ClockThứ Sáu, 28/09/2018 15:02

Thế giới cam kết giải quyết các bệnh không lây nhiễm

TTH.VN - Tờ Devdiscourse ngày 28/9 đưa tin, các nhà lãnh đạo thế giới vừa cam kết 13 biện pháp mới để giải quyết những căn bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư, bệnh tim và phổi, đột quỵ và tiểu đường; đồng thời thúc đẩy sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

WHO: 1,4 tỷ người trưởng thành quá lười vận động, gây nguy hiểm cho sức khoẻWHO: Bia rượu gây ra 1 trên 20 ca tử vong toàn cầu năm 2016WHO: Lao vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giớiWHO: Béo phì tác động lên sức tăng tuổi thọ ở châu ÂuWHO: Biến đổi khí hậu gây ra các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọngVì mục tiêu cải thiện sức khoẻ cho hàng tỷ người

Thúc đẩy hoạt động thể chất nằm trong số những cam kết vừa được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra. Ảnh: Clinton Foundation

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay: “Ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện một số bước ngoặt để đánh bại các bệnh không lây nhiễm. Điều này góp phần vào một cơ hội lịch sử để thúc đẩy sức khỏe, cứu lấy mạng sống con người và phát triển các nền kinh tế".

Theo đó, các nhà lãnh đạo thế giới nhất trí có trách nhiệm cho các nỗ lực ở mỗi quốc gia để ngăn chặn và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Những nỗ lực này bao gồm luật và các biện pháp tài chính mạnh mẽ, nhằm bảo vệ người dân khỏi thuốc lá, thực phẩm không lành mạnh và các sản phẩm độc hại khác, chẳng hạn như hạn chế quảng cáo đồ uống có cồn, cấm hút thuốc lá và đánh thuế đồ uống có đường.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết thực hiện một loạt các chính sách do WHO đề xuất để ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, như giáo dục công cộng và những chiến dịch nâng cao nhận thức để thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn, chủng ngừa vi-rút HPV để chống lại ung thư cổ tử cung, điều trị tăng huyết áp và tiểu đường.

WHO ước tính, việc thực hiện tất cả những chính sách này có thể tạo ra 350 tỷ USD trong tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp từ nay đến năm 2030.

Những cam kết cụ thể khác tập trung vào việc ngăn sự gia tăng béo phì ở trẻ em, thúc đẩy hoạt động thể chất thường xuyên, giảm ô nhiễm không khí, cải thiện sức khỏe tâm thần và hạnh phúc.

Bên cạnh đó, tuyên bố cũng tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của WHO trong việc đánh bại những căn bệnh không lây nhiễm và thúc đẩy sức khỏe tâm thần; đồng thời thúc giục tổ chức này tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác chính, bao gồm các Chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Đặc biệt, tuyên bố kêu gọi các nhà sản xuất thực phẩm thực hiện một số hành động, bao gồm việc sản xuất những sản phẩm cải tiến để giảm lượng muối, đường tự do (bao gồm các loại đường đôi, đường đơn được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống, hoặc đường tự nhiên có trong mật ong, nước ép trái cây, nước trái cây cô đặc...), chất béo trans bão hòa và chất béo trans công nghiệp; sử dụng dán nhãn dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói để thông báo cho người tiêu dùng; và hạn chế việc tiếp thị thực phẩm và đồ uống không lành mạnh cho trẻ em.

Theo trang web chính thức của WHO, các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là những căn bệnh về tim mạch và hô hấp, ung thư và tiểu đường, hiện gây ra 7 trong số 10 ca tử vong trên toàn thế giới (tương đương 41 triệu người), trong đó có 15 triệu ca từ 30-69 tuổi, phần lớn ở các quốc gia đang phát triển.

Chương trình hoạt động chung thứ 13 của WHO cho giai đoạn 2019-2023 tập trung mạnh vào việc ứng phó với các bệnh không lây nhiễm và thúc đẩy sức khỏe tâm thần, với việc đầu tư vào bao phủ y tế toàn dân là cốt lõi của các phản ứng quốc gia.

Cũng trong giai đoạn này, WHO cam kết đảm bảo thêm 1 tỷ người được hưởng lợi từ bao phủ y tế toàn dân; thêm 1 tỷ người được hưởng sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn; và thêm 1 tỷ người được bảo vệ tốt hơn khỏi các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse & WHO)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh viêm gan siêu vi

Được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về bệnh viêm gan thế giới (WHS) đang diễn ra từ ngày 9 - 11/4 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, báo cáo về bệnh viêm gan toàn cầu năm 2024 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong do viêm gan siêu vi đang gia tăng.

WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh viêm gan siêu vi
Return to top