tôi trao đổi vấn đề trên với lãnh đạo xã Lộc Trì. Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã khẳng định, điểm du lịch đang cấm hoạt động; đồng thời, cũng xác nhận thời gian qua vẫn có nhiều du khách vào tắm và có một số hộ vẫn tiến hành kinh doanh dù không được phép. Riêng trong dịp lễ 30/4 và 1/5 lượng khách lên Nhị Hồ rất đông, lúc đó, không thể “đuổi” khách xuống, UBND xã phải chỉ đạo đoàn viên thanh niên lên túc trực. Một nhóm “chốt” ở ngoài con đường, du khách đi vào thì yêu cầu quay lại. “Dù có hai biển báo cấm, một ở sát Quốc lộ 1A nhưng nhiều người vẫn cố tình vào thác. Chúng tôi dự định rào con đường lại để khách không vào được, nhưng đây cũng là đường dân sinh nên không thể tiến hành”, ông Cái Trọng Như cho biết.

Ở một số điểm khác, dù đang trong quá trình khai thác và đón khách, nhưng vẫn chưa đăng ký kinh doanh, dẫn đến hoạt động không bài bản, quá trình thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng gặp một số khó khăn. Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô thừa nhận khu du lịch Thác Mơ đang trong quá trình xin giấy phép kinh doanh và chuyển đổi sang quản lý theo hình thức hợp tác xã dù đã hoạt động được một thời gian. Trước đây, có thành lập một tổ quản lý nhưng về pháp lý không đúng, quá trình hoạt động cũng bộc lộ nhiều sai sót về thu vé, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.

An toàn khi tham gia tắm suối, thác là yêu cầu đặt ra khi kinh doanh du lịch

Đừng tham bát bỏ mâm

Nhìn chung, ở một số điểm du lịch sinh thái tắm suối, sự quản lý và hoạt động chưa được chặt chẽ, bài bản. Chỉ mới đầu mùa, nhưng đã có một số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra và đã có thiệt hại về người. Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho biết, khi nhận được thông tin các tai nạn xảy ra, ngành rất “sốt ruột”. Hiện, sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành một dự thảo về quy chế hoạt động ở các điểm du lịch sinh thái, mạo hiểm gắn với sông, suối; trong đó, quy định rõ các cơ quan quản lý và du khách làm gì khi đến các điểm du lịch. Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra là đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai nạn. Khi dự thảo được ban hành, sở sẽ phối hợp ngay với các huyện để triển khai. Quá trình thực hiện, nếu thanh tra kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ xử lý mạnh tay.

Ông Dương Đăng Trung cho biết, trong quá trình hoạt động kinh doanh ở Thác Mơ, có nhiều vấn đề nảy sinh xuất phát ngay chính từ du khách. Đa số du khách lên suối tắm kết hợp với “ăn nhậu”. Chính việc sau khi quá chén lại xuống tắm mới dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, dễ bị trơn trượt và va người vào đá. Trong nội quy tại Thác Mơ có yêu cầu khi du khách đã uống say thì không được xuống tắm, nhưng thực tế không thể kiểm soát. Nội quy đang dừng lại ở cảnh báo chứ chưa có chế tài xử phạt. Việc cấm bán thức uống có cồn đối với các hộ kinh doanh ở điểm du lịch cũng không dễ thực hiện.

Ý thức của du khách là một phần, nhưng nhiều hộ kinh doanh lại cố tình vi phạm quy định, tiếp tục kinh doanh dù đã có "lệnh" cấm. Như tại thác Nhị Hồ, hôm chúng tôi vào vẫn có hai hộ cố tình kinh doanh. Một trong hai hộ giải thích rằng, du khách lên tắm có nhu cầu ăn uống nên phục vụ, dù vẫn biết không được phép buôn bán. Ông Cái Trọng Như khẳng định, chính quyền đã vào làm việc và yêu cầu hai hộ này ngưng kinh doanh. Ngay trong tuần này (nói với PV vào ngày 8/5), xã sẽ mời hai hộ này làm việc, nếu còn vi phạm sẽ cưỡng chế và lập biên bản xử phạt.

Hiện, mới chỉ là đầu mùa của du lịch tắm suối, thác. Để sản phẩm này góp phần thu hút khách đến với Huế, cần có sự vào cuộc rốt ráo hơn của các cơ quan chức năng. Cần chủ động các giải pháp để du khách đến tận hưởng được những dịch vụ tốt và an toàn nhất.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top