ClockChủ Nhật, 03/02/2019 07:20

Thầy Jung ở Huế

TTH - Sức hút của văn hóa, phong cách sống và cảnh đẹp như thơ của Huế khiến ông Jung Dong Ju đến từ Seoul (Hàn Quốc) quyết định gắn bó lâu dài với xứ sở thần kinh chỉ sau một chuyến du lịch. Gần 10 năm qua, tình cảm vợ chồng ông dành cho Huế ngày càng sâu đậm.

Ngôi nhà của vợ chồng thầy Jung luôn ấm cúng

“Tôi bị Huế cuốn hút”

Trong tiết trời se lạnh, ở ngôi nhà cuối cùng kiệt 9 đường Ngô Gia Tự (TP. Huế), vợ chồng ông Jung Dong Ju và hai sinh viên đang chuyện trò vui vẻ. Nếu không biết trước, tôi sẽ nghĩ họ là một gia đình. Chúng tôi được vợ chồng ông Jung mời ăn bánh Hàn Quốc và thưởng thức trà nóng. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi càng lúc càng thú vị theo từng lời kể của ông Jung về nhân duyên của hai con người ở xứ kim chi với mảnh đất này.

Năm 2009, lúc đó 55 tuổi, khi kết thúc thời hạn hai năm làm giám đốc cho một công ty Hàn Quốc chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh, ông đến Huế du lịch trước khi về nước. “Được khám phá bề dày văn hóa, chứng kiến phong cách sống chan hòa của người dân và cảnh đẹp như thơ khiến một người chỉ biết vùi đầu vào làm kinh tế như tôi có cảm giác bình yên, dễ chịu đến khó tả. Tôi bị Huế cuốn hút như thế”, ông Jung chia sẻ.

Trong một buổi gặp gỡ với những người bạn Hàn Quốc đang giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường đại học Ngoại ngữ (ĐH Huế), biết khoa đang thiếu giảng viên, không chần chừ, ông Jung làm hồ sơ xin về khoa giảng dạy. Sau 6 tháng bàn giao công việc cũ tại quê nhà, ông Jung trở lại Huế quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất mà ông đã cảm mến. “Lúc đầu, các con tôi không đồng ý vì lo lắng sự khác biệt, nhưng khi sang thăm Huế, các con tôi hoàn toàn yên tâm”, thầy Jung tâm tình.

Từng là người làm công tác quản lý, thầy Jung biết được nhà tuyển dụng cần gì khi sinh viên ra trường, nên ngoài giáo trình trên lớp, thầy còn thành lập CLB tiếng Hàn cho các em trau dồi kiến thức. Từ đó, ngôi nhà của vợ chồng thầy đã trở thành địa điểm sinh hoạt cho CLB. Sinh viên cùng vợ chồng thầy Jung nấu các món ăn Hàn Quốc, tìm hiểu văn hóa Hàn qua những câu chuyện, những trò chơi truyền thống...

Gần gũi với sinh viên, biết nhiều em sau giờ học, nhiều em đi làm thêm kiếm tiền để trang trải cho việc học, có em không có thời gian tham gia sinh hoạt CLB tiếng Hàn vì vướng lịch làm thêm... khiến trái tim thầy Jung thổn thức. “Tôi sinh ra trong gia đình không mấy khá giả. Những năm tháng sinh viên của tôi ở Trường đại học Korea rất chật vật, nên tôi đồng cảm với các em”, thầy Jung trải lòng.

Từ đó, ngôi nhà của vợ chồng thầy trở thành mái ấm cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. “Được thầy cô tạo điều kiện về ở trong nhà, em vừa mừng vừa lo. Lúc đó, vốn tiếng Hàn của em chưa nhiều, em cũng chưa quen cách ăn ở, sinh hoạt. Chính sự gần gũi, ân cần hướng dẫn từng việc nhỏ của vợ chồng thầy đã giúp em tự tin, trưởng thành hơn. Em đã giao tiếp thành thạo tiếng Hàn, biết thêm nhiều về văn hóa Hàn Quốc. Em thương yêu, kính trọng thầy cô như bố mẹ mình vậy”, sinh viên Võ Thị Vân tâm sự.

