ClockThứ Ba, 20/03/2018 06:00

Thay nếp nghĩ, đổi cuộc đời

TTH - Đến khu vực đầm phá, chứng kiến đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ ngày càng tươi mới, khiến chúng tôi cũng vui lây...

Thoát nghèo từ vốn vay qua kênh phụ nữTruyền thông chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tếTôn vinh hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Chị Nguyễn Thị Phượng đan lưới lừ trong ngôi nhà khang trang

Thay đổi

Ghé thăm chị Lê Thị Nguyên ở thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc) đúng lúc gia đình chị bắt đầu bữa ăn trưa. Bữa cơm khá thịnh soạn, gồm có cá mú hấp, canh rau khoai nấu tôm và món thịt kho. Anh Đỗ Chi, chồng chị Nguyên giải thích: “Tôm, cá của nhà đánh bắt được, rau cũng có sẵn trong vườn, chỉ mua mỗi thịt”.

Sau khi mở tủ lạnh lấy nước mời khách, chị Nguyên kể: “Trước đây, cuộc sống khó khăn nên cá, tôm đánh bắt được chẳng dám ăn mà chỉ để bán để trang trải cuộc sống. Bản thân thì suốt ngày cặm cụi trên sông nước, chẳng biết đến vui chơi. Từ ngày được Nhà nước cấp đất và hỗ trợ tiền làm nhà để lên bờ định cư, lại được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tuyên truyền hướng dẫn nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, cuộc sống của tôi bắt đầu có nhiều thay đổi”.

Chị Nguyên không quên “khoe” đã mua được xe ga, xe đạp điện cho con đi học. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, chị còn được chồng chở lên Huế mua tặng hai bộ đồ hàng hiệu. Vui nhất là mấy đứa con đều  chăm ngoan, học giỏi.

Cũng tại thôn Miêu Nha, trong căn nhà khang trang, chị Nguyễn Thị Phượng đan lưới, chồng chị chuẩn bị chở con đi học. Dạo quanh nhà chị, chúng tôi thấy chỗ nào cũng ngăn nắp, gian bếp sạch sẽ, gọn gàng; cuối góc vườn có hai thùng rác hai màu xanh, đỏ để phân loại rác hữu cơ, vô cơ. “Quen với lối sống trên đò, nên khi lên bờ định cư tôi cũng tiện đâu vứt đó, rác thải xả tùy tiện. Sau khi được vận động tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội LHPN, nghe phân tích tác hại của ô nhiễm môi trường, nên ngoài thời gian theo chồng đi bủa lưới, tôi lại dọn dẹp để nhà cửa luôn sạch sẽ. Năm qua, gia đình tôi đã đạt “gia đình 5 không, 3 sạch”, chị Phượng cho hay.

Không chỉ ở vùng đầm phá xã Lộc Điền, ở các xã khác như: Lộc Trì, Lộc Vĩnh, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc)... cuộc sống chị em cũng ngày càng tươi mới khi đời sống vật chất được cải thiện và có sự chia sẻ, đỡ đần nhiều hơn của chồng. Như anh Phạm Minh, chồng chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Đông Hải, xã Lộc Trì khi chúng tôi ghé nhà thì bắt gặp anh đang vào bếp chuẩn bị cơm trưa cho cả gia đình. Anh kể, từ 3 giờ sáng 2 vợ chồng đã đi làm ngư và trở về khi trời vừa sáng. Vợ đưa tôm cá ra chợ bán, còn anh trở về nhà ngủ. “Nay thì khác, tôi cho các con ăn sáng và chở chúng đi học, sau đó dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Vợ chồng cùng đỡ đần nhau nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng vui vẻ”, anh Minh chia sẻ. 

Theo chị Cái Thị Diệu Trang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lộc, trên địa bàn huyện có 12/18 xã vùng đầm phá. Trước đây, phụ nữ ở vùng này chỉ biết thu mình cùng với con tôm, con cá, thì nay đã tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ (CLB) do các chi hội phụ nữ thành lập và mạnh dạn trao đổi các vấn đề liên quan đến bản thân. Vào các ngày lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nhiều chị đều nhiệt tình tham gia các hội thi, hội diễn do các cấp hội phụ nữ tổ chức, thậm chí nhiều chị còn đề xuất tổ chức đi tham quan du lịch.

Cũng là xã có tỷ lệ hộ dân đầm phá cao, nhưng khi hỏi về đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ nơi đây, chị Đặng Thị Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú An (huyện Phú Vang) khẳng định: “Không chỉ biết vun vén cho gia đình, các chị giờ còn biết lo cho sức khoẻ bản thân. Biết nghề của mình thường xuyên tiếp xúc với sông nước nên rất dễ bị nhiễm bệnh, cho nên hầu hết các chị đều mua bảo hiểm y tế tự nguyện, không đợi phải vận động mà đã chủ động đi khám sức khoẻ định kỳ”.

Nỗ lực của cấp hội

Để nâng cao nhận thức về mọi mặt cho hội viên phụ nữ vùng đầm phá, Hội LHPN tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án AC (Thụy Điển), dự án Luxembourg thành lập các CLB “Phụ nữ đảm đang”, “Quyền trẻ em” ở các xã có tỷ lệ hội viên vùng đầm phá cao… Thông qua các buổi sinh hoạt, Hội đã cụ thể hóa các nội dung của Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng sống, xây dựng gia đình hạnh phúc để các chị dễ tiếp thu.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phụ nữ vùng đầm phá phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Hội LHPN tỉnh cũng không ngừng quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên dưới nhiều hình thức, trước hết là hỗ trợ vay vốn ưu đãi qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn các dự án, vốn tiết kiệm vì phụ nữ nghèo… Hội cũng phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư tỉnh... mở các lớp tập huấn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, dạy nghề cho phụ nữ ở địa phương. Qua đó, vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất, kinh doanh.

Những đổi thay tích cực của  phụ nữ đầm phá cũng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ chi hội trưởng Hội Phụ nữ. Họ là những người trực tiếp tuyên truyền, vận động, thay đổi thói quen, cách nghĩ, cách làm của bà con và cũng là tấm gương trong thực hiện nếp sống văn minh. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn định cư xã Phú An cho biết: “Sáng, trưa hay chiều tối, bất cứ chị em rảnh giờ nào, tôi đều sắp xếp công việc bản thân để tuyên truyền theo giờ đó. Cũng may, các con tôi đều chăm ngoan, học giỏi, tôi cũng được chồng ủng hộ nên công việc thuận lợi”.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế; vì thế việc trao cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ cũng đồng nghĩa trao thêm cơ hội để phụ nữ tự khẳng định mình.

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ
Đồng hành cùng chi hội trưởng

Đề xuất tăng phụ cấp cho chi hội trưởng (CHT), đổi mới các phong trào để thu hút hội viên, cùng các CHT nắm bắt tình hình, hoàn cảnh chị em để có cách giúp đỡ hợp lý, kịp thời... là cách mà hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp và chính quyền địa phương đồng hành cùng các CHT trong việc xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ trên toàn tỉnh.

Đồng hành cùng chi hội trưởng
Return to top