Tham quan nhà trưng bày tác phẩm của Điềm Phùng Thị

 Yêu thương như thế chưa đủ, thầy vẫn bùi ngùi mỗi lần tham gia cùng khoa xét học bổng cho các em. “Tôi thấy nhiều em xứng đáng được nhận học bổng nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên đành chịu”, thầy Jung nói. Câu hỏi làm sao giúp đỡ các em theo thầy vào giấc ngủ mỗi đêm. Chia sẻ trăn trở với các con và bạn bè, người thân ở quê hương, tiếp đó là những cuộc điện thoại kết nối với các doanh nghiệp ở Hàn Quốc... Cuối cùng, quỹ học bổng “Ước vọng” ra đời sau 2 năm thầy làm giảng viên. Từ đó, mỗi năm, có khoảng 20 sinh viên khoa tiếng Hàn lại được nhận học bổng “Ước vọng”, mỗi suất đủ để các em đóng tiền học phí cho một học kỳ. Nhiều sinh viên từng được nhận học bổng giờ đã trở thành nhà tài trợ cho quỹ. Thầy Jung cũng là cầu nối giúp nhiều sinh viên có cơ hội sang Hàn Quốc du học, nghiên cứu sinh và làm thêm tại Hàn Quốc...

Người kết nối

Cũng như người Việt Nam, người Hàn Quốc rất coi trọng Tết cổ truyền của dân tộc. Đó là lúc con cháu quây quần tụ họp bên gia đình. Gần 10 năm sống ở Huế, vợ chồng thầy Jung chia đều thời gian, năm thì ăn Tết ở Việt Nam, năm lại ăn Tết tại Hàn Quốc. Năm nào đón Tết Huế, gia đình hai con trai ở Seoul đều qua Huế sum vầy cùng bố mẹ. Thầy Jung cho biết: “Năm nay, chúng tôi ăn Tết ở Hàn Quốc. Dù ăn Tết ở Huế hay Seoul thì trong nhà tôi luônđầy đủ các món ăn truyền thống của cả hai đất nước. Chúng tôi sẽ đặt các loại mứt, bánh chưng, kẹo mè xửng để đưa về Hàn Quốc ăn Tết”.

Rất giống với mẫu người phụ nữ Huế truyền thống, bà Ohh Yun Sook luôn vì chồng con. Cảm nhận được niềm hạnh phúc của chồng khi nói về công việc mới, bà tự nguyện cùng chồng đến Huế mà không cần biết khó khăn, trở ngại phía trước là gì. Rất may con người và cuộc sống ở đây gần gũi và giản dị khiến bà hòa nhập rất nhanh. Bà xem đồng nghiệp, sinh viên của chồng như người thân. Thỉnh thoảng, bà lại trổ tài nấu nướng và mời họ tới nhà dùng cơm. “Nhiều người thân, bạn bè tôi đã đến Huế đi du lịch bởi sự tò mò và hứng thú qua lời kể của ông xã tôi”, bà Ohh Yun Sook, vợ thầy Jung khoe.

Dạo bộ ngắm cảnh sông Hương là sở thích của vợ chồng thầy Jung

Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng thầy lại cùng nhau dạo bộ ngắm sông Hương, thưởng thức ẩm thực Huế, thăm di tích lăng tẩm, tìm hiểu về văn hóa Cố đô... “Với tôi, đây là những tháng năm tươi đẹp của cuộc đời”, thầy Jung tâm sự.

Tình yêu mà thầy Jung dành cho Huế ngày càng mặn mà. Thầy đang giới thiệu tiềm năng cũng như những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ở Hàn Quốc. Khi có những doanh nghiệp Hàn Quốc đến Huế, việc phát triển quỹ học bổng “Ước vọng” không còn là nỗi lo của người giáo viên nặng tình này nữa. Và dự liệu xa hơn là các bạn sinh viên ra trường cũng có thêm những cơ hội tìm việc làm trong tương lai. Với tấm lòng rộng mở và một tình yêu đặc biệt dành cho Huế, mong cho hai vợ chồng thầy Jung Dong Ju sẽ gắn bó bền bỉ và làm nhiều công việc ý nghĩa cho mảnh đất hiền hòa miền Hương Ngự.

Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc cho biết: “Thầy Jung Dong Ju rất tâm huyết với nghề. Không chỉ dạy trên lớp, thầy còn chủ động kết nối với các tổ chức tại Hàn Quốc tổ chức giao lưu với khoa, tạo sân chơi cho sinh viên. Thầy còn nỗ lực gầy dựng quỹ học bổng “Ước vọng” để giúp đỡ sinh viên khó khăn. Những việc làm này của thầy đã góp phần xây dựng khoa ngày càng đoàn kết, gắn bó và phát triển”.

Bài: Hải Thuận - Ảnh: Anh Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Return to